Xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong về ASXH và việc làm công bằng

22/07/2023 04:30 PM


Nâng cao năng lực dự báo cung- cầu lao động để tiến tới thị trường lao động ổn định, bền vững, bao trùm. Đồng thời, đảm bảo các chính sách để đến năm 2023, Việt Nam sẽ là quốc gia tiên phong về vấn đề ASXH và việc làm công bằng theo sáng kiến của LHQ.

Chủ động điều tiết thị trường lao động

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho biết, trong 6 tháng, bối cảnh thế giới và khu vực tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong nước, Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ và Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội đã diễn ra thành công tốt đẹp, quyết nghị nhiều chủ trương, nội dung quan trọng.

Hình minh họa (nguồn: Internet)

Phát huy những kết quả đạt được năm 2022, Bộ LĐ-TB&XH đã tập trung điều hành chủ động, đúng hướng, quyết liệt, linh hoạt, kịp thời; triển khai đồng bộ, toàn diện nhiều chính sách, giải pháp trên các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ với phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, phát triển” và 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo, điều hành. Với sự nỗ lực, vượt qua khó khăn, thách thức, toàn ngành LĐ-TB&XH đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Thị trường lao động nhìn chung tương đối ổn định, các chỉ số thị trường lao động vẫn có sự tăng trưởng nhẹ. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, số lao động có việc làm là 51,2 triệu người, tăng 902.000 người so với cùng kỳ năm trước. Trong 6 tháng đầu năm, nhu cầu tuyển dụng của cả nước là gần 500.000 lao động. Ngoài ra, có 95 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, qua đó góp phần tạo nhiều việc làm cho NLĐ. Hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phục hồi tích cực, 6 tháng đầu năm 2023, cả nước đã đưa trên 72.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

Các chính sách về BHXH, BH thất nghiệp tiếp tục được chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, với khoảng 17,485 triệu người tham gia BHXH, 14,29 triệu người tham gia BH thất nghiệp; dự kiến số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 220.688 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm có 562.641 người đến nộp hồ sơ hưởng BH thất nghiệp; 518.561 người có quyết định hưởng TCTN.

Hình minh họa (nguồn: Internet)

Cùng với đó, ngành LĐ-TB&XH tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng; thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách trợ cấp thường xuyên cho trên 1,13 triệu đối tượng. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, huy động nguồn lực xã hội chăm lo đời sống NCC với cách mạng được đẩy mạnh. Đời sống NCC và thân nhân NCC không ngừng được cải thiện, nâng cao hơn. Các chính sách giảm nghèo, Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững, trợ giúp xã hội được chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Triển khai thực hiện các chương trình, đề án về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ năm 2023. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện xây dựng chính sách về công tác cai nghiện ma túy; phòng, chống mại dâm và phòng, chống mua bán người.

Tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm 2023, các đại biểu cũng đã tham gia thảo luận, trao đổi về kết quả đạt được, những mặt còn tồn tại, hạn chế; đồng thời đề nghị, kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho NLĐ, đào tạo nghề, chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, cai nghiện ma túy,… Đồng thời cũng nhấn mạnh, những tháng cuối năm, Bộ LĐ-TB&XH cần tiếp tục nỗ lực, thực hiện hiệu quả, thực chất, toàn diện, nhất quán các Nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, triển khai nhanh, hiệu quả, đồng bộ các chính sách, giải pháp đã ban hành nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2023, nhất là các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, bảo đảm ASXH. Kiên quyết, kiên trì, nỗ lực, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, không điều chỉnh bất cứ chỉ tiêu nào. Các đơn vị, địa phương cần tăng cường năng lực, chủ động phân tích, dự báo, tập trung theo dõi, nắm chắc tình hình trong và ngoài nước, theo dõi sát diễn biến tình hình lao động, việc làm, các vấn đề ASXH.

