Hỗ trợ người nghèo tiếp cận Giáo dục nghề nghiệp thuận lợi

19/02/2023 03:35 PM


Hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp (GDNN) với tạo việc làm, sinh kế bền vững là một trong những nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Giúp giảm nghèo bền vững

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, nội dung về đào tạo nghề và giải quyết việc làm được thiết kế thành một dự án riêng là một trong những thay đổi trong cách tiếp cận để giải quyết vấn đề giảm nghèo bền  vững.

Đó là tiếp cận ở góc độ người lao động có kỹ năng, có việc làm một cách thỏa đáng, bền vững. Đây là điểm căn cơ nhằm giải quyết các vấn đề thiếu hụt khác như: thiếu hụt về thu nhập, thiếu hụt về tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản...

“Trước đây, việc đào tạo với đối tượng nghèo ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn chủ yếu chỉ hướng đến đào tạo kỹ năng cơ bản, tức là đào tạo trình độ sơ cấp hay đào tạo ngắn hạn dưới 3 tháng. Chương trình lần này đã khác, ngoài thiết kế những hỗ trợ cho đối tượng lao động đó thì phải hỗ trợ đào tạo trình độ cao. Người lao động được đào tạo trung cấp, cao đẳng để họ có được kỹ năng cao, có năng suất, việc làm tốt hơn”, ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng Cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH) nói.

Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, trong giai đoạn từ 2010 - 2020 đã có gần 20% người thuộc hộ nghèo được đào tạo nghề và có việc làm. Trong đó có trên 10% tổng số hộ nghèo khi được đào tạo nghề có việc làm, có thu nhập ổn định và giảm nghèo một cách bền vững. Điều này minh chứng, đối với người nghèo, nếu chúng ta có chính sách tốt, hỗ trợ họ từ tư vấn hướng nghiệp, tổ chức đào tạo và giải quyết việc làm sẽ góp phần vào việc giảm nghèo bền vững. 

Ông Độ cho hay, khi chúng tôi khảo sát ở các vùng nông thôn, các huyện nghèo, đã có rất nhiều mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, vừa là việc làm tại chỗ, vừa là việc làm chuyển dịch cho người lao động thành công. 

Điển hình ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng… vừa đào tạo nghề vừa phát huy thế mạnh về sản xuất của địa phương gắn với các sản phẩm. Ví dụ, mô hình trồng na ở Lạng Sơn. Người nghèo ở Lạng Sơn trước đây chưa biết ứng dụng KHCN hay áp dụng kiến thức vào trong sản xuất hay tính toán… Tuy nhiên, khi được đào tạo nghề, họ biết áp dụng, cách đưa sản phẩm ra thị trường... 

“Hay tại Cao bằng có những vùng nguyên liệu rất tốt, nhưng trước đây người nông dân chủ yếu sản xuất, canh tác theo hướng truyền thống. Khi đưa đào tạo nghề vào, chúng tôi đã phải làm rất lâu, từ thay đổi nhận thức, cách làm, rồi phải xây dựng mô hình, vận động cán bộ, người có uy tín ở cộng đồng làm trước, sau đó cộng đồng thấy hiệu quả mới làm theo. Sau 2 – 3 năm xây dựng những mô hình, dần dần người dân địa phương bắt đầu nhận ra hiệu quả trong việc thay đổi cách thức sản xuất”, ông Độ nói.

Đồng thời, ông cho biết thêm, hay việc đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng giúp người lao động ở các huyện nghèo để đi làm việc ở nước ngoài cũng cho hiệu quả rất tốt, tạo sức bật để người lao động khi trở về có vốn, có kiến thức, thay đổi tư duy sản xuất kinh doanh.

Điều này theo ông Đào Trọng Độ, không chỉ tác động với hộ gia đình đó, mà sẽ có tác động lan tỏa đến cả một cộng đồng. 

