Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Triển khai nhiều giải pháp nhằm kịp thời hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ

04/08/2021 11:03 AM


Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ (gọi tắt là Nghị quyết số 68) và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Quyết định số 23) quy định về chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp nhằm kịp thời hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ.

Kịp thời bổ sung, điều chỉnh quy trình, chức năng trên phần mềm nghiệp vụ, cung cấp dịch vụ công trực tuyến

Chỉ một ngày sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, BHXH Việt Nam đã có Công văn số 1988/BHXH-TST và ngày 15/7/2021 tiếp tục có Công văn số 2062/BHXH-TST về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg trong toàn Ngành.

Ngày 21/7/2021, BHXH Việt Nam tiếp tục ban hành văn bản số 2157/BHXH-TST gửi BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị trực thuộc về việc khẩn trương thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động (NSDLĐ) gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Cũng trong ngày 21/7/2021, BHXH Việt Nam ban hành Quyết định số 722/QĐ-BHXH về việc thành lập đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do đại dịch COVID-19 trong thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ; thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) và tổ chức thực hiện nhiệm vụ tại BHXH 19 tỉnh, thành phố.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 68, BHXH Việt Nam đã xây dựng quy trình, điều chỉnh các phần mềm nhằm bổ sung các chức năng, đáp ứng các quy định tại Quyết định số 23 và Nghị quyết số 68. Cụ thể, bổ sung các chức năng: Quản lý đơn vị giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Xác nhận danh sách người lao động tham gia theo hồ sơ quy định Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg do đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân gửi qua Cổng dịch vụ công Quốc gia; Quản lý đơn vị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; Chi trả Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề...

Đồng thời, triển khai các dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam (tại địa chỉ: https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn) và yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ kê khai BHXH điện tử (I-VAN) cung cấp trên các phần mềm của I-VAN, gồm: 1- Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất (đã cung cấp từ tháng 4/2020); 2- Hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; 3- Hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; 4- Hỗ trợ người lao động ngừng việc; 5- Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; 6- Giải quyết giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Các dịch vụ công được BHXH Việt Nam phối hợp cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Kết nối, tích hợp dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia

Cùng việc triển khai dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công của Ngành và các nhà I-VAN, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan, kết nối, tích hợp, cung cấp 05 dịch vụ công trực truyến hỗ trợ NLĐ, NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Cụ thể là các dịch vụ công: Hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí tử tuất; hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.

Theo đó, quy trình thực hiện trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã được đơn giản tối đa, đối tượng đăng nhập và khai, nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia (trừ các thành phần hồ sơ, dữ liệu đã được Cổng Dịch vụ công Quốc gia kết nối, chia sẻ với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, các biểu mẫu sẽ được điện tử hóa). Cổng Dịch vụ công Quốc gia chuyển dữ liệu đã được ký số đến cơ quan BHXH xác nhận. Sau khi nhận được xác nhận (ký số) của cơ quan BHXH, Cổng Dịch vụ công Quốc gia có trách nhiệm chuyển hồ sơ trực tuyến của đối tượng đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết trên Hệ thống một cửa điện tử cấp tỉnh hoặc Phòng giao dịch Ngân hành Chính sách. Trường hợp hệ thống một cửa cấp tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu cho phép tiếp nhận hồ sơ trực tuyến, cơ quan có thẩm quyền giải quyết thực hiện việc tiếp nhận và cập nhật trạng thái, kết quả giải quyết theo tài khoản do Cổng Dịch vụ công Quốc gia cấp.

Tính đến 02/8/2021, BHXH Việt Nam đã thực hiện xong việc gửi thông báo điều chỉnh mức đóng vào quỹ BHTNLĐ, BNN cho 375 nghìn đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 11,238 triệu lao động với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm vào quỹ BHTNLĐ, BNN (từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022) khoảng 4.322 tỷ đồng; xác nhận danh sách lao động tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không lương, danh sách lao động ngừng việc cho 10.972 đơn vị với 179.334 lao động; tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 126 đơn vị với hơn 10 nghìn lao động tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền 64,42 tỷ đồng.

Chủ động chia sẻ dữ liệu phục vụ chống dịch

Vừa qua, ngày 30/7/2021, BHXH Việt Nam đã có Công văn số 2286/BHXH-CNTT về việc chia sử dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm phục vụ chống dịch, Theo đó, thực hiện Nghị định số 43/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ quy định cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về Bảo hiểm, BHXH Việt Nam đã và đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để sớm xây dựng, ban hành quy chuẩn quốc gia về cấu trúc dữ liệu trao đổi với CSDLQG về Bảo hiểm. Trong thời gian chờ ban hành quy chuẩn, trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, nhiều tỉnh, thành phố có nhu cầu khai thác dữ liệu, xác thực thông tin người tham gia, người hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, BHXH Việt Nam đã thực hiện cung cấp kịp thời để các địa phương sử dụng vào công tác lập danh sách xét nghiệm, danh sách tiêm chủng vắc-xin, xác địn thông tin bệnh nền, theo dõi, truy vết nhanh bệnh nhân F0; khoanh vùng, dập dịch tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, đơn vị sử dụng lao động...

Để tiếp tục hỗ trợ công tác phòng, chống dịch, BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông đề xuất phối hợp để chia sẻ dữ liệu từ CSDLQG về bảo hiểm qua trục NGSP của Bộ Thông tin và Truyền thông, báo cáo UBND tỉnh, thành phố, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch của tỉnh, thành phố và thông tin sớm về BHXH Việt Nam trong thời gian chờ BHXH Việt Nam bổ sung, nâng cấp các tiện ích phòng, chống dịch trên ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số; hoàn thành việc liên thông dữ liệu trên ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số và Sổ Sức khỏe điện tử giữa BHXH Việt Nam- Bộ Y tế.

Với những nỗ trong thời gian vừa qua, BHXH Việt Nam mong rằng sẽ cùng Chính phủ, chính quyền các địa phương và nhân dân cả nước sớm vượt qua đại dịch COVID-19, đảm bảo an sinh xã hội đất nước./.

Trung tâm CNTT