Thủ tướng: Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân

03/04/2023 03:01 PM


Ngày 3/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2023.

Tham dự Hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang; Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; các đồng chí thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Cùng dự Hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; đồng chí Đinh Văn Ân, Trợ lý Tổng Bí thư. Tham dự Hội nghị tại các điểm cầu địa phương có các đồng chí lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Hội nghị tập trung thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng năm 2023, tình hình triển khai Nghị quyết 01 của Chính phủ, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội quý II năm 2023 và thời gian tới; đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2022.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, chúng ta đã kết thúc quý I, bước vào quý II của năm thứ 3 thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Chúng ta triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, nỗ lực đạt các mục tiêu đề ra theo các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong bối cảnh hậu quả của đại dịch COVID-19 chưa khắc phục được hết, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt hơn, kinh tế thế giới có xu hướng sụt giảm, lạm phát của các nước tuy hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, các nước tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, cầu giảm, thị trường thu hẹp, nhất là các thị trường lớn của Việt Nam, giá một số mặt hàng chiến lược, nguyên vật liệu đầu vào không ổn định, nhất là giá dầu. Những yếu tố bất ổn, rủi ro gia tăng, niềm tin suy giảm trên thị trường tài chính toàn cầu, một số ngân hàng tại Mỹ, châu Âu ngừng hoạt động, phá sản.

Trong nước, quy mô nền kinh tế khiêm tốn nhưng có độ mở cao, sức chống chịu có hạn, một biến động nhỏ bên ngoài cũng có thể tác động lớn đến bên trong, trong điều kiện một nước phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi.

Trong bối cảnh đó, thời gian qua và trong quý I năm 2023, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân, sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, sự nỗ lực của chính quyền các cấp, chúng ta đã cơ bản đạt được các mục tiêu lớn: Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, tăng cường, mở rộng đối ngoại và hội nhập. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện, Liên Hợp Quốc vừa công bố xếp hạng "Chỉ số hạnh phúc toàn cầu" của Việt Nam tăng 12 bậc.

Tuy nhiên, các khó khăn, thách thức còn nhiều. Ngay từ đầu năm, chúng ta đã nhận định tình hình có khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội, thuận lợi và đến nay, chúng ta càng thấy nhận định này là đúng.

Cụ thể, sự hồi phục của doanh nghiệp sau COVID-19 còn còn nhiều khó khăn liên quan tới tiếp cận vốn, đất đai, thủ tục hành chính rườm rà, thị trường bị thu hẹp. Các thị trường bất động sản, vốn, trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ để các thị trường ổn định, an toàn, lành mạnh, bền vững. Việc khắc phục các vấn đề liên quan tới cung ứng thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế cần nỗ lực, quyết liệt hơn nữa. Phản ứng chính sách của các bộ, ngành, địa phương cần kịp thời, hiệu quả hơn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân để phục hồi tốt hơn. Việc giải ngân đầu tư công, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn khó khăn. Công tác cải cách hành chính cần được đẩy mạnh hơn và kỷ luật, kỷ cương hành chính cần được tăng cường hơn nữa.

Thủ tướng nêu rõ, thời gian qua, chúng ta đã rất nỗ lực để triển khai 3 nhóm công việc lớn: Các vấn đề tồn đọng, kéo dài cần nhiều thời gian để giải quyết như các dự án thua lỗ, ngân hàng yếu kém; các nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều hơn, nặng nề hơn với đòi hỏi ngày càng cao hơn khi quy mô nền kinh tế lớn hơn, dân số đông hơn; xử lý, ứng phó với các vấn đề đột xuất, bất ngờ.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá khách quan về kết quả, hạn chế, phân tích nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, nhận định tình hình, xác định các nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức thực hiện, nỗ lực khắc phục hạn chế, bất cập, vượt qua các khó khăn, thách thức, tập trung toàn lực để thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Toàn cảnh phiên họp tại điểm cầu trụ sở Chính phủ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu thảo luận, kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, thời gian tới dự báo tình hình quốc tế còn phức tạp, khó lường. Trong nước, khó khăn, thách thức tiếp tục nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Chúng ta vẫn giữ vững quyết tâm, kiên trì, kiên định thực hiện theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.  

Về quan điểm chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng nhấn mạnh, bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, sự lãnh đạo của Trung ương, Bộ Chính trị và lãnh đạo chủ chốt, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030, các Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, các Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Không chùn bước trước khó khăn, mà bản lĩnh hơn, kiên định hơn, quyết tâm cao hơn, sáng tạo hơn; nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn. Lấy nội lực là cơ bản, là chiến lược, lâu dài là quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá; phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, lấy khó khăn, thách thức là động lực phấn đấu vươn lên, tập trung thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn việc làm và sinh kế của người dân.

