Giám sát thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn Hà Nội

06/10/2017 08:19 AM


Ngày 05/10/2017, Đoàn Giám sát của Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND Thành phố Hà Nội do Trưởng ban Trần Thế Cương làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với BHXH Hà Nội về việc chấp hành các quy định của pháp luật BHXH, BHYT đối với người lao động tại doanh nghiệp trên địa bàn thành phố từ năm 2015 đến tháng 08/2017.

Đoàn Giám sát làm việc tại BHXH thành phố Hà Nội.

Báo cáo của BHXH thành phố cho biết, BHXH thành phố luôn bám sát các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của BHXH Việt Nam và của UBND Thành phố để tổ chức thực hiện tốt các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô. 

Công tác quản lý, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT được BHXH Thành phố rất quan tâm, chú trọng nhằm duy trì, ổn định quỹ BHXH, BHYT. Thông qua các cơ quan quản lý nhà nước (Sở Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan Thuế, Cục Thống kê...) thường xuyên cập nhật thông tin về đối tượng là tổ chức, cá nhân chưa tham gia BHXH, BHYT, lập kế hoạch khai thác phát triển đối tượng. BHXH Thành phố đã chủ động đào tạo, mở rộng mạng lưới đại lý thu. Đến nay, đã có 1.404 điểm thu của 643 đại lý với 1.819 nhân viên đại lý thu. Đồng thời, tập trung đẩy nhanh tiến độ rà soát và nhập dữ liệu bàn giao sổ BHXH cho người lao động. Triển khai thực hiện tốt Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, trong đó triển khai thực hiện việc cấp mã số BHXH, mã số thẻ BHYT duy nhất cho người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn Thành phố và kết nối với cơ sở dữ liệu tập trung toàn quốc.

Số người tham gia BHXH trên địa bàn thành phố tăng dần qua các năm. Năm 2015 là 1.314.108 người (tăng 2,2% so với KH); năm 2016 là 1.412.457 người (tăng 0,5% so với KH); 8 tháng đầu năm 2017 là 1.440.892 người (tăng  5% so với cùng kỳ năm 2016). 

Xác định công tác thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN là hai nhiệm vụ quan trọng nhằm đảm bảo duy trì, tăng trưởng quỹ BHXH, BHYT, BHTN và chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động trên địa bàn Thủ đô. Hàng năm, Thành phố luôn hoàn thành chỉ tiêu thu BHXH, BHYT, BHTN do Chính phủ, BHXH Việt Nam giao, đảm bảo năm sau cao hơn năm trước. Năm 2015 tổng số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 24.539,8 tỷ đồng, đạt 105% kế hoạch; năm 2016 tổng số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 29.217.893 tỷ đồng, đạt 102,6% kế hoạch; 8 tháng đầu năm 2017, số thu là 21.204,8 tỷ đồng, đạt 63,5% kế hoạch.

Giám đốc BHXH Hà Nội Nguyễn Đức Hòa phát biểu tại buổi làm việc.

Trong nhiều năm qua, BHXH Thành phố thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT cho người lao động đảm bảo đúng quy định. Hà Nội là địa phương có số tiền chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng lớn nhất cả nước. Công tác quản lý đối tượng và quản lý tiền chi trả các chế độ BHXH, BHYT được giám sát chặt chẽ theo quy định của pháp luật, đảm bảo đúng đối tượng hưởng, không để xảy ra thất thoát. Chú trọng, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường giáo dục, bồi dưỡng tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ, viên chức làm nhiệm vụ; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đối tượng tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT. Từ năm 2015 đến nay, đã thực hiện chi trả các chế độ BHXH đảm bảo an toàn với tổng số tiền là 70.454,7 tỷ đồng, với 682.744 lượt đối tượng thụ hưởng. Hiện nay, Hà Nội đang thực hiện chi trả bằng 2 hình thức qua thẻ ATM và qua hệ thống bưu điện.

