Dự thảo Luật BHXH: Sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn
03/11/2023 03:16 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thảo luận tại tổ về dự án Luật BHXH (sửa đổi) chiều 2.11, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn; mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích để thu hút người lao động tham gia BHXH.
Cần có biện pháp để người lao động ở lại hệ thống BHXH lâu hơn.
Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của xã hội được đưa vào dự án Luật BHXH (sửa đổi) là về BHXH một lần (Điều 77). Năm 2022, có gần 1 triệu người giải quyết hưởng BHXH một lần, số này tiếp tục tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2021. Có thể thấy, cú sốc về kinh tế mà đại dịch COVID-19 gây ra đã khiến hàng triệu lao động mất việc làm, nhiều lao động mất việc chưa tìm được việc làm mới và không còn sự lựa chọn nào khác mà phải dựa vào tiền đóng BHXH để sử dụng trong lúc khẩn cấp, khó khăn. Cuối năm 2022, nhiều công ty ở khu vực phía Nam buộc phải đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô.
Theo thống kê, có hơn 600.000 công nhân bị ảnh hưởng, trong đó có khoảng 34.000 công nhân mất việc làm, số còn lại bị giảm giờ làm việc hoặc nghỉ chờ việc. Nếu những người lao động bị ảnh hưởng từ làn sóng mất việc vào cuối năm 2022 không thể tìm được việc làm mới trong vòng một năm, rất có khả năng nhiều người trong số họ sẽ nghĩ đến việc rút tiền BHXH để trang trải cuộc sống. Do đó, quy định về hưởng BHXH một lần trong Dự thảo này chắc chắn là nội dung được dư luận đặc biệt quan tâm.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội (Ảnh Quốc hội)
Đóng góp ý kiến vào việc hoàn thiện dự án Luật BHXH (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Nhị Hà – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho rằng: Chế độ hưu trí là trụ cột của hệ thống an sinh, việc gia tăng số người lao động rời bỏ hệ thống sẽ tạo ra gánh nặng lớn cho nhà nước và xã hội trong việc chăm sóc và hỗ trợ nhóm người không có nguồn thu nhập khi về già. Vì vậy, đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho rằng, cần phải có biện pháp để người lao động ở lại hệ thống lâu hơn và tạo điều kiện để họ có đủ điều kiện hưởng lương hưu. Đại biểu Trần Thị Nhị Hà ủng hộ đề xuất giảm lợi ích từ việc rút BHXH một lần theo phương án 2 của điểm đ tại Điều 77. Tuy nhiên, đại biểu kiến nghị mức rút BHXH không phải là 50%, mà tương ứng với mức đóng bảo hiểm của người lao động, để người lao động chỉ có thể rút khoản tiền họ đóng vào quỹ, còn khoản tiền mà người sử dụng dụng lao động đóng sẽ được giữ lại để chi trả một phần lương hưu sau này.
Cần quy định chặt chẽ chế tài xử lý hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Thị Phúc cho biết dự thảo Luật mới đề cập đến doanh nghiệp, người lao động, các tổ chức chính trị xã hội tham gia bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động mà chưa đặt ra vấn đề về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Do đó cần lượng hóa vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực hiện chính sách BHXH để giảm tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH, không thể để gia tăng theo tốc độ, số lượng ngày càng có dấu hiệu gia tăng như thời gian qua.
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Thị Phúc (Ảnh Quốc hội)
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Thị Phúc cũng chỉ rõ khoản 2 Điều 37 của dự thảo Luật có quy định: “Cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH từ 06 tháng trở lên, đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền BHXH bắt buộc phải đóng”. Song đại biểu cho rằng với tình trạng hiện nay hành vi trốn đóng 6 tháng trở lại phải áp dụng quy định về hình sự. Việc áp dụng biện pháp “ngừng sử dụng hóa đơn” là chưa bảo đảm tính răn đe; đồng thời nếu quy định biện pháp này cần rà soát để bảo đảm tính thống nhất với các luật liên quan như Luật Đầu tư…
Đại biểu Lã Thanh Tân – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng thì cho rằng quy định tại khoảng 4 Điều 37 của dự thảo Luật “Người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH và cơ quan có thẩm quyền đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà người sử dụng lao động vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền BHXH buộc phải đóng thì cơ quan BHXH có quyền khởi kiện người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật.” là chưa thực sự phù hợp. Bởi hành vi hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH đã bị áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà tiếp tục tiếp diễn thì cần áp dụng biện pháp cao hơn của cơ quan có thẩm quyền. Trong khi đó dự thảo lại chuyển sang khởi kiện tức chế tài dân sự là chưa phù hợp, cần được tiếp tục nghiên cứu làm rõ, chỉnh sửa hợp lý hơn.
Quan tâm khuyến khích và có chính sách cho 02 nhóm hộ kinh doanh
Nhằm hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Trần Văn Khải đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng, đề xuất sửa đổi các chính sách, đảm bảo thể chế hoá đầy đủ chủ trương của Đảng đã nêu: "Sửa Luật lần này làm sao để BHXH thực sự trở thành trụ cột bền vững của an sinh - xã hội, bảo đảm quyền con người theo Hiến pháp 2013".
Đại biểu Trần Văn Khải - Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam (Ảnh Quốc hội)
Về Điều 3 quy định đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, dự thảo Luật đã quy định chi tiết và bao phủ đầy đủ các đối tượng. Tuy nhiên, mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW là mở rộng đối tượng tham gia BHXH, tiến tới BHXH toàn dân, do đó việc quy định đối tượng phải linh hoạt. Trước hết, phải quan tâm khuyến khích và có chính sách cho 02 nhóm hộ kinh doanh: (i) Hộ kinh doanh phải đăng ký hộ kinh doanh; và (ii) Hộ không phải đăng ký hộ kinh doanh; trong đó, đặc thù của hộ không phải đăng ký kinh doanh là các hộ hoạt động nhỏ lẻ, không ổn định, có thu nhập thấp.
Theo số liệu thống kê, có khoảng trên 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó có gần 2 triệu hộ có đăng ký kinh doanh. Theo quy định của Luật BHXH năm 2014 thì chủ hộ kinh doanh không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Lần này, quan điểm bổ sung nhóm hộ có đăng ký kinh doanh là hợp lý, nhưng nên quy định tham gia BHXH bắt buộc theo hộ kinh doanh tương tự như BHYT hộ gia đình bắt buộc và nên có chính sách khuyến khích hỗ trợ như đã thực hiện BHYT hộ gia đình theo lũy tiến; đồng thời hỗ trợ nhóm hộ chưa đăng ký kinh doanh để họ cũng tham gia BHXH tự nguyện theo các thành viên của hộ kinh doanh và từng bước chuyển sang hộ kinh doanh có dăng ký kinh doanh và tham gia BHXH bắt buộc (lưu ý cả 2 nhóm hộ này đều bao gồm tất cả người lao động tham gia làm công ăn lương trong hộ kinh doanh). Đây là giải pháp rất quan trọng để đẩy nhanh độ bao phủ BHXH toàn dân./.
PV
Chi tiết >>
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
BHXH Việt Nam thành lập Tổ tính toán cân đối quỹ BHXH, ...
BHXH Việt Nam tiếp nhận và xử lý cảnh báo chiến dịch tấn ...
Bắc Giang sớm hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về BHXH, ...
Diễn tập ứng cứu khẩn cấp sự cố an toàn thông tin khu vực ...
Người dùng đã có thể đăng nhập Cổng Dịch vụ công BHXH Việt ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?