Phát triển bền vững chính sách BHXH, BHYT vùng đồng bào dân tộc thiểu số
16/09/2024 10:27 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Hiện nay, ở nước ta, vùng dân tộc thiểu số và miền núi là “lõi nghèo” với thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng một phần ba so với cả nước. Do điều kiện địa lý, phương tiện thông tin còn hạn chế cho nên hầu hết người dân chưa hiểu hết giá trị, lợi ích mà BHXH, BHYT mang lại. Đó là thách thức không nhỏ với những người làm công tác BHXH trong việc tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và chủ động tham gia…
Mỗi cán bộ BHXH luôn xác định chỉ khi nào hiểu dân, gần dân, được dân tin tưởng thì mới thực hiện tốt mọi chính sách. Gặp gỡ tuyên truyền một lần người dân chưa thông, chưa hiểu thì gặp nhiều lần họ sẽ hiểu, khi hiểu rồi sẽ quan tâm và tích cực tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Vượt khó đưa chính sách đến đồng bào
Với đặc thù là huyện miền núi có hơn 75% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn nên việc khai thác, phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện tại huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.
Cơ quan Bảo hiểm xã hội huyện luôn chỉ đạo các tổ chức dịch vụ thu xác định rõ nhóm chủ thể tiềm năng, vận dụng các hình thức truyền thông linh hoạt, sáng tạo, phù hợp tình hình thực tế. Đồng thời, Bảo hiểm xã hội huyện luôn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp, tổ chức các buổi đối thoại, bám làng, bám bản để đẩy mạnh công tác phát triển đối tượng, trong đó chú trọng tuyên truyền bằng tiếng dân tộc nhằm đưa chính sách an sinh của Đảng đến với đồng bào dân tộc thiểu số.
“Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cho nên đến nay toàn huyện có hơn 1.700 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, hơn 50.000 người tham gia bảo hiểm y tế” - Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện A Lưới Võ Đại Quang cho biết.
Chia sẻ thêm về công tác truyền thông vận động đồng bào dân tộc thiểu số, Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) Nguyễn Quang Hải cho biết, đặc thù công việc của đồng bào dân tộc thiểu số là ban ngày lên nương, lên rẫy, chỉ ở nhà vào buổi tối cho nên cơ quan bảo hiểm xã hội phối hợp chính quyền địa phương tổ chức hội nghị truyền thông vào buổi tối để có đông người dân tham dự. Cán bộ bảo hiểm xã hội đã lựa chọn nội dung và minh họa, với những dẫn chứng cụ thể để truyền đạt chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện đến với người dân.
Lãnh đạo xã tiếp tục phổ biến các nội dung về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện bằng tiếng của đồng bào dân tộc thiểu số nhằm bảo đảm 100% người dân tham dự lĩnh hội được trọn vẹn quyền và lợi ích của mình để đăng ký tham gia chính sách.
“Đến được với người dân thôn Tri và thôn Cù Bai của xã Hướng Lập, xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và cách trung tâm huyện hơn 80 km, để tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội, chúng tôi phải mất hơn 3 giờ di chuyển... Sau mỗi hội nghị tuyên truyền, đã có nhiều người dân chủ động đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện”, ông Nguyễn Quang Hải cho biết.
Đa dạng hóa nguồn lực, bảo đảm tính bền vững chính sách
Ở các tỉnh miền núi, vùng dân tộc thiểu số, công tác phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện vẫn luôn là một bài toán khó. Dù số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có tăng, nhưng lao động là người dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm xã hội, nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện vẫn còn rất khiêm tốn.
Theo thống kê, trong số 122.377 người dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì số người dân tộc thiểu số tại 25 tỉnh có đường biên giới đất liền tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 70.196 người (tính đến tháng 9/2023).
Trong khi đó, cả nước có hơn 35 triệu lao động chưa có điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội và chủ yếu thuộc khu vực không có quan hệ lao động như: Nông thôn, lao động thời vụ, lao động tự do, lao động người dân tộc thiểu số… Do đó, để mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội tự nguyện ở địa bàn này, cần các chính sách hỗ trợ phù hợp là rất cần thiết.
Hiện nay, để thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội, ngân sách nhà nước hiện đang hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng khác một phần kinh phí đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đây là chính sách thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với người dân, nhất là hộ nghèo ở khu vực miền núi.
Tuy nhiên, bảo hiểm xã hội tự nguyện là chính sách lâu dài, trong khi đó, khu vực miền núi, nơi tập trung sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số với tỷ lệ nghèo cao thì càng gặp khó.
Bên cạnh đó, dù đã tham gia nhưng khi đến thời điểm đóng bảo hiểm xã hội người dân gặp khó khăn về tài chính, bị thiệt hại do thiên tai hoặc bị tác động bởi những tư tưởng bên ngoài về việc thụ hưởng chính sách thì người dân sẵn sàng hủy bỏ quá trình đóng và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Chính vì vậy, việc huy động các nguồn lực khác để tăng mức hỗ trợ đóng, mua tặng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho hộ nghèo, người lao động có hoàn cảnh khó khăn là giải pháp để tăng tính bền vững trong việc phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số.
Thời gian qua, ngoài ngân sách trung ương, một số địa phương vùng dân tộc thiểu số đã ban hành chính sách hỗ trợ tăng thêm 10% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; như giai đoạn 2022-2025, tỉnh Quảng Nam đã trích khoảng 37,2 tỷ đồng từ ngân sách địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Theo đó, hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh được ngân sách hỗ trợ thêm 10% và đối tượng khác là 5% mức đóng bảo hiểm xã hội (tăng 10% so với mức chung). Hay như tỉnh Quảng Trị đang thực hiện chính sách hỗ trợ thêm 20% cho hộ nghèo, 15% cho hộ cận nghèo và 10% cho người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong giai đoạn 2023-2026…
Đáng chú ý, tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã thông qua Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2027. Từ ngày 1/1/2023, người dân Quảng Ninh thuộc hộ nghèo được ngân sách tỉnh hỗ trợ thêm 30%, hộ cận nghèo và các đối tượng khác được hỗ trợ 20% mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn áp dụng theo từng thời kỳ.
Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ 100% kinh phí cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số sinh sống ở các xã mới ra khỏi vùng khó khăn và người đang sinh sống ở các xã, thôn mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025./.
Thắng Trần
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
Phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin “Bồi dưỡng trực ...
BHXH Việt Nam đạt kết quả vượt bậc trong chi trả chế độ ...
BHXH Việt Nam ban hành Kế hoạch Cải cách hành chính năm ...
BHXH Việt Nam tổng kết công tác Chuyển đổi số, ...
BHXH tỉnh Vĩnh Phúc quyết tâm “về đích” các chỉ tiêu, nhiệm ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?