Nắm chắc diễn biến tình hình trong nước, quốc tế; nâng cao năng lực phân tích, dự báo; huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; kết hợp hài hòa, chặt chẽ giữa nguồn lực bên trong và bên ngoài, giữa trung ương và địa phương, giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.

Tăng cường đoàn kết, thống nhất; giữ gìn kỷ luật, kỷ cương hành chính; khắc phục kịp thời các hạn chế trong phản ứng chính sách của một số cơ quan, đơn vị; giữ đúng nguyên tắc hành động, đồng thời, căn cứ diễn biến thực tiễn để chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành. Kịp thời phát hiện, đề xuất các chính sách để ứng phó với những phát sinh; tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc; cái gì thuộc thẩm quyền thì phải chủ động làm, không trông chờ ỷ lại; đề xuất, kiến nghị những vấn đề vượt thẩm quyền.

Trong mọi trường hợp phải bảo đảm ổn định chính trị - xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh; tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế và đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận của xã hội. 

Về Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng yêu cầu tổ chức thực hiện tốt, hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Lãnh đạo chủ chốt, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bảo đảm chất lượng, tiến độ các đề án, nội dung trình Hội nghị Trung ương 7 và Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV.

Tiếp tục ưu tiên giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn. Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; tạo việc làm, sinh kế cho người dân.

Tiếp tục tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế. Khẩn trương hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tiếp tục rà soát, hoàn thiện pháp luật về tổ chức bộ máy, phân cấp, phân quyền. Khẩn trương xây dựng, trình ban hành Nghị định về khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Tiếp tục xây dựng, đồng bộ hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin của các bộ, ngành, địa phương. Tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia song song với việc liên thông, liên kết để hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia tổng thể. Bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu.

Các bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai, hoàn thành công tác quy hoạch theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

Cùng với đó Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế đặc biệt đối với ngành nông nghiệp phải tranh thủ thời tiết tương đối thuận lợi đẩy mạnh sản xuất; chủ động phòng chống dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu. Có giải pháp hỗ trợ người nông dân về giá nguyên vật liệu đầu vào đang ở mức cao, nhất là thức ăn chăn nuôi. Khơi thông thị trường cho hàng hóa nông nghiệp, nhất là các sản phẩm chủ lực.

Thúc đẩy phục hồi, phát triển sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo. Có cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất quốc tế.

Về dịch vụ, du lịch, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch; tăng cường liên kết, phát triển các sản phẩm du lịch mới, chất lượng. Tổ chức tốt mùa du lịch hè 2023. Tích cực nối lại, mở mới đường bay quốc tế đến những khu vực khách hàng tiềm năng; Khẩn trương hoàn thiện phương án đề xuất Quốc hội cho phép nâng thời hạn thị thực điện tử (E-visa); nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh.

Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; các dự án, công trình lớn, trọng điểm và phải coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư tư.

Về 03 chương trình mục tiêu quốc gia khẩn trương ban hành 02 văn bản hướng dẫn còn thiếu; nhanh chóng bổ sung, hoàn thiện, hướng dẫn rõ ràng đối với những văn bản hướng dẫn đã ban hành nhưng còn chồng chéo. Sớm trình Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 27 quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG

Về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Thủ tướng đề nghị các Bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương phê duyệt Chủ trương đầu tư, Quyết định đầu tư và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai phân bổ và thực hiện các dự án đầu tư thuộc Chương trình, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng theo yêu cầu.

Đối với việc ngân vốn đầu tư công cần phát huy hiệu quả hoạt động của các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh đó thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội.

Tiếp tục phòng, chống dịch COVID-19 và các loại dịch bệnh khác. Tập trung giải quyết hiệu quả, triệt để, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đầu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.

Chuẩn bị tốt công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023. Tập trung hoàn thiện Chỉ thị của TTgCP về tự chủ đại học.

Thủ tướng yêu cầu, theo dõi sát tình hình khu vực và quốc tế, kịp thời tham mưu chiến lược, các biện pháp xử lý các tình huống liên quan đến chủ quyền, quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ đối ngoại, không để bị động, bất ngờ, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ. Triển khai hiệu quả chương trình đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án trọng điểm; làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nghiêm các quy định về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tập trung đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là tín dụng đen, tội phạm trên môi trường mạng... Tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, nhất là trong dịp nghỉ lễ.

Đẩy mạnh tuyên truyền về các nhiệm vụ, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Chủ động, tích cực đấu tranh, phản bác thông tin sai sự thật, xấu, độc, các quan điểm sai trái, thù địch./.