Không để người dân nào trong vùng lũ lụt lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”

29/10/2020 06:30 PM


Đó là nội dung Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương về tình hình thực hiện, giải ngân các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, vừa diễn ra ngày (29/10).

 

Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, ước đến ngày 31/10, phần lớn các bộ, cơ quan Trung ương có mức giải ngân thấp, riêng Bộ GTVT có mức giải ngân cao nhất với tỷ lệ 44,8%. Các địa phương có mức giải ngân khá gồm: Tây Ninh (91,74%), Bình Định (73,26%), Cao Bằng (62,58%), Hà Nam (61,64%), Bắc Kạn (60,66%), Lai Châu (60,61%), Khánh Hòa (53,89%), Kiên Giang (52,82%), Hải Phòng (52,71%), Sóc Trăng (52,37%), Điện Biên (51,55%)… Đáng chú ý, có tình trạng chậm hoàn thành thủ tục rút vốn và chậm giải ngân với số vốn kiểm soát chi nhưng chưa giải ngân (trên 2.797 tỷ đồng) và khối lượng công việc đã hoàn thành nghiệm thu (khoảng 4.533 tỷ đồng) hoàn tất thủ tục rút vốn và giải ngân.

Cũng theo Bộ KH-ĐT, do hầu hết hoạt động của các dự án gắn với yếu tố nước ngoài, nên tiến độ thực hiện dự án ODA chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát. Nhiều dự án do chuẩn bị đầu tư không kỹ, áp dụng các công nghệ nhanh thay đổi, dẫn đến phải điều chỉnh lại thiết kế, tăng chi phí, phải tiến hành các thủ tục gia hạn thời gian thực hiện dự án, ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ, giải ngân vốn nước ngoài.

Từ đầu năm đến nay, cả nước đã có 26 dự án phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư. Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư hoặc gia hạn hiệp định vay tác động tới tiến độ thực hiện dự án, do không triển khai các công tác đấu thầu xây lắp, giải ngân mà còn gây khó khăn cho việc bố trí kế hoạch. Chỉ còn 2 tháng nữa là hết năm, nhưng khối lượng giải ngân ODA còn rất lớn, gần 70% (gần 41.000 tỷ đồng)…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận tại Hội nghị

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương tập trung khắc phục cứu trợ, cứu nạn, không để người dân nào trong vùng lũ lụt lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”, nhất là các tỉnh miền Trung bị bão số 9 tàn phá nặng nề. Về vấn đề giải ngân ODA, Thủ tướng cho rằng, chỉ khi nào chúng ta quyết tâm, đưa ra một mục tiêu cụ thể thì mới hành động được. Do đó, cần phải rà lại các nguyên nhân xem chủ đầu tư, chủ dự án đã thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình hay chưa.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, ODA là một nguồn lực quan trọng phát triển đất nước. Bởi, đất nước đang thiếu nguồn vốn phát triển, nên các bộ, ngành cần có trách nhiệm trong việc tìm nguồn lực để phát triển đất nước; đồng thời phải tiếp tục hoàn chỉnh khung pháp lý, làm rõ lộ trình, cách làm ODA thuận lợi, bài bản hơn, thống nhất hơn, từ đó lập kế hoạch ODA trung hạn 5 năm. Các bộ, ngành, địa phương cũng cần phải chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, xử lý giải quyết tồn tại, bất cập. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, để nâng cao tinh thần, thái độ, năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ.

Thủ tướng cũng cho rằng, cần phải cương quyết thay đổi cán bộ không biết làm việc, không hoàn thành, không có trách nhiệm tích cực hoặc là những cán bộ tiêu cực, không vì nhiệm vụ mà vì lợi ích nhóm trong đầu tư ODA. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ trong việc bố trí đủ nguồn vốn đối ứng cho các chương trình, dự án ODA trong năm nay.

Theo Thủ tướng, từ nay đến cuối năm còn số lượng vốn khoảng 41.000 tỷ đồng, tương đương 69% kế hoạch Thủ tướng giao chưa được giải ngân; do vậy các bộ, ngành, địa phương cần tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc để giải ngân tối đa khoản vốn này. Ngoài ra, sau cuộc họp này, từng bộ, ngành, địa phương họp, rà soát lại để làm rõ trách nhiệm, tháo gỡ khó khăn từng dự án; hoàn thiện các văn bản pháp lý nhằm đơn giản thủ tục phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư.

“Các đồng chí đứng đầu các cấp phải quan tâm hơn nữa trong chỉ đạo, không thể chấp nhận có tình trạng có vốn, có tiền mà không tiêu được, không phát triển được, cứ cam chịu nghèo, khó khăn, đó là nghịch lý của sự yếu kém về quản lý của chúng ta, phải kiên quyết đổi thay”- Thủ tướng nói. Đồng thời, đề nghị đến cuối năm sẽ kiểm điểm xem tỉnh nào, thành phố nào làm tốt, phê bình tỉnh, địa phương nào chây ỳ, không làm tốt.

PV