Phát hiện, xử lý kịp thời vi phạm về BHXH, BHYT: Đảm bảo quyền lợi người tham gia
06/02/2024 08:11 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
BHXH Việt Nam luôn chủ động, quyết liệt, tích cực phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, chính quyền địa phương trong phát hiện, ngăn ngừa từ sớm, từ xa và xử lý kịp thời các hành vi chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN; lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, quỹ BHYT; góp phần quan trọng để các quỹ luôn tăng trưởng, an toàn, bền vững, đảm bảo chi trả đầy đủ chế độ cho người tham gia, thụ hưởng.
Năm 2023, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội. Kinh tế toàn cầu có xu hướng tăng trưởng chậm lại; nguy cơ suy thoái kinh tế và các rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực, thông tin gia tăng. Đồng thời, hậu quả của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng sâu rộng tới nền kinh tế - xã hội trên toàn cầu.
Ở trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng phần lớn vẫn là các khó khăn, thách thức. Trong khi đó, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, bão lũ tiếp tục diễn biến bất thường ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế - xã hội và đời sống người dân nói chung và việc triển khai tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội nói riêng của ngành BHXH Việt Nam, nhất là công tác thu, thu hồi số tiền chậm đóng, xử lý vi phạm về BHXH, BHYT, BHTN.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh trao đổi với công nhân về thực hiện chính sách BHXH, BHYT trong doanh nghiệp
Tham mưu, phối hợp, hoàn thiện chính sách
Xác định hành lang pháp lý là yếu tố quan trọng nhất, tạo nền tảng, điều kiện cho việc triển khai, thực hiện công tác thu, là cơ quan thực hiện chế độ, chính sách, thời gian qua, BHXH đã phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các Bộ, Ngành Trung ương trong việc xây dựng, sửa đổi chính sách, pháp luật BHXH, BHTN, BHYT và đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao của các Bộ, ngành, đơn vị liên quan trong việc triển khai thực hiện, như: Luật BHXH (sửa đổi); Luật BHYT (sửa đổi); góp ý dự thảo Quy chế chia sẻ dữ liệu và phối hợp công tác giữa Bộ Y tế, Bộ Công an và BHXH Việt Nam thực hiện Đề án 06;…
BHXH Việt Nam cũng đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc tham mưu, đề xuất Chính phủ trình Quốc hội bổ sung vào bộ Luật hình sự 2 tội danh liên quan đến gian lận BHXH, BHYT, BHTN (Điều 214, 215) và Nghị quyết số 05/NQ-HĐTP.
Đặc biệt, trong xây dựng dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) trình kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV cuối năm 2023 vừa qua, BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp cùng Bộ LĐ-TB&XH và các đơn vị liên quan hoàn thiện, bổ sung các chế tài trong Luật nhằm ngăn chặn, hạn chế tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN.
Theo đó, ngoài chế tài thu hồi và tính lãi tiền chậm đóng BHXH , khởi kiện ra toà, khởi tố hình sự (như Luật BHXH hiện hành) còn bổ sung thêm một số chế tài như: Cơ quan có thẩm quyền tuyên bố ngừng sử dụng hóa đơn (phong tỏa hóa đơn) với đơn vị nợ BHXH từ 6 tháng trở lên; hoãn xuất cảnh với chủ doanh nghiệp nợ BHXH từ 12 tháng trở lên.
BHXH Việt Nam và Bộ Y tế thường xuyên phối hợp trong thực hiện chính sách BHYT
BHXH Việt Nam cũng đề xuất một số giải pháp để: đảm bảo quyền lợi cho người lao động bị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN tại các doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn; gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần.
Về lĩnh vực BHYT, BHXH Việt Nam tham gia xây dựng nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHYT và chủ trì hoàn thiện một số báo cáo trình Quốc hội, Chính phủ và các Bộ Ngành như Dự án Luật BHYT sửa đổi, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật khác như Luật giá (sửa đổi), dự thảo Nghị định về khám chữa bệnh (KCB) cho các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang; các văn bản, thông tư liên quan đến dịch vụ KCB, thuốc, vật tư y tế (VTYT) và quy định về đấu thầu, mua sắm thuốc, VTYT (đã tham gia xây dựng 12 văn bản, thông tư, trong đó có 05 văn bản đã được ban hành và có hiệu lực thực hiện trong năm 2023).
BHXH Việt Nam cũng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả quỹ BHYT, đảm bảo chi đúng, chi đủ, phục vụ kịp thời các hoạt động KCB , chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân và đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.
