Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp

25/06/2021 09:35 AM


Là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến công bố Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2019 diễn ra chiều 24/6.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Cải cách hành chính bảo đảm phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân, xã hội và sự phát triển của đất nước

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Hội nghị trực tuyến được tổ chức trong bối cảnh đất nước ta đang tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đồng thời với tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của năm 2021. Trong bối cảnh đó, hơn bao giờ hết, công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, đổi mới phương thức, lề lối làm việc, chuyển đổi số quốc gia... cần phải được nghiêm túc xem xét, đánh giá một cách kỹ lưỡng, thận trọng, để từ đó, các cơ quan hành chính nhà nước kịp thời nhìn nhận lại kết quả thực hiện, nhanh chóng có những thay đổi bảo đảm phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân, xã hội và sự phát triển của đất nước.

Kết quả Chỉ số PAR INDEX và Chỉ số SIPAS cho thấy, công tác cải cách hành chính đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm, không chỉ trong năm 2020 mà cả trong suốt thời gian qua. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương, các thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã chủ động tham mưu cho Chính phủ triển khai nhiều giải pháp, mô hình cải cách mới và sáng tạo để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần to lớn vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Phó Thủ tướng ghi nhận nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai có hiệu quả công tác cải cách hành chính năm 2020, đồng thời biểu dương các bộ, địa phương đã đạt kết quả cao ở những Chỉ số đã công bố như: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hải Phòng...

Năm 2021 với phương châm hành động "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển", Chính phủ tiếp tục thực hiện một cách quyết liệt, có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính đã đề ra trong năm và sẽ triển khai thực hiện Nghị quyết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 sau khi được ban hành.

Nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công cho người dân, tổ chức

Trên cơ sở kết quả Chỉ số PAR INDEX, Chỉ số SIPAS năm 2020, để nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị, người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp từ Trung ương đến địa phương tiếp tục có những biện pháp, giải pháp mới, đột phá, phù hợp để cải thiện, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công cho người dân, tổ chức. Người đứng đầu trực tiếp chịu trách nhiệm với kết quả cải cách hành chính thuộc phạm vi quản lý; nghiên cứu các giải pháp, triển khai thực hiện kiến nghị của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tại Báo cáo số 334/BC-MTTW-BTT ngày 17/5/2021 về kết quả giám sát đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2020; tổ chức thực hiện Chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.

Các điểm cầu hội nghị trên cả nước. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng; xã hội chủ nghĩa, khơi thông nguồn lực, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện thể chế về kinh doanh và cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh, giảm thiểu chi phí giao dịch phi chính thức, tăng cường công khai, minh bạch, tăng cường phòng, chống tham nhũng trong nền kinh tế.

Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các quy định về hoạt động kinh doanh theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ; đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, không gắn với địa giới hành chính, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp theo Quyết định số 468/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ; nâng cao hơn nữa hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công các bộ, ngành, địa phương.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; đẩy mạnh nghiên cứu, thí điểm một số mô hình mới về thu gọn tổ chức bộ máy gắn với thực hiện chính sách tinh giản biên chế; đẩy mạnh việc rà soát, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và kiện toàn chức năng, nhiệm vụ các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19- NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và các văn bản hướng dẫn thi hành; tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức...

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử

Phó Thủ tướng lưu ý đến việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ thúc đẩy hoàn thành xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức.

Bộ Nội vụ cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung phương pháp, nội dung, có cách làm mới trong đánh giá Chỉ số PAR INDEX, Chỉ số SIPAS cho phù hợp với Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 và yêu cầu thực tiễn, bảo đảm đánh giá toàn diện, khách quan, công bằng, kịp thời, phản ánh đầy đủ, đa chiều kết quả triển khai cải cách hành chính tại các bộ, các tỉnh.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương bắt tay ngay vào triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên cơ sở phòng, chống dịch COVID-19, vừa phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của năm 2021, tạo tiên đề và sức bật cho một giai đoạn phát triển mới của đất nước. "Với những quyết tâm, nỗ lực, năng động, sáng tạo hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính, trong năm 2021 và những năm tiếp theo, chúng ta sẽ thu được nhiều kết quả tích cực hơn nữa trong công tác cải cách hành chính; sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân và xã hội", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo kết quả công bố tại Hội nghị, năm 2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp tiếp tục là ba đơn vị đạt kết quả Chỉ số PAR INDEX trên 90%.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đạt Chỉ số PAR INDEX năm 2020 cao nhất ở năm thứ sáu liên tiếp với kết quả là 95,88%, cao hơn 12,64% so với Bộ Giáo dục và Đào tạo, đơn vị có kết quả Chỉ số PAR INDEX thấp nhất với giá trị 83,24%.

Về Chỉ số SIPAS, có 5,13% người dân, tổ chức phải đi lại nhiều lần để thực hiện dịch vụ công. Việc người dân, tổ chức phải đi lại nhiều lần xảy ra tại 63/63 tỉnh. Có 1,23% người dân, tổ chức bị phiền hà, sách nhiễu; 0,59% người dân, tổ chức phải nộp thêm tiền ngoài phí/lệ phí - hay còn gọi là tiền "bôi trơn".

Các tỉnh có chỉ số hài lòng thuộc nhóm cao nhất là: Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc. Các tỉnh có chỉ số hài lòng thuộc nhóm thấp nhất là: Bình Thuận, Đắk Lắk, Cao Bằng, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Kiên Giang và  Bình Phước.

PV (T/h)