BHXH ngoài quốc doanh tại TP. Hồ Chí Minh: Những kết quả tạo tiền đề quan trọng
14/10/2019 02:32 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Để đưa chính sách mới đến các đơn vị ngoài quốc doanh là một quá trình gian khó, mất rất nhiều công sức. Bên cạnh các buổi tuyên truyền, giới thiệu chính sách ở từng quận, huyện, cán bộ của Công ty BHXH ngoài quốc doanh khi đó phải đi tiếp xúc, vận động trực tiếp tại từng đơn vị. Đối với những đơn vị cố tình né tránh, phải nhờ sự can thiệp của UBND quận, huyện và tạo áp lực dư luận thông qua báo chí. Mặc dù kết quả thu được chưa được như mong muốn nhưng trong hoàn cảnh khó khăn lúc bấy giờ đã thể hiện sự nỗ lực rất lớn của những người làm công tác thu BHXH ngoài quốc doanh.
Cũng ngay từ trong giai đoạn thí điểm này, BHXH ngoài quốc doanh TP.HCM đã thực hiện nguyên tắc thu theo đơn vị sử dụng lao động, quản lý quá trình nộp BHXH chi tiết của từng người lao động. BHXH thành phố đã mày mò nghiên cứu, từ thực tiễn tổ chức thực hiện nhiệm vụ, xác định các thông tin cần thiết phục vụ công tác quản lý đối tượng và giải quyết chế độ, chính sách khi có phát sinh, hình thành hệ thống biểu mẫu theo dõi, cung cấp thông tin từ đơn vị sử dụng lao động cũng như quy trình lưu trữ, xử lý dữ liệu ở cơ quan BHXH. Ngay từ năm 1990, trong bối cảnh hết sức khó khăn, BHXH ngoài quốc doanh thành phố đã mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý dữ liệu. Nguyên tắc đơn vị tự kê khai để đối chiếu thu, nộp BHXH với cơ quan BHXH thực chất đã được BHXH ngoài quốc doanh áp dụng ngay từ những ngày đầu thực hiện thí điểm.
Để người lao động có thể nắm bắt được thông tin về quá trình tham gia BHXH của mình, đồng thời phục vụ công tác giải quyết chế độ, chính sách của cơ quan BHXH, BHXH ngoài quốc doanh TP. đã tổ chức cấp Sổ BHXH tuổi già để ghi nhận quá trình tham gia đóng BHXH của người lao động. Tiếp theo đó, nhằm giảm bớt khối lượng công việc thủ công, khắc phục nhược điểm khó bảo quản của sổ, đã chuyển sang thực hiện phương án cấp Thẻ BHXH. Quá trình đóng BHXH của người lao động được cập nhật vào máy vi tính để in ra theo mẫu, đáp ứng yêu cầu tự quản lý, phục vụ cho việc hưởng chế độ sau này của người lao động.
Để tạo điều kiện cho Công ty BHXH Ngoài quốc doanh hoạt động, chỉ sau 02 năm triển khai thí điểm BHXH ngoài quốc doanh, tháng 03/1992, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. đã có công văn đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho phép đổi tên Công ty BHXH Ngoài quốc doanh thành BHXH TP.HCM. Ngày 07/4/1992, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Công văn số 12/LĐTBXH đồng ý với đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Tiếp sau đó, ngày 11/6/1992, UBND Thành phố có Quyết định số 924/QĐ-UB về việc đổi tên Công ty BHXH thành BHXH TP.HCM. Đáng chú ý, ngay trong Điều 1 của Quyết định này đã khẳng định “BHXH TP.HCM là đơn vị sự nghiệp có thu, hoạt động theo chế độ thu bù chi, tiến tới hạch toán độc lập, có tư cách pháp nhân, được sử dụng con dấu riêng và mở tài khoản ở ngân hàng để hoạt động theo quy định của nhà nước”.
Trong giai đoạn thực hiện thí điểm BHXH ngoài quốc doanh, nhiệm vụ nặng nề nhất là tổ chức thu, khai thác, mở rộng đối tượng tham gia BHXH trong điều kiện cả xã hội còn chưa hiểu biết nhiều về chính sách, thậm chí có không ít ý kiến ngăn trở, bàn lùi. Nhưng bên cạnh đó, còn có một nhiệm vụ khác cũng khó khăn không kém, quyết định đến sự phát triển bền vững của chính sách. Đó là Quỹ BHXH ngoài quốc doanh phải tự đảm bảo cân đối trong khi giá gạo (cơ sở để áp dụng thu và chi trả các chế độ BHXH) luôn biến động theo chiều hướng tăng, từ 800 đồng/kg thời điểm đầu năm 1990 tăng lên 2.500 đồng/kg vào giữa năm 1992. Với mức lãi 1%/tháng và đảm bảo bằng giá gạo ở cùng thời điểm, buộc BHXH ngoài quốc doanh phải tìm ra giải pháp tăng trưởng quỹ nếu không muốn bị phá sản. Trước tình hình này, ngày 08/01/1992, Công ty BHXH Ngoài quốc doanh TP. đã có Tờ trình số 20/TT-BHXH gửi Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xin ý kiến về việc đầu tư quỹ BHXH ngoài quốc doanh vào lĩnh vực bất động sản. Ngày 28/01/1992, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có Công văn số 192/LĐTBXH-BTXH phúc đáp, yêu cầu Công ty BHXH Ngoài quốc doanh TP. xây dựng đề án cụ thể, báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. và trình UBND TP. Ngày 09/3/1992, BHXH TP.HCM đã có Tờ trình số 32/TT-BHXH gửi Thường trực UBND TP. báo cáo kế hoạch đầu tư quỹ BHXH Ngoài quốc doanh