Khẩn trương cụ thể hóa, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BHXH (sửa đổi)
19/07/2024 11:13 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề ra tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 diễn ra ngày 18/7.
Báo cáo tóm tắt kết quả công tác lao động, người có công và xã hội 6 tháng đầu năm 2024 nêu rõ, quán triệt phương châm điều hành tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và tinh thần “5 quyết tâm”, “5 bảo đảm” và “5 đẩy mạnh” của Chính phủ, Bộ trưởng, các đồng chí Thứ trưởng đã tập trung chỉ đạo, điều hành chủ động, đúng hướng, quyết liệt, linh hoạt, kịp thời để triển khai đồng bộ, toàn diện nhiều chính sách, giải pháp trên các lĩnh vực; chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch công tác và chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao ngay từ đầu năm; nắm bắt tình hình thực tế liên quan đến các lĩnh vực của ngành để kịp thời xử lý hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ đã trình 09 Đề án (02 Luật và 07 Nghị định). Đặc biệt, với chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng, Lãnh đạo Bộ, sự nỗ lực của đơn vị tham mưu, Bộ đã hoàn thành và trình Chính phủ để trình Quốc hội thông qua Luật BHXH (sửa đổi) với với tỷ lệ tán thành rất cao. Đồng thời, đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 09/5/2024 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023. Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nhìn chung cơ bản đảm bảo chất lượng, tiến độ theo kế hoạch đề ra góp phần hoàn thiện thể chế về lao động, người có công và xã hội.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại hội nghị
Đối với nhiệm vụ phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm, Bộ tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường lao động nhằm duy trì lực lượng lao động ổn định, góp phần phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tính chung 6 tháng, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trên cả nước là 52,5 triệu người, tăng 196.600 người so với cùng kỳ; lao động có việc làm là 51,4 triệu người, tăng 195.700 người so với cùng kỳ; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,27%, không đổi so với cùng kỳ năm trước; lao động có việc làm là 51,4 triệu người; cả nước có gần 119,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước được đẩy mạnh; công tác tuyển chọn, đào tạo và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quản lý chặt chẽ hơn. Tổng số lao động Việt Nam đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài là 78.640 lao động, đạt 62.91% kế hoạch; trong đó có 23.845 lao động nữ.
Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng. Ước đến hết tháng 6, số người tham gia BHXH đạt khoảng 18,3 triệu, chiếm 39,05%; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp ước đạt 14,2 triệu, tăng 1,67% so với cùng kỳ 2023.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Từ đầu năm đến nay, bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước có nhiều diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường. Trong điều kiện đó, ngành cũng phải đối mặt với những rủi ro mới, thiên tai, lũ, bão, hạn hán, diễn biến bất thường làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, việc làm, sinh kế của người dân.
Toàn cảnh hội nghị
“Trước khó khăn đó, Bộ đã tham mưu cho Trung ương ban hành triển khai Nghị quyết số 42-NQ/TW với rất nhiều vấn đề lớn, nền tảng. Chuyển từ an sinh xã hội sang chính sách xã hội, từ ổn định và đảm bảo sang đảm bảo và phát triển, đây chính là nền tảng để chuẩn bị cho Đại hội toàn quốc lần thứ XIV; đồng thời phấn đấu để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong chính sách xã hội và việc làm bảo đảm bền vững của Liên hợp quốc. Tiếp đến là tham mưu cho Quốc hội ban hành và sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội theo tinh thần Nghị quyết 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội với 9 nội dung đột phá” - Bộ trưởng chia sẻ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý một số lĩnh vực của ngành còn tồn tại như: Tình trạng thiếu việc làm, việc làm chưa bền vững; giải ngân đầu tư công còn chậm. Tình trạng trẻ em đuối nước, tai nạn thương tích, bị xâm hại; tai nạn lao động gia tăng và nhiều xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng; chuyển đổi số của toàn ngành và cải cách hành chính chưa có chuyển biến rõ nét. Tình trạng đùn đấy, né tránh công việc còn xảy ra…
Do đó, thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu tập trung nghiên cứu tham mưu cơ chế, chính sách, hoàn thiện các chính sách để trình Quốc hội. Đối với các địa phương, cần tham mưu nhiều hơn cho cấp ủy chính quyền tổ chức thực hiện tốt các chính sách liên quan tới đảm bảo an sinh xã hội; thực hiện đúng, đầy đủ kịp thời các chính sách xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực người có công và bảo trợ xã hội./.
Thắng Trần
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH tỉnh Cà Mau quyết tâm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ công ...
BHXH tỉnh Quảng Nam hoàn thành chi trả lương hưu, trợ cấp ...
BHXH Việt Nam đề nghị các ngân hàng hỗ trợ người hưởng ...
Triển khai Chỉ thị 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh ...
Hội nghị tổng kết công tác công đoàn năm 2024 và phương ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?