Phổ biến kiến thức về BHXH, BHTN và chuẩn khung tham chiếu trình độ ASEAN cho giáo viên, HSSV

03/12/2020 12:02 PM


Ngày 2/12, tại Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II (TP.HCM), Bộ LĐ-TB&XH tổ chức “Hội nghị Tuyên truyền về chính sách pháp luật thuộc lĩnh vực việc làm, BHXH và BHTN” và “Hội thảo về các thoả thuận công nhận lẫn nhau (MRA) và Khung tham chiếu trình độ ASEAN (AQRF)”.

Trang bị kiến thức cho sinh viên tham gia thị trường lao động

Tại hội nghị, TS Bùi Văn Hưng, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II cho biết, Hội nghị Tuyên truyền về chính sách pháp luật thuộc lĩnh vực việc làm, BHXH và BHTN là hoạt động có ý nghĩa trong việc cung cấp thông tin đến học sinh, sinh viên và giáo viên trong việc thực hiện chính sách lao dộng, việc làm, BHXH. Trang bị cho sinh viên kiến thức để chuẩn bị tham gia thị trường lao động.

Đồng thời, hội nghị cập nhật kiến thức cho giáo viên nhà trường về kiến thức lao động việc làm, thị trường lao dộng và bảo hiểm xã hội. Tại Hội nghị các đại biểu được nghe tham luận về thị trường lao động và các chính sách liên quan việc làm, quản lý lao động của TS. Lê Kim Dung, Nguyên Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH)…và nghe bà Trần Thị Thúy Nga trình bày về Chính sách BHXH và việc tổ chức thực hiện, vai trò và lợi ích của BHXH, quyền và nghĩa vụ của người tham gia BHXH của người lao động và người sử dụng lao động…

Hội nghị nhằm nâng cao nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động và các cơ quan có liên quan về chính sách cũng như việc triển khai thực hiện BHTN, BHXH, đặc biệt là quyền và trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện các chính sách này.

Tham chiếu trình độ ASEAN để nâng cao chất lượng đào tạo

TS Bùi Văn Hưng chia sẻ qua Hội thảo về các thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA) và Khung tham chiếu trình độ ASEAN (AQRF) giúp đội ngũ cán bộ nắm bắt được khung tham chiếu trình độ tay nghề ASEAN và thỏa thuận công nhân lẫn nhau. Đây là chương trinh rất ý cho nhà trường. Sau hội thảo này nhà trường sẽ nắm bắt và nâng cao được chất lượng đào tạo.

Tại hội thảo, các đại biểu được nghe các diễn giả giới thiệu và cập nhật về AQRF trong ASEAN; chia sẻ chương trình hỗ trợ của ASEAN cho giáo dục đại học để thúc đẩy và hỗ trợ AQRF; Chương trình công nhận thực tập sinh kỹ năng giữa Việt Nam và Nhật Bản…

Các đại biểu tham dự hội thảo (nguồn: Internet)

Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm và dự kiến về triển khai các thỏa thuận của Cộng đồng ASEAN, triển khai MRA và AQRF. Một số ý kiến các đại biểu cho rằng, hiện đã có căn cứ rất tốt là khung trình độ quốc gia Việt Nam và khung trình độ kỹ năng nghề để tiến hành công nhận lẫn nhau về trình độ và kỹ năng. Cần hiểu rõ những lợi ích khi tham gia các thỏa thuận; nền tảng giáo dục và đào tạo, cơ sở hạ tầng khác biệt giữa các quốc gia, trình độ ngoại ngữ, năng lực, kỹ năng nghề của lao động là những khó khăn trong chuyển dịch lao động; để triển khai tốt MRA và AQRF cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan, sự tham gia của doanh nghiệp, nhà tuyển dụng, cơ sở đào tạo; xây dựng các quan hệ thỏa thuận, công nhận song phương.

Theo ông Đặng Huy Hồng - Phó Vụ trưởng Vụ hợp tác Quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH), Chương trình hợp tác song phương giữa Việt Nam với Nhật Bản nhằm cung cấp người lao động có kỹ năng cho thị trường lao động Nhật Bản. Nhật Bản chỉ tuyển chọn những lao động biết tiếng Nhật hoặc chỉ tuyển dụng những thực tập sinh đã có thời gian thực tập ở Nhật Bản. Từ 18 tuổi trở lên, đạt ngôn ngữ bậc N4, có những kiến thức và kinh nghiệm tốt đối với những lĩnh vực tuyển dụng.

Đặc biệt, ở Nhật Bản, khi người lao động làm ở ngành nghề này mà muốn chuyển sang ngành nghề khác thì buộc phải thi tuyển, nếu qua được bài kiểm tra mới được nhận vào làm việc. Để đáp ứng nhu cầu lao động của các nước ở khu vực ASEAN, chúng ta cần nâng cao sự hiểu biết và nhận thức của Việt Nam về khung tham chiếu trình độ tay nghề của các nước ASEAN. Từ đó nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực ASEAN.

 

PV