Chuyển đổi số - Nền tảng hữu hiệu nâng cao chất lượng quản lý, đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội cho người dân

04/11/2021 06:47 PM


Đây là chủ đề Hội thảo quốc tế do BHXH Việt Nam tổ chức ngày 04/11/2021 nhằm tham vấn ý kiến các chuyên gia về định hướng chiến lược phát triển lĩnh vực CNTT của ngành BHXH Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, đặc biệt là công tác chuyển đổi số. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chủ trì hội thảo.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Tham dự tại điểm cầu BHXH Việt Nam có Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc liên quan; đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và truyền thông; một số doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT. Điểm cầu BHXH các tỉnh, thành phố có lãnh đạo phụ trách CNTT, Trưởng phòng CNTT và cán bộ đầu mối làm công tác thông tin đối ngoại.

Đặc biệt, hội nghị có sự tham dự của đại diện, chuyên gia về CNTT, chuyển đổi số tại điểm cầu của các tổ chức, đối tác của BHXH Việt Nam gồm: Hiệp hội An sinh xã hội quốc tế (ISSA); các tổ chức thành viên của Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN (ASSA); các cơ quan ASXH Hàn Quốc; Đại học Waikato (New Zealand); Ngân hàng Thế giới (WB)…

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu khai mạc Hội thảo

BHXH Việt Nam đã có nền tảng, kết quả cơ bản trong Chuyển đổi số

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, nắm bắt xu thế chuyển đổi số và được sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, những năm qua, ngành BHXH Việt Nam đã và đang đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống CNTT của Ngành theo định hướng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, tích hợp, tập trung cấp quốc gia, hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới khách hàng, với quy trình nghiệp vụ tự động hóa mức độ cao, được vận hành bởi nguồn nhân lực công nghệ thông tin chuyên nghiệp, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội quốc gia, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, toàn diện hơn trong lĩnh vực BHXH và BHYT.

Đặc biệt, qua đánh giá các mục tiêu của Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, BHXH Việt Nam cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra đến năm 2025.

Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, BHXH Việt Nam không chủ quan, thoả mãn với những kết quả đã đạt được bởi với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, nếu không ngừng đổi mới, thực hiện chuyển đổi số thì sẽ rất có thể bị lạc hậu, bỏ lại phía sau, nhất là trong xu thể chuyển đổi số mang tính đột phá, “nhảy vọt” hiện nay.

“Chính vì vậy, BHXH Việt Nam mong muốn, với những kinh nghiệm của các chuyên gia quốc tế, cũng như những kinh nghiệm thực tế triển khai các hoạt động chuyển đổi số của các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam, tại Hội thảo này, các chuyên gia, các nhà lãnh đạo tổ chức, doanh nghiệp sẽ chia sẻ những kinh nghiệm, bài học quý báu của mình để BHXH Việt Nam có thể học hỏi, có cái nhìn tổng quát hơn, có cơ hội để nhìn nhận lại những gì đã và đang thực hiện trong hoạt động chuyển đổi số của Ngành. Qua đó, chúng tôi cũng mong muốn sẽ được trao đổi, hợp tác để xây dựng, phát triển ngành BHXH Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, đảm bảo quyền lợi an sinh cho người dân, người lao động.”- Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nói.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu BHXH Việt Nam, Việt Nam

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm CNTT (BHXH Việt Nam) đã trình bày sơ lược về kết quả ứng dụng CNTT và chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam thời gian qua. Hiện tại, toàn Ngành BHXH Việt Nam đang có gần 30 hệ thống ứng dụng; quản lý cơ sở dữ liệu của gần 98 triệu người dân, tương ứng với gần 28 triệu hộ gia đình trên toàn quốc; với hơn 20 nghìn tài khoản công chức, viên chức và người lao động trong Ngành thường xuyên truy cập, khai thác và sử dụng để thực hiện các nghiệp vụ của Ngành; kết nối liên thông với trên 12.000 cơ sở khám chữa bệnh và hơn 500 nghìn tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trên toàn quốc và các bộ, ngành. Mỗi năm, Cổng Giao dịch điện tử tiếp nhận và xử lý gần 100 triệu lượt hồ sơ, riêng năm 2021, từ đầu năm đến nay số lượng hồ sơ được giải quyết trực tuyến là gần 70 triệu hồ sơ. Như vậy, nếu tính bình quân mỗi cán bộ BHXH sẽ phải giải quyết hơn 4.000 hồ sơ mỗi năm.

