Khoảng 70-80% số người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp
24/08/2023 09:20 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Vừa qua, Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Xã hội đã làm việc với các bộ liên quan về thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống ma túy và phòng chống mại dâm.
Chưa có nhiều giải pháp trong phòng chống ma túy
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Hồi- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, công tác phòng chống ma túy còn một số tồn tại như: Việc xác định tình trạng nghiện còn gặp khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện. Chủ tịch UBND cấp huyện chưa giao nhiệm vụ cho các đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; rất ít tổ chức, cá nhân đăng ký nên công tác này chưa thực hiện hiệu quả. Đội ngũ cán bộ tại các cơ sở cai nghiện thiếu về số lượng; chưa được đào tạo, tập huấn chuyên sâu; cơ sở vật chất của các cơ sở cai nghiện tại một số địa phương đã xuống cấp; công tác quản lý sau cai nghiện chưa được quan tâm đầu tư; chưa có nhiều mô hình và giải pháp hiệu quả; khó khăn lớn nhất là thiếu hụt các nguồn kinh phí để phục vụ công tác cai nghiện ma túy…
Ông Nguyễn Văn Hồi- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH báo cáo tại buổi làm việc
Về công tác phòng chống mại dâm, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp triển khai các giải pháp tuyên truyền, giáo dục với các giải pháp về kinh tế, xã hội, hành chính, hình sự. Tuy nhiên, hoạt động của các mô hình thí điểm chủ yếu thông qua hình thức tuyên truyền, truyền thông, sinh hoạt nhóm, câu lạc bộ; chưa hình thành hệ thống cung cấp dịch vụ hỗ trợ chuyên biệt dễ tiếp cận. Công tác phối hợp liên ngành về chế độ báo cáo định kỳ của các thành viên còn chậm so với quy định, nội dung báo cáo của địa phương còn sơ sài, chưa đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu đã đề ra, chưa phản ánh toàn diện các hoạt động liên ngành trong công tác phòng chống mại dâm.
Tính đến tháng 12/2022, cả nước có 50.962 người sử dụng trái phép chất ma túy, tổng số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý là 196.110 người (khoảng 96% là nam giới, 4% là nữ giới). Tỷ lệ sử dụng ma túy tổng hợp khoảng 70-80% trong số người nghiện, đặc biệt miền Trung và miền Nam chiếm 80-95% trong tổng số người nghiện. Cả nước có 97 cơ sở cai nghiện ma túy công lập. Năm 2022, đã tổ chức cai nghiện cho 63.253 người; dạy nghề, truyền nghề cho 7.023 người; dạy văn hóa cho 1.221 người. Tại thời điểm 31/12/2022, đang tổ chức cai nghiện cho 29.367 người, trong đó cai nghiện bắt buộc cho 23.185 người, cai nghiện tự nguyện cho 3.603 người, lưu trú tạm thời 2.579 người.
Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Liên Hương- Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, thời gian qua, Bộ Y tế đã nghiên cứu về các bài thuốc, phác đồ điều trị và phục hồi chức năng cho người nghiện ma túy, đặc biệt với nhóm người cai nghiện ma túy tổng hợp, người nghiện sử dụng đồng thời heroin và ma túy tổng hợp. Hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật y tế để thực hiện công tác cai nghiện ma túy, điều trị nghiện các dạng chất thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Xác định tình trạng nghiện ma túy, tập huấn cấp chứng chỉ giới cho cán bộ chuyên môn, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện xác định tình trạng nghiện trên toàn quốc.
“Công tác này còn gặp một số khó khăn, do sự gia tăng của các loại ma túy mới, nhất là các ma túy dạng kích thích; cán bộ cung cấp dịch vụ thay đổi thường xuyên nên cần nguồn lực và đào tạo liên tục, dẫn đến quá tải công việc cho cán bộ y tế. Các dữ liệu về mô hình và hiệu quả các can thiệp điều trị Methadone ở bệnh nhân sử dụng đa ma túy hiện đang thiếu”- bà Hương khẳng định.
Cần giải bài toán nhân lực
Tại buổi làm việc, bà Đỗ Thị Lan- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đánh giá cao các bộ, ngành đã kịp thời ban hành các văn bản chi tiết hướng dẫn, tổ chức thực hiện Luật Phòng chống ma túy; tích cực thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến về phòng chống ma túy; thống kê người nghiện ma túy, xác định tình trạng nghiện, kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy. Tuy nhiên, nguồn lực cho công tác phòng chống ma túy còn thiếu, nhất là ở cấp cơ sở, ảnh hưởng đến công tác quản lý người sau cai nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy...
Bà Đỗ Thị Lan- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội phát biểu tại buổi làm việc
Bên cạnh đó, việc bố trí kinh phí cho công tác phòng chống ma túy còn rất bất cập, hạn chế, nguồn kinh phí thường xuyên của Trung ương không tăng chi cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách. Nguồn kinh phí đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 của các địa phương đã phân bổ cho các hạng mục theo kế hoạch, do đó nhiều địa phương đề nghị đầu tư hạ tầng cơ sở cai nghiện nhưng không được giải quyết. Kinh phí hỗ trợ của địa phương theo phân cấp từ nguồn NSNN hàng năm tại nhiều nơi không đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao. Bộ máy làm công tác phòng chống ma túy còn thiếu về số lượng và hạn chế về trình độ chuyên môn.
Bên cạnh đó, sự quan tâm, chỉ đạo công tác phòng chống mại dâm của một số bộ, ngành, địa phương còn hạn chế, vai trò của người đứng đầu chưa được phát huy. Công tác dạy nghề, vay vốn, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người hoạt động mại dâm hoàn lương còn khó khăn. Chế tài xử phạt đối với người bán dâm sau khi bị bắt giữ là chỉ bị phạt tiền, nên hiệu quả răn đe không cao, hầu hết người bán dâm vẫn tái vi phạm. Kinh phí dành cho hoạt động phòng chống mại dâm còn thấp…
Còn theo bà Leo Thị Lịch- Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc, công tác phòng chống ma túy tại các địa bàn có người DTTS, miền núi, vùng sâu, vùng xa có hiệu quả hạn chế, tình hình ma túy ở các khu vực này có diễn biến phức tạp. Do đó, các bộ, ngành cần quan tâm, chú trọng và làm rõ hơn nữa nội dung này trong báo cáo, đặc biệt cần theo dõi tỷ lệ người nghiện là người DTTS từ 12-18 tuổi đưa vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc cũng như tự nguyện.
Kết luận buổi làm việc, bà Nguyễn Thúy Anh- Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội ghi nhận và đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện đối với công tác cai nghiện ma túy và phòng chống mại dâm. Theo đó, các báo cáo và ý kiến trả lời của Bộ LĐ-TB&XH và các bộ, ngành đã bám sát yêu cầu giám sát, nội dung rõ ràng, sát với các câu hỏi mà Đoàn giám sát đặt ra. Các ý kiến tại cuộc họp sẽ được ghi chép, tổng hợp đầy đủ để tiếp thu, hoàn thiện báo cáo chung của Đoàn giám sát.
PV
Chi tiết >>
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
Bắc Giang sớm hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về BHXH, ...
Diễn tập ứng cứu khẩn cấp sự cố an toàn thông tin khu vực ...
Người dùng đã có thể đăng nhập Cổng Dịch vụ công BHXH Việt ...
Bản tin Audio số 39 - Tuần 4 tháng 11/2024
Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH tổ chức kỷ niệm 42 năm ngày ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?