vào lĩnh vực bất động sản. Ngày 08/5/1992, UBND TP. có Công văn số 2183/UB-VX cho phép Công ty BHXH TP. đầu tư quỹ BHXH ngoài quốc doanh vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Như vậy, ngay từ thời gian thí điểm, công tác bảo toàn và tăng trưởng Quỹ BHXH đã được BHXH TP. HCM quan tâm thực hiện. Hai biện pháp đầu tư tăng trưởng Quỹ được áp dụng khi đó là gửi ngân hàng hưởng lãi suất tiền gửi và kinh doanh bất động sản đều đã được BHXH TP.HCM thực hiện, mặc dù cơ chế tài chính khi đó vẫn mang nặng những dấu ấn của thời kỳ bao cấp. Việc sử dụng quỹ nhàn rỗi để gửi ngân hàng, mua tín phiếu, đầu tư địa ốc… đều gặp rào cản về mặt pháp lý. Chính vì khó khăn này mà tại Hội nghị sơ kết hoạt động thí điểm BHXH ngoài quốc doanh vào tháng 12/1991 tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo tạm ngừng phát triển thu ở các đơn vị mới. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả thu BHXH ngoài quốc doanh chỉ dừng lại ở con số khiêm tốn. Trong 05 năm thực hiện thí điểm (1990-1994), BHXH ngoài quốc doanh TP.HCM đã thu BHXH tại 1.413 đơn vị với 57.019 lao động. Tổng số tiền thu được là 82,747 tỷ đồng. Đã chi trả trợ cấp một lần cho 965 lượt người với số tiền 1,619 tỷ đồng. Số tiền lãi do đầu tư gửi ngân hàng, mua tín phiếu, kinh doanh địa ốc… được 7,821 tỷ đồng (chưa kể giá trị các bất động sản chưa thanh lý). Hiệu quả đầu tư cơ bản đáp ứng được yêu cầu cân đối quỹ.
Kết quả thu và số lao động tham gia BHXH như trên chưa phải lớn đối với một địa bàn giàu tiềm năng như TP.HCM. Nhưng quan trọng hơn, từ kết quả thí điểm BHXH ngoài quốc doanh tại TP.HCM, những thành quả và bài học kinh nghiệm thu được là rất lớn, thể hiện ở các mặt sau:
Thứ nhất, xác lập được mô hình thu và quản lý quá trình nộp BHXH của người lao động. Đó là thu theo đơn vị sử dụng lao động nhưng quản lý quá trình nộp BHXH của từng người lao động. Thiết lập được một hệ thống biểu mẫu và quy trình nghiệp vụ phù hợp. Sự cần thiết phải ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, lưu trữ quá trình nộp BHXH của từng người lao động khi đối tượng tham gia ngày càng được mở rộng theo yêu cầu phát triển của xã hội và nhu cầu được bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động của người lao động.
Thứ hai, thu được những kinh nghiệm quý báu trong công tác tuyên truyền, vận động các đơn vị ngoài quốc doanh tham gia BHXH cho người lao động.
Thứ ba, xây dựng và đào tạo được đội ngũ cán bộ có năng lực, có tâm huyết với ngành. Năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để có thể đưa chính sách mới đi vào cuộc sống. Với quá trình tìm tòi, sáng tạo, tìm hướng đi trong giai đoạn thí điểm, BHXH ngoài quốc doanh TP.HCM đã có nhiều đề xuất, đóng góp, kiến nghị với Trung ương về những bất cập của chính sách mới.
Thứ tư, tạo được sự tin cậy đối với các doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn thành phố. Cộng tác tốt với các cơ quan truyền thông đại chúng trong công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách mới đến người lao động và nhân dân.
Nhìn lại hoạt động thí điểm BHXH ngoài quốc doanh ở TP.HCM giai đoạn 1990-1994, hoạt động trong bối cảnh có quá nhiều trở ngại và mới mẻ trên tất cả các lĩnh vực, cả về tổ chức, nhân sự lẫn chính sách, cơ chế, mà trở ngại lớn nhất là hạn chế về cơ sở pháp lý, hiệu lực pháp luật của Điều lệ BHXH thí điểm, không tránh khỏi thiếu sót, tồn tại. Tuy nhiên, với những thành quả đã đạt được, có thể khẳng định, việc triển khai mô hình thí điểm mở rộng chính sách BHXH theo cơ chế mới ở TP.HCM cùng với kết quả thực hiện thí điểm BHXH ngoài quốc doanh ở Thủ đô Hà Nội và một số địa phương khác trong cả nước, là tiền đề thực tiễn quan trọng để Đảng và Nhà nước ta tiếp tục kiên định chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện chính sách BHXH, hướng tới mục tiêu mọi người lao động đều được hưởng lương hưu trí khi về già như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn./.
ThS. Dương Ngọc Ánh
Chi tiết >>
Lãnh đạo Ngành BHXH tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh thăm, tặng quà, làm ...
BHXH Việt Nam quyên góp hỗ trợ đồng bào bị thiệt ...
Ngành BHXH Việt Nam: Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật ...
Toàn Ngành “tăng tốc”, tập trung 8 giải pháp để hoàn thành ...
Tổ chức thành công Đại hội các Chi đoàn trực thuộc Đoàn ...
Cảnh báo: Mạo danh cơ quan BHXH yêu cầu thông tin cá nhân ...
Bản tin Audio số 36 - Tuần 1 tháng 11/2024
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?