Theo ông Phương, khối lượng công việc, áp lực của Ngành là rất lớn, nếu không đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số thì không đáp ứng được nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo BHXH Việt Nam, thời gian qua công tác chuyển đổi số của Ngành đã có bước tiến nhanh. Hiện nay, BHXH Việt Nam thực hiện chuyển đổi số thông qua việc không ngừng hoàn thiện về hạ tầng kỹ thuật; xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu, mã số định danh, đặc biệt là Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm theo Nghị định số 43/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ; xây dựng các lớp dịch vụ nền tảng (định danh, tương tác, chăm sóc khách hàng; quản lý rủi ro, an toàn, bảo mật) và xây dựng các phần mềm phục vụ người tham gia BHXH, BHYT. Ứng dụng thành công nhất của BHXH Việt Nam hiện nay là VssID-BHXH số trên điện thoại thông minh với 5 thứ tiếng (Việt, Anh, Pháp, Hàn Quốc, Ý). Chỉ chưa đến 1 năm sau khi công bố ứng dụng, đến nay đã có hơn 23 triệu tài khoản giao dịch điện tử cá nhân (dùng để đăng nhập, sử dụng ứng dụng VssID) được đăng ký và phê duyệt.

Về công nghệ, BHXH Việt Nam định hướng tập trung vào nhóm công nghệ mới để giải quyết những vấn đề cũ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, công việc trong ngắn hạn; đồng thời tập trung vào nhóm các công nghệ mới để giải quyết những bài toán mới (phi truyền thống) trong dài hạn. Mục tiêu lớn nhất của Ngành là trở thành một tổ chức an sinh xã hội hiện đại, đi đầu về CNTT. Những công việc của Ngành còn rất lớn và không ít khó khăn, rào cản, đòi hỏi phải quyết tâm, nỗ lực, nghiên cứu, học hỏi…

Khuyến nghị từ đội ngũ chuyên gia

Phát biểu tại các điểm cầu, các chuyên gia đánh giá cao những kết quả mà BHXH Việt Nam đã đạt được thời gian qua trong lĩnh vực CNTT và chuyển đổi số; đồng thời góp ý, khuyến nghị nhiều nội dung trong lĩnh vực này.

Các chuyên gia phát biểu tại các điểm cầu quốc tế

Ông Raul Ruggia-Frick, Giám đốc phát triển ASXH, Hiệp hội ASXH quốc tế (ISSA) chia sẻ: BHXH Việt Nam đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng CNTT, cơ sở dữ liệu. Đây là cơ sở để triển khai áp dụng các công nghệ mới một cách khả thi. Theo ông Raul Ruggia-Frick, chuyển đổi số dựa trên nền tảng của dữ liệu lớn (Big Data), từ đó phân tích giúp phát hiện, hiểu rõ tình hình thực tế, dự báo xu thế phát triển với độ chính xác nhận định; trong đó có sự hỗ trợ đắc lực của trí tuệ nhân tạo (AI) giúp nâng cao tự chủ và ra quyết định.