Hỗ trợ có mục tiêu đến các đối tượng trọng tâm

Bày tỏ sự đồng thuận, TS Nguyễn Hoàng Hà - Cán bộ Chương trình Quốc gia, Văn phòng ILO tại Việt Nam cho biết, điểm rất mới của chương trình MTQG giảm nghèo giai đoạn 2021 – 2025 là dự án số 4 về phát triển GDNN và việc làm bền vững. 

Trong đó có 2 tiểu dự án: một là tiểu dự án về phát triển GDNN ở vùng nghèo, vùng khó khăn dự kiến đầu tư rất lớn, khoảng 15.300 tỷ đồng; hai là hỗ trợ người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo Luật số 69/2020/QH14 của Quốc hội cũng dự kiến có khoảng 570 tỷ đồng.

Như vậy, điểm mới là đầu tư nguồn ngân sách của Nhà nước có trọng điểm và có đối tượng đích rất rõ rệt và tạo ra động lực phát triển cho các địa phương, bản thân người lao động và người nghèo. 

“Đào tạo nghề, giải quyết việc làm là mục tiêu quốc gia. Tất cả các đối tượng, người lao động khi tham gia thị trường lao động đều cần được đào tạo, cần có kỹ năng, từ đó nâng cao năng suất quốc gia, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, từng địa phương cũng vậy”, ông Hà nhìn nhận.

Người nghèo thường ở những vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn hơn, họ khó tiếp cận hơn, từ khu vực địa lý, kinh tế - xã hội. Do vậy, về mặt tổng thể chung sẽ không khác nhau nhưng về mặt chính sách, nó thể hiện sự ưu việt của chính sách, của nhà nước. Đó là hỗ trợ có mục tiêu đến các đối tượng trọng tâm.

“Trọng tâm là người nghèo, người mới thoát nghèo, người ở vùng nghèo, người có thu nhập thấp. Ở vùng đồng bằng, thành phố, thành thị… người dân thường có điều kiện hơn. Nhưng ở vùng nghèo, đối tượng nghèo, điều kiện tiếp cận giáo dục khó hơn, chúng ta phải có chính sách hỗ trợ cho họ, tạo cú hích, tạo động lực cho vùng nghèo phát triển”, ông Hà nói và nêu rõ thêm, không thể bắt người nghèo ở xã nghèo, huyện nghèo lại ra thành phố, đến các vùng trung tâm để học, vì họ còn phải lo nhiều thứ hơn hoặc điều kiện khó hơn.

Vì vậy, chúng ta phải mang các chương trình đầu tư tốt hơn vào những vùng đó, để người nghèo và các đối tượng yếu thế dễ tiếp cận nhất, nhằm nâng cao điều kiện và chất lượng nhân lực của các vùng này và tạo ra cú hích, vừa nâng cao chất lượng nhân lực lên thì sẽ giải quyết được các vấn đề khác. 

Bà Nguyễn Thị Thu Dung (Đại biểu Quốc hội đoàn Thái Bình) nhìn nhận, giảm nghèo bền vững và phát triển GDNN có mối quan hệ gắn bó với nhau chặt chẽ. Với sự thay đổi đang diễn ra trên thị trường lao động Việt Nam hiện nay, việc mở rộng khả năng tiếp cận GDNN có thể giúp nước ta phá vỡ “vòng luẩn quẩn nghèo, không đi học, không có nghề nghiệp”.

Bà Dung chỉ ra, nhiều báo cáo nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy, GDNN có ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm và thu nhập của các hộ gia đình, ảnh hưởng đến tình trạng kinh tế của hộ gia đình. Tỷ lệ hộ nghèo của người tốt nghiệp cao đẳng hoặc đại học chỉ dưới 1%; trong khi đó tỷ lệ hộ nghèo của chủ hộ chưa học xong tiểu học lên đến 26,6%.

“Vì thế GDNN góp phần giúp các cá nhân và hộ gia đình thoát nghèo bền vững”, bà Dung nhấn mạnh.

PV