Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Đề án 06 tạo đột phá trong chuyển đổi số quốc gia
09/05/2023 10:44 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành về tình hình thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), chiều 08/5/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Đề án 06 phải đặt trong tổng thể chuyển đổi số quốc gia.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc đạt được các mục tiêu của Đề án 06 là tiền đề hết sức quan trọng để tiến tới vận hành Chính phủ số, đi cùng với xã hội số, kinh tế số, thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Cần có chính sách đầu tư cho chuyển đổi số tập trung vào vào hạ tầng đường truyền, thiết bị, phần mềm, con người… - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Sau những "bước đi đầu tiên", việc mở rộng Đề án 06 xuống các địa phương, đến từng người dân đang gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi sự chỉ đạo ở cấp cao nhất, với các giải pháp quyết liệt, trách nhiệm nhất.
Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu phân tích, chỉ ra những vấn đề, thách thức đang cản trở Đề án 06, từ đó xác định những nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ vướng mắc, thách thức đặt ra, gắn với trách nhiệm, lộ trình thực hiện cụ thể.
"Cuộc họp cần tập trung vào những vấn đề mà Đề án 06 phải giải quyết thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, còn những vướng mắc thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội như luật, pháp lệnh hay nghị quyết thì sẽ được xem xét, nghiên cứu giải quyết ở giai đoạn phù hợp", Phó Thủ tướng lưu ý.
Theo báo cáo tại cuộc họp, 4 nhóm vấn đề gặp nhiều vướng mắc trong thực hiện Đề án 06 tại các bộ, ngành, địa phương là: Pháp lý, hạ tầng công nghệ, dịch vụ công, nguồn lực triển khai Đề án.
Cụ thể, về pháp lý, nhiều bộ, ngành chưa hoàn thành việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan đến quản lý dân cư. Việc rà soát sửa đổi các văn bản dưới nghị định còn chậm, chưa công bố để các địa phương thực hiện. Các địa phương chưa chủ động tái cấu trúc theo thẩm quyền thủ tục hành chính. Việc rà soát đề xuất chủ trương miễn, giảm phí, lệ phí dịch vụ công trực tuyến chưa hiệu quả…
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại cuộc làm việc - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Về hạ tầng công nghệ thông tin, cấp bộ chậm thực hiện theo các hướng dẫn về chuyển đổi số, về an ninh an toàn thông tin. Hệ thống thông tin chưa được liên kết đồng bộ, tổng thể, nhiều đơn vị còn có hệ thống phân tán; mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin không đồng đều. An ninh an toàn thông tin chưa được quan tâm đúng mức, chưa ban hành quy trình, quy chế để quản lý khai thác và bảo mật thông tin…
Cùng với những tồn tại tương tự, các địa phương còn chưa đánh giá tổng thể hạ tầng để có kiến trúc tổng thể chuyển đổi số, triển khai hệ thống của các sở, ngành rời rạc, không tập trung được hạ tầng cũng như dữ liệu, dẫn đến việc thực hiện chuyển đổi số không hiệu quả trong các sở, ngành, lĩnh vực; chưa quyết liệt trong việc rà soát, bổ sung, đầu tư các thiết bị đầu cuối cần thiết…
Về dịch vụ công của địa phương, việc khai thác thông tin tự động điền biểu mẫu điện tử (eForm) chưa tạo được hiệu ứng tích cực để chuyển đổi trạng thái; chưa trang bị đầy đủ công cụ, phương tiện để người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến thuận tiện tại các bộ phận 1 cửa.
Trong khi đó, các địa phương thiếu chủ động tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho lực lượng quản trị, vận hành các hệ thống và phổ cập kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin cơ bản cho cán bộ để có thể sử dụng thành thạo phần mềm.
Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan cho rằng vai trò của cấp Trung ương là bảo đảm môi trường pháp lý để thực hiện trôi chảy các công đoạn đang làm trong quá trình chuyển đối số.