Trong lĩnh vực BHXH, việc sử dụng công nghệ AI trong phân tích dữ liệu lớn giúp phát hiện, phòng ngừa hiệu quả các trường hợp vi phạm, gian lận, trốn đóng, nhất là các trường hợp sai phạm phức tạp. Bên cạnh đó, ứng dụng AI cũng giúp nâng cao khả năng tương tác đầu - cuối với người dân thông qua chatbot, tương tác bằng giọng nói, hệ thống email tự động nhằm giảm thiểu sức lao động, xử lý công việc 24/7. Đây là điều BHXH Việt Nam cần quan tâm, hướng tới do đã có nguồn dữ liệu lớn, nhóm phục vụ ngày càng đa dạng, rộng lớn và phức tạp.

Việc tiếp thu công nghệ mới mang lại những lợi ích cơ hội lớn như tăng cường quản lý và cung cấp dữ liệu; phát triển chính phủ điện tử, kết nối liên thông giữa các cơ quan; nâng cao nhận thức lãnh đạo và cán bộ quản lý; nâng cao văn hoá đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực BHXH, BHYT. Tuy nhiên, cũng có không ít thách thức như: Sự phức tạp và chi phí đi kèm; đòi hỏi nguồn dữ liệu chất lượng; tuân thủ quy định về bảo vệ dữ liệu; quản lý rủi ro vận hành, rủi ro uy tín. Do đó, để chuyển đổi số đòi hỏi phải có sự tham gia của lãnh đạo cao cấp và có tầm nhìn với kế hoạch trung và dài hạn để giải quyết các thách thức chiến lược và thực tiễn liên quan đến ứng dụng công nghệ mới; từng bước đưa công nghệ vào quy trình vận hành.

Chuyên gia của ISSA khuyến nghị, trong chuyển đổi số, BHXH Việt Nam cần lấy khách hàng làm trung tâm, tập trung mở rộng các kênh phục vụ như: Dịch vụ một cửa trực tuyến, định danh điện tử và sinh trắc, ứng dụng và truy cập di động, thanh toán di động. Bên cạnh đó, cần tự động hoá quy trình qua công cụ người máy và công cụ thông minh. Xây dựng chiến lược BHXH dựa trên số liệu; tăng cường an ninh số liệu; nâng cao năng lực liên thông; phát triển quan hệ đối tác hỗ trợ đổi mới sáng tạo, hợp tác quốc tế; đặc biệt cần quan tâm đến yếu tố con người, nguồn nhân lực với việc nâng cao năng lực phân tích số liệu cho cán bộ nghiệp vụ, liên tục đào tạo, nâng cao tay nghề cho cán bộ CNTT và cán bộ nghiệp vụ…

Chung quan điểm, ông Eimar Coleman, chuyên gia tư vấn chiến lược của Ngân hàng Thế giới (WB) bổ sung: Việt Nam hiện đứng 11 trên thế giới về số người sử dụng internet, thứ 12 thế giới về số người sử dụng điện thoại thông minh và thứ 15 thế giới về đường truyền băng thông rộng, đây là điều kiện thuận lợi để triển khai công tác chuyển đổi số. BHXH Việt Nam với thành tựu ứng dụng CNTT thời gian qua càng có nền tảng vững chắc. Chuyên gia WB khuyến nghị, trong chuyển đổi số, BHXH Việt Nam cần tập trung xây dựng chiến lược hoạt động với mục tiêu và ưu tiên trong đó có chuyển đổi mô hình cung cấp dịch vụ, cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ, mở rộng phạm vi các dịch vụ, nâng cao chất lượng và độ chính xác của dịch vụ, cải thiện chất lượng dữ liệu, hướng tới xử lý tự động 100%. Thứ 2 là chuyển đổi trong mô hình vận hành hướng tới đa kênh, đa nền tảng, văn phòng ảo, chia sẻ dịch vụ. Thứ 3 về chiến lược số hoá cần sử dụng một mã định danh duy nhất với người tham gia, tích hợp toàn diện với Cổng dịch vụ công quốc gia, tăng cường khả năng kết nối/liên thông giữa các đơn vị trong Ngành, mở rộng hệ thống quản lý quy trình nghiệp vụ điện tử, đặt mục tiêu tự đóng hoá 100% dịch vụ, truyền thông và đào tạo nhân viên về chuyển đổi số…