Tranh thủ, huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành
Tranh thủ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, thời gian qua, Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 317-NQ/BCSĐ về việc tăng cường các giải pháp thực hiện công tác thu, giảm tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, đồng thời có văn bản gửi Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thành uỷ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn phát sinh chậm đóng BHXH, BHYT; các doanh nghiệp có biểu hiện chậm đóng BHXH, BHYT cho người lao động từ dữ liệu của cơ quan Thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan quản lý nhà nước về lao động để khắc phục tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT.
BHXH Việt Nam cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn trong việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.
Toàn Ngành thường xuyên nắm bắt thông tin, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị sử dụng lao động để có giải pháp phù hợp với mỗi đơn vị, trong đó chú trọng theo dõi, xây dựng cơ sở dữ liệu những đơn vị có nhiều lao động, số tiền thu lớn nhằm hạn chế tình trạng chậm đóng kéo dài, hoặc chậm đóng với số tiền lớn.
Hằng tháng, BHXH Việt Nam tổ chức giao ban toàn Ngành đánh giá chi tiết tiến độ thu, chỉ tiêu giảm số tiền chậm đóng để kịp thời có các giải pháp phù hợp với đặc thù của từng tỉnh, thành phố, đảm bảo các đơn vị sử dụng lao động đóng kịp thời, không để phát sinh số tiền chậm đóng mới; tổ chức các đoàn công tác do Lãnh đạo Ngành làm Trưởng đoàn đến nắm bắt tình hình và chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các giải pháp thu, giảm chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN… tại các địa phương.
BHXH các tỉnh, thành phố thường xuyên cử cán bộ trực tiếp đến đơn vị để đôn đốc thu kịp thời khi đơn vị có dấu hiệu chậm đóng, lập biên bản làm việc yêu cầu đơn vị đóng BHXH, BHYT, BHTN đúng quy định.
Sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương là nhân tố quan trọng trong thực hiện chính sách BHXH, BYYT
Đẩy mạnh công tác thanh tra, thu hồi số tiền chậm nộp
Hiện nay, BHXH Việt Nam được giao chức năng thanh tra chuyên ngành (TTCN) về đóng BHXH, BHYT, BHTN. Đây là công cụ mạnh, hữu hiệu được BHXH Việt Nam tích cực triển khai.
Ngành BHXH Việt Nam luôn chủ động: phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành hữu quan trong hoạt động thanh tra, kiểm tra (TTKT); ban hành, triển khai trong toàn Ngành Kế hoạch TTCN, kiểm tra và TTKT liên ngành; chỉ đạo, hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố xây dựng, điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch TTKT hằng năm, chú trọng TTCN đóng đối với các đơn vị có dấu hiệu vi phạm, đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT; kiểm tra chuyên đề, đột xuất các cơ sở KCB có tỷ lệ chi KCB BHYT cao so với dự toán, gia tăng chi phí bất hợp lý; chủ động rà soát, phân tích dữ liệu trên các phần mềm nghiệp vụ, dữ liệu cơ quan Thuế cung cấp để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác TTKT; chỉ đạo triển khai các giải pháp ngăn ngừa tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT, BHTN; kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHYT, BHTN. Qua đó đã chủ động phát hiện, ngăn ngừa từ sớm, từ xa và xử lý kịp thời các hành vi chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN; lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, quỹ BHYT.
Do cơ quan BHXH chỉ có chức năng TTCN về đóng BHXH, BHYT, BHTN, không có chức năng thanh tra hưởng BHXH, BHYT, vì vậy, bên cạnh sự chủ động, triển khai quyết liệt của Ngành, BHXH Việt Nam đã tăng cường phối hợp với các bộ, ban ngành liên quan chủ động có giải pháp quyết liệt để phát hiện, ngăn chặn từ sớm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người tham gia và thụ hưởng chính sách. Trong đó, BHXH Việt Nam đề nghị: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với cơ quan BHXH tăng cường thanh tra đối với các đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN; Bộ Y tế ban hành văn bản chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chấn chỉnh các cơ sở KCB trên địa bàn, thực hiện nghiêm túc quy trình KCB theo quy định để kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp trục lợi; kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành liên quan (Công an, Thuế, Kế hoạch và Đầu tư…) trong việc theo dõi, phát hiện, ngăn ngừa và xử lý lạm dụng, trục lợi...