Đồng thời, hạ tầng công nghệ phải được tiếp tục củng cố, quy hoạch bài bản, kết nối đồng bộ giữa Chính phủ với các địa phương, giữa các bộ, ngành, giữa cơ quan quản lý Nhà nước với doanh nghiệp, người dân.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc nêu thực tế nhiều sở, ngành ở địa phương vẫn lúng túng trong triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06 - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết Bộ đang khẩn trương hoàn thành thủ tục ban hành Nghị định quy định danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia theo trình tự, thủ tục rút gọn (thời hạn tháng 7/2023); Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông; Khung kiến trúc Chính phủ điện tử 3.0…
"Bộ TT&TT sẽ thẩm định chặt chẽ kiến trúc Chính phủ điện tử của các bộ, ngành để bảo đảm đồng bộ với kiến trúc Chính phủ điện tử quốc gia; tập trung đánh giá, công bố chất lượng cổng dịch vụ công trực tuyến các bộ, ngành, địa phương và mức chi phí triển khai", Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nói.
Nhấn mạnh yêu cầu đồng bộ, thống nhất của hạ tầng công nghệ (phần cứng và phần mềm), Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, Bộ TT&TT phải làm rõ cơ chế, phạm vi đầu tư đối với mạng lưới trục đường truyền cấp quốc gia cho đến bộ, ngành, địa phương; định mức, đơn giá thuê dịch vụ công nghệ thông tin, ứng dụng, phần mềm (dùng chung, chuyên dụng) trong quản trị dữ liệu.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu có cách tiếp cận đồng bộ, bài bản trong triển khai, phát huy, mở rộng những kết quả đã đạt được của Đề án 06 vào chuyển đổi số quốc gia trên quan điểm "chính sách pháp luật phải đi trước một bước".
Đơn cử, Bộ Tư pháp phải phối hợp chặt chẽ với Bộ TT&TT trong xây dựng Luật Giao dịch điện tử bao gồm giao dịch giữa chính quyền với công dân và các chủ thể khác; giữa công dân với các chủ thể khác; định hướng về mặt nguyên tắc trong sửa các luật liên quan.
Theo mức độ sẵn sàng về hạ tầng kết nối, quy định pháp lý, nhân lực… đáp ứng chuyển đổi số, các bộ, ngành, địa phương tập trung chuyển đổi quy trình, phương thức thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công từ trực tiếp sang môi trường điện tử với những thủ tục được người dân, doanh nghiệp sử dụng nhiều, vấn đề vượt thẩm quyền thì báo cáo Chỉnh phủ, Thủ tướng Chính phủ; tiến tới cung cấp các ứng dụng (app) thủ tục hành chính để người dân, doanh nghiệp tương tác trực tuyến hiệu quả với chính quyền.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng cần lồng ghép nhiệm vụ Đề án 06 theo hướng mở rộng, gắn với hoạt động của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số quốc gia - Ảnh: VGP/Minh Khôi
"Đề án 06 phải xác định rõ những điều kiện để kết nối, thực hiện được ngay các dịch vụ công được người dân, doanh nghiệp sử dụng nhiều, có trọng tâm trọng điểm, làm đâu chắc đấy, làm đâu được đấy. Quan trọng nhất là sự sẵn sàng của các bộ, ngành", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng yêu cầu trong tháng 6/2023, Bộ TT&TT phải trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia, khung kiến trúc Chính phủ điện tử 3.0 làm cơ sở pháp lý để Bộ Công an trình các cơ quan có thẩm quyền Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia.
Phó Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT xem xét, nghiên cứu, đề xuất chính sách đầu tư cho chuyển đổi số vào hạ tầng đường truyền, thiết bị, phần mềm, con người; phương án đấu thầu, lựa chọn nhà thầu dịch vụ công nghệ thông tin khác với những gói thầu vật tư, thiết bị khác dựa trên đặc thù là tài sản, tài nguyên tri thức, mang tính sáng tạo. Bộ Tài chính đề xuất cơ chế mới về thuê dịch vụ công nghệ thông tin.
"Sứ mệnh của Đề án 06 mở rộng là dẫn dắt, thí điểm, đột phá trong chuyển đổi số. Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ xem xét, đề xuất cơ chế lồng ghép nhiệm vụ Đề án 06 theo hướng mở rộng, gắn với hoạt động của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số", Phó Thủ tướng nói.
Theo Chinhphu.vn
Chi tiết >>
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
BHXH Việt Nam thành lập Tổ tính toán cân đối quỹ BHXH, ...
BHXH Việt Nam tiếp nhận và xử lý cảnh báo chiến dịch tấn ...
Bắc Giang sớm hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về BHXH, ...
Diễn tập ứng cứu khẩn cấp sự cố an toàn thông tin khu vực ...
Người dùng đã có thể đăng nhập Cổng Dịch vụ công BHXH Việt ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?