Chia sẻ tại điểm cầu, bà Wilailuk Wisasa, Giám đốc HTQT, Cơ quan BHYT Thái Lan (NHSO) cho biết, NHSO và BHXH Việt Nam đang có nhiều nét tương đồng về ứng dụng CNTT và chuyển đổi số như triển khai mã số định danh cho người tham gia, xây dựng cơ sở dữ liệu, xây dựng các hệ thống, phần mềm quản lý tập trung, phát triển các ứng dụng trên điện thoại thông minh, ví điện tử, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI)… Do đó, theo bà Wilailuk Wisasa, BHXH Việt Nam có thể tham khảo 6 chiến lược, 6 bước để nâng cao chất lượng quản lý và thực hiện chính sách dựa trên nền tảng ứng dụng CNTT mà NHSO đang áp dụng gồm: Cải thiện khả năng tiếp cho nhóm dễ bị tổn thương thông qua nền tảng kỹ thuật số được cá nhân hoá và lấy con người làm trung tâm; Xây dựng tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ và thông tin hỗ trợ cho các cơ sở y tế; Tối đa hoá hiệu quả và chất lượng thông qua bằng chứng tạo ra từ dữ liệu lớn; Tăng cường kết nối thông tin giữa các cơ quan chính phủ, xây dựng hệ thống thông tin cho tất cả các Ngành; Hỗ trợ phát triển năng lực tổ chức và cá nhân thông qua cơ chế học tập thích ứng; Xây dựng nền tảng cho công nghệ số, duy trì an ninh dữ liệu và quyền riêng tư…

Bên cạnh những khuyến nghị, định hướng về chiến lược chuyển đổi số, tại hội thảo, các chuyên gia cũng đặc biệt lưu ý đến công tác bảo mật, an ninh mạng trong thực hiện công tác này. PGS.Stuart Dillon, Trưởng khoa Quản lý và Marketing, Đại học Waikato (New Zealand) chia sẻ: Bảo mật thông tin và an ninh mạng là vấn đề rất quan trọng. Tội phạm mạng có tác động rất lớn với các hệ thống. 88% các tổ chức trên toàn thế giới cho biết đã gặp tình trạng bị tấn công trên môi trường mạng. Từ năm 2014 đến nay, trên toàn cầu có khoảng 1.000 tỷ đô la Mỹ phải sử dụng để giải quyết vấn đề này. Có rất nhiều hình thức tấn công mạng, ngày càng gia tăng và tinh vi hơn. Trong bối cảnh đó, ngành BHXH Việt Nam với cơ sở dữ liệu rất lớn, nhiều ứng dụng, phần mềm đang được vận hành cũng sẽ tiềm ẩn với nhiều rủi ro.

Để ngăn chặn, giảm thiểu rủi ro, PGS.Stuart Dillon nhận định, vấn đề nằm ở công tác quản lý, chiến lược về an toàn thông tin, phân tích các rủi ro của từng đơn vị. Công nghệ càng phát triển thì rủi ro càng tăng lên nên rất cần những chính lược có thể nhân rộng, triển khai hiệu quả. Theo thống kê, 90% rủi ro đến từ người sử dụng nên công tác đào tạo, nâng cao nghiệp vụ của cán bộ là rất quan trọng. Lực lượng lao động trong thời đại chuyển đổi số cần được đào tạo đầy đủ về an ninh mạng, nhận thức được các rủi ro để ứng phó.

