Tập huấn, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật BHXH, BHYT và Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP tại TP Đà Nẵng

21/12/2019 07:02 PM


Ngày 20/12, tại TP Đà Nẵng, Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC) phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán.

Ông Nguyễn Chí Công, Vụ Phó Vụ Pháp chế và Quản lý Khoa học, TANDTC và ông Trần Đức Long, Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra, BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự Hội nghị còn có đại diện Tòa án Nhân dân tối cao, BHXH Việt Nam, các đơn vị trực thuộc; đại diện các sở, ngành BHXH, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an, Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân... một số tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Đại biểu tham dự Hội nghị đã được nghe các tham luận của Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học - TAND tối cao, về: Quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội gian lận BHXH, BH thất nghiệp (Điều 214), tội gian lận BHYT (Điều 215) và tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp (Điều 216); Nội dung cơ bản của Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận BHXH, BH thất nghiệp, Điều 215 về tội gian lận BHYT, Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Đại diện BHXH Việt Nam, BHXH thành phố Đà Nẵng tham luận về thực trạng công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Theo đó, Ngành BHXH triển khai hoạt động thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT theo chức năng, nhiệm vụ đã đạt được những kết quả tích cực; góp phần quan trọng bảo đảm quyền lợi của người tham gia; ngăn ngừa, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật về BHXH, BH thất nghiệp, BHYT của các đơn vị sử dụng lao động…

Tình trạng vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp mặc dù diễn ra ngày càng phức tạp, ở hầu hết các địa phương trên cả nước nhưng việc xử phạt, khởi kiện các đơn vị nợ đọng tiền đóng phí BHXH, BHYT vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên trong thực tế số đơn vị vi phạm nhiều nhưng số vụ việc được xử lý còn quá ít và chậm trễ.

BHXH cũng đã áp dụng nhiều giải pháp như cử cán bộ chuyên quản theo dõi, đôn đốc việc đóng và trả nợ tiền BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của các đơn vị sử dụng lao động; thông báo công khai thông tin về các đơn vị trốn đóng, nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp số lượng lớn; khởi kiện các đơn vị nợ đóng kéo dài...

Thực tiễn giải quyết các vụ việc về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của TAND cho thấy số vụ việc khởi kiện bằng vụ án dân sự trong lĩnh vực bảo hiểm có chiều hướng giảm, đặc biệt là năm 2018 chỉ có 115 vụ (các Tòa chỉ thụ lý mới 71 vụ, 48 vụ cũ). Các vụ kiện tranh chấp về BHXH bằng vụ án lao động cũng có chiều hướng giảm trong những năm gần đây.

Riêng về xét xử các vụ án hình sự BHXH, BHYT, BH thất nghiệp  cho thấy, trước khi Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực, các hành vi gian lận, lừa dối, trục lợi BHXH, BHYT, BH thất nghiệp xảy ra có thể bị truy tố xét xử theo các tội danh khác được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 1999, như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, giả mạo công tác, làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức, tham ô tài sản...

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Sau khi Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực pháp luật cho đến nay ngành Tòa án cũng chưa thụ lý, xét xử vụ án nào về bảo hiểm. Theo báo cáo của BHXH Việt Nam thì các hồ sơ vi phạm pháp luật về bảo hiểm được chuyển đến Cơ quan điều tra năm 2018, chỉ có 02 vụ được khởi tố nhưng với tội danh khác.

Sở dĩ các cơ quan tiến hành tố tụng chưa “vào cuộc” mạnh mẽ cũng có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân vướng mắc từ quy định của pháp luật và chờ hướng dẫn cả về việc áp dụng các điều luật của Bộ luật Hình sự trong xử lý tội phạm về bảo hiểm và cả hướng dẫn về trình tự, thủ tục giải quyết. Chính vì vậy, hiệu quả đấu tranh phòng, chống các tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp còn thấp...

Theo đại diện BHXH thành phố Đà Nẵng, từ tháng 6/2016 (thời điểm Nghị định 21/2016-NĐ-CP có hiệu lực thi hành) đến hết tháng 10/2019, BHXH thành phố đã tiến hành thanh tra chuyên ngành tại 466 đơn vị, kiểm tra tại 296 đơn vị, chủ trì thanh tra, kiểm tra liên ngành tại 115 đơn vị. Qua quá trình thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 1.851 lao động thuộc đối tượng phải tham gia BH thất nghiêp nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian, 3.550 lao động đóng thiếu mức quy định, thu được 127 tỷ đồng tiền nợ đóng của các đơn vị trong và sau thanh tra, kiểm tra. Hiệu quả của việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp so với chức năng kiểm tra trước đây là rất rõ, nhất là trong việc thu hồi nợ đọng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT (tỷ lệ nợ thu hồi trong và sau kiểm tra năm 2014 là 35,99%, năm 2015 là 46,94%; tỷ lệ nợ thu hồi trong và sau thanh tra chuyên ngành năm 2017 là 90,29%, năm 2018 là 73,03%, 10 tháng đầu năm 2019 là 76,63%). Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn, vướng mắc, cần tiếp tục tháo gỡ từ cơ chế cho đến công tác chỉ đạo, lãnh đạo, tham mưu, phối hợp của các cấp, các ngành cả Trung ương và địa phương…/.

PV