Hình minh họa (nguồn: Internet)

Chú trọng bảo đảm ASXH

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của toàn ngành LĐ-TB&XH trong 6 tháng đầu năm 2023. Đồng thời, nêu rõ, thời gian qua, nhất là tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi, dư luận rất quan tâm các vấn đề liên quan đến ngành LĐ-TB&XH như: BHXH, GDNN, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm, chính sách lao động, chính dách dôi dư,…Rất nhiều ý kiến đã đồng tình, ủng hộ và chia sẻ với nỗ lực thực hiện nhiệm vụ của toàn ngành. “Từ năm 2016 tới nay, toàn ngành đã nỗ lực 200% khả năng của mình, đặc biệt là tập trung đột phá vào một số lĩnh vực lớn. Trong đó, lĩnh vực thị trường lao động mặc dù còn non trẻ nhưng đã từng bước hình thành và phát triển nhanh chóng, song điều quan trọng hơn cả là đang đi đúng hướng. 7 năm qua cũng thực sự là sự đột phá về lĩnh vực người có công; trên 7.000 hồ sơ tồn đọng thì đến nay đã căn bản giải quyết xong, cụ thể có những trường hợp từ hàng chục năm, thậm chí là gần 100 năm cũng đã được ngành phối hợp giải quyết thấu tình, đạt lý, đem lại niềm tin tưởng, phấn khởi đối với thân nhân các gia đình liệt sỹ”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ.

Trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH phải tham mưu, hoàn thiện dự thảo sửa đổi nhiều Nghị định, Bộ luật liên quan. Đó là tham mưu tổng kết Nghị quyết Trung ương 5, khóa XI về chính sách xã hội và ban hành chính sách mới, chủ trương mới về chính sách xã hội đến năm 2030, tầm nhìn 2045, với một số vấn đề chủ chốt, như: chuyển mạnh từ ASXH sang chính sách xã hội; chuyển từ chăm lo cho người yếu thế sang đối với tất cả các đối tượng; định hướng đến 2030, Việt Nam sẽ là quốc gia tiên phong về vấn đề ASXH và việc làm công bằng theo sáng kiến của LHQ.

Hình minh họa (nguồn: Internet)

“Chúng ta sẽ lựa chọn 3 vấn đề có tính chất đột phá về chiến lược chính sách xã hội, đó là hình thành và phát triển nhanh một thị trường lao động đúng nghĩa và thị trường lao động sẽ là một trong 5 thị trường căn bản của kinh tế thị trường; đột phá mạnh, xóa toàn bộ nhà tạm cho người dân, nhà cho người nghèo. Đến năm 2025, cả nước phải giải quyết căn bản 100.000 căn nhà cho người nghèo, 74 huyện nghèo không còn nhà tạm. Đến năm 2030, cả nước không còn nhà tạm và hình thành 1 triệu căn hộ giá rẻ cho người thu nhập thấp, hộ nghèo. Chú trọng phát triển y tế, giáo dục, những vấn đề cốt lõi nhất, là nền tảng của cơ chế về ASXH”-Bộ trưởng Dung nhấn mạnh.

Bên cạnh đó là hoàn thành việc sửa đổi Luật BHXH 2014, Nghị định 152 về quản lý NLĐ nước ngoài ở Việt Nam, chuẩn bị tốt nhất cho việc sửa đổi Luật Việc làm, đưa BH thất nghiệp trở thành giá đỡ đúng nghĩa, thúc đấy thị trường lao động phát triển. Ngoài ra tập trung sửa đổi một số chính sách khác liên quan đến bảo trợ xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, cai nghiện ma túy,… Đồng thời, nâng cao năng lực dự báo cung cầu lao động, theo hướng gắn với đào tạo, bồi dưỡng, theo dõi sát tình hình, chủ động điều tiết thị trường lao động. Xây dựng một thị trường lao động ổn định, bền vững, bao trùm, hiện đại, linh hoạt và hội nhập.

PV