Tại Hội thảo, một số đơn vị quốc tế và doanh nghiệp Việt Nam cũng giới thiệu đến BHXH Việt Nam một số công nghệ mới trong quản lý, điều hành như: Công nghệ Blockchain (chuỗi khối) giúp phân tích, truy vết các dữ liệu có độ phân tán cao có thể ứng dụng làm nền tảng cho triển khai các hiệp định song phương, đa phương về BHXH, BHYT. Công nghệ đánh giá, xếp hạng tín nhiệm cá nhân tham gia vào hệ thống hưu trí quốc gia (Hàn Quốc) - một dịch vụ tài chính sáng tạo với công nghệ mật mã đồng nhất giúp kết hợp và phân tích thông tin tín dụng của người tham gia và thông tin thanh toán hưu trí quốc gia mà không lo bị rò rỉ thông tin cá nhân. Một số công nghệ mới về AI, chatbot cũng được Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Công ty Công nghệ Hekate Đà Nẵng, Việt Nam giới thiệu.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn phát biểu kết luận Hội thảo

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cảm ơn và đánh giá cao những ý kiến tham gia, chia sẻ đầy trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu, chuyên gia trong và ngoài nước đối với hoạt động chuyển đổi số nói chung và hoạt động chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam nói riêng. Những chia sẻ, góp ý đó là cơ sở quan trọng để BHXH Việt Nam nghiên cứu và triển khai các hoạt động chuyển đổi số trong thời gian tới, nhằm đạt mục tiêu quan trọng nhất của Ngành là phục vụ tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và người dân ngày càng tốt hơn, cung cấp các dịch vụ, tiện ích chất lượng hơn.

Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn chia sẻ, giai đoạn 2016 - 2020, tư duy chuyển đổi số của Ngành BHXH Việt Nam được quán triệt mạnh mẽ từ lãnh đạo Ngành tới các đơn vị trực thuộc và BHXH các cấp. Hình thành các hệ thống tập trung và tích hợp, cải cách, số hóa mạnh mẽ các quy trình nghiệp vụ, cung cấp dịch vụ công trực tuyến tới người dân và doanh nghiệp. Ở giai đoạn tiếp theo, từ 2021 đến 2025, BHXH Việt Nam quyết tâm thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ và toàn diện, lấy người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH, BHYT làm trung tâm; hình thành ngành BHXH Việt Nam số, với nguồn nhân lực số chất lượng cao; Thử nghiệm và áp dụng các công nghệ mới như Blockchain, Big Data, AI để mang lại hiệu quả trong quản lý, nâng cao trải nghiệm của tổ chức, cá nhân...

Để góp phần thực hiện mục tiêu đó, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn yêu cầu, ngay sau Hội thảo, Trung tâm CNTT tiếp tục tăng cường phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ để đánh giá, xác định được các yêu cầu, mục đích cụ thể về chuyển đổi số của từng đơn vị để xây dựng chiến lược thực hiện tổng thể. Vụ Hợp tác Quốc tế, khẩn trương xây dựng báo cáo tổng hợp về Hội thảo, tập trung vào các kiến nghị, góp ý của các chuyên gia, đơn vị để báo cáo, tham mưu lãnh đạo Ngành nghiên cứu, chỉ đạo xây dựng các kế hoạch ngắn hạn và dài hạn trong chuyển đổi số. Trung tâm Truyền thông tăng cường công tác thông tin, truyền thông về chuyển đổi số của Ngành, góp phần nâng cao, thay đổi, nâng tầm nhận thức của đội ngũ cán bộ trong toàn Ngành về chuyển đổi số, từ đó chuyển hoá thành hành động, việc làm thiết thực, phù hợp với từng địa phương, đơn vị…; lan toả tới các bộ, ban ngành khác về những nỗ lực, kết quả của Ngành BHXH Việt Nam trong công tác chuyển đổi số….

Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cũng bày tỏ tin tưởng, với định hướng, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự hợp tác, chia sẻ của các Bộ, Ngành, các doanh nghiệp CNTT trong nước, cũng như sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, cùng với quyết tâm mạnh mẽ của từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, công cuộc chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam sẽ có những bước tiến vượt bậc, xây dựng thành công hình ảnh ngành BHXH Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, vì sự hài lòng của tổ chức và cá nhân, mang lại lợi ích cho toàn xã hội./.

Phạm Chính