Công tác thanh tra, kiểm tra của ngành BHXH Việt Nam đã và đang phát huy hiệu quả tích cực (Ảnh minh họa)
Qua công tác TTKT, nhiều hành vi vi phạm đã được phát hiện và xử lý kịp thời; nhiều nội dung vướng mắc đã được BHXH Việt Nam giải quyết hoặc tổng hợp, báo cáo, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Gần đây, cơ quan BHXH và cơ quan chức năng có liên quan đã phát hiện, xử lý một số vụ việc vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN ở một số địa phương. Cụ thể, thông qua công tác TTKT đã phát hiện tình trạng trục lợi quỹ BHXH, BHYT dưới hình thức cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH giả hoặc cấp khống (thực tế không đi KCB để được cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH), cấp không đúng quy định để thanh toán chế độ BHXH. Trong đó, người lao động thì trục lợi quỹ BHXH bằng việc dùng Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH để đề nghị thanh toán hưởng chế độ BHXH; cơ sở KCB BHYT trục lợi quỹ BHYT bằng việc quyết toán công khám, tiền thuốc, dịch vụ kỹ thuật... từ thẻ BHYT của người mua Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Một số vụ việc điển hình như tại các Phòng khám đa khoa tư nhân ở Đồng Nai (đã khởi tố); tại Trạm Y tế phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên, Hà Nam (Công an tỉnh Hà Nam đang xác minh),...
Đáng chú ý, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã và đang tiếp tục triển khai thực hiện TTKT theo phương pháp truyền thống kết hợp với “xử lý dữ liệu điện tử” bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin, rà soát, phân tích xử lý dữ liệu từ các phần mềm nghiệp vụ của Ngành và cơ sở dữ liệu từ các cơ quan hữu quan. Từ việc cảnh báo, sàng lọc cơ sở dữ liệu, các đơn vị có dấu hiệu vi phạm về BHXH, BHYT, BHTN, nhất là hành vi vi phạm về chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN đã được cơ quan BHXH kịp thời phát hiện, lập danh sách để tiếp tục rà soát, đôn đốc và tổ chức triển khai các đoàn TTCN đóng đột xuất tại đơn vị.
Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong hoạt động TTKT đã rút ngắn thời gian, kinh phí, nhân lực, giảm thời gian làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (đặc biệt với các đơn vị có số lao động và dữ liệu lớn). Ứng dụng CNTT trong công tác TTKT giúp việc TTKT có trọng tâm, trọng điểm, phát hiện các dấu hiệu bất thường, phân tích dữ liệu để định hướng nội dung thực hiện TTKT theo chuyên đề, đột xuất. Đồng thời, việc xử lý dữ liệu tổng thể, giúp tăng khối lượng nội dung, hồ sơ TTKT nhưng vẫn đảm bảo tính pháp lý, tuân thủ đúng quy trình, quy định của pháp luật thanh tra.
Trong năm 2023, BHXH Việt Nam đã chủ trì và phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 18.707 đơn vị. Tổng số tiền qua TTKT các đơn vị chậm đóng trước khi có quyết định TTKT ra là 1.504,1 tỷ đồng, số đã khắc phục, nộp tiền chậm đóng ngay sau khi TTKT là 909,8 tỷ đồng (bằng 60,5%). Phát hiện 44.859 trường hợp sai phạm về đối tượng, mức đóng với số tiền truy thu 132,6 tỷ đồng; yêu cầu thu hồi về quỹ BHXH, BHTN tổng số tiền 139,5 tỷ đồng do hưởng chế độ không đúng quy định (bằng 186% so với năm 2022).
Nhờ các giải pháp quyết liệt, linh hoạt, đồng bộ của toàn Ngành, hết năm 2023, số tiền thu BHXH, BHTN, BHYT tăng 8,55% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 101,41% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao. Số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN có tính lãi ghi nhận ở mức thấp nhất từ năm 2016 trở lại đây, giảm từ 6% (năm 2016) xuống còn 2,69% số phải thu.
Kết quả này cho thấy công tác TTKT cùng với các giải pháp thu khác của ngành BHXH Việt Nam đã phát huy hiệu quả tốt, góp phần quan trọng để các quỹ luôn tăng trưởng, an toàn, bền vững, đảm bảo chi trả đầy đủ chế độ cho người tham gia, thụ hưởng; nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật của người sử dụng lao động cũng như người lao động trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN./.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Ban hành Kế hoạch phát động phong trào thi đua cơ quan BHXH ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chúc mừng CCVC, người lao ...
BHXH Việt Nam ban hành Kế hoạch công tác thông tin, truyền ...
Truyền thông chính sách BHXH, BHYT: Tích cực, chủ động đưa ...
BHXH Việt Nam ban hành Quyết định về mẫu thông báo kết quả ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?