Giám đốc BHXH Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho biết, việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn thành phố đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Điển hình là tình trạng nợ BHXH, BHYT trên địa bàn vẫn còn rất cao. BHXH Thành phố đã triển khai nhiều biện pháp thu nợ, kết quả đến hết 31/8/2017, số tiền nợ BHXH là 3.202,6 tỷ đồng, giảm 25,3% so với cùng kỳ năm 2016 và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của 812.837 lao động. Nguyên nhân của vấn đề này là do một số doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố thực sự gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, còn một số doanh nghiệp chây ỳ, cố tình trốn đóng BHXH, BHYT hoặc đóng không đúng số lao động thực tế đang làm việc. Mặt khác, nhận thức của một bộ phận người sử dụng lao động và người lao động về chính sách BHXH, BHYT còn hạn chế. Một số nơi công tác tuyên truyền, thực hiện chính sách BHXH, BHYT chưa thực sự được quan tâm, coi trọng, vẫn coi đó là nhiệm vụ riêng của ngành BHXH...

Đoàn giám sát làm việc tại BHXh quận Thanh Xuân.

Để tiếp tục thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn Thủ đô trong năm 2017 và những năm tiếp theo, BHXH Thành phố xác định một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau: Tiếp tục đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền phổ biến chủ trương của Đảng, pháp luật, chính sách, chế độ về BHXH, BHYT, trọng tâm là Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chương trình hành động số 19-Ctr/TU của Thành uỷ và Kế hoạch số 82/KH-UBND của UBND Thành phố; Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương trong việc thực hiện các chính sách, chế độ BHXH, BHYT, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong nhận thức, ý thức trách nhiệm, tự giác tham gia BHXH, BHYT. Thường xuyên tuyên truyền, đối thoại với doanh nghiệp và người lao động về chính sách pháp luật; đẩy mạnh công tác khai thác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT nhằm hoàn thành các chỉ tiêu cơ bản đến năm 2020. Đẩy nhanh tiến độ rà soát và nhập dữ liệu bàn giao sổ BHXH cho người lao động. Triển khai thực hiện tốt Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, trong đó triển khai thực hiện việc cấp mã số BHXH, mã số thẻ BHYT duy nhất cho người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn Thành phố và kết nối với cơ sở dữ liệu tập trung toàn quốc. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử, giao dịch hồ sơ qua dịch vụ bưu chính; triển khai thực hiện liên thông dữ liệu điện tử về tiền đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn Thành phố, giữa BHXH, Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước. Từng bước hiện đại hóa hệ thống thông tin quản lý, tiến tới thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong lĩnh vực thu BHXH, BHYT nhằm thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao…

Các thành viên Đoàn giám sát đã cùng trao đổi, thảo luận, đánh giá cao những kết quả mà BHXH Hà Nội đạt được trong thời gian vừa qua, đồng thời cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn như: Mức độ bao phủ BHXH còn thấp; tình trạng nợ BHXH, BHYT còn diễn ra phổ biến với số nợ lớn; khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH ra Tòa án hiện nay đang gặp khó khăn, vướng mắc,...

Thay mặt đoàn giám sát, ông Trần Thế Cương, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND Thành phố - Trưởng đoàn giám sát đánh giá cao nỗ lực của BHXH Hà Nội trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, góp phần quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thủ Đô. BHXH thành phố đã tham mưu ban hành 09 văn bản chỉ đạo về chính sách BHXH, BHYT; Đã có 1.404 điểm thu của 643 đại lý với 1.819 nhân viên đại lý thu; Số người tham gia BHXH, BHYT tăng qua từng năm; Thực hiện tốt việc giải quyết các chế độ, chính sách cho người lao động và nhân dân; Nỗ lực trong công tác thanh kiểm tra, thu hồi nợ đọng BHXH, BHYT cũng như cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ.

BHXH thành phố cũng thực hiện tốt công tác phối hợp với các sở, ngành liên quan trên địa bàn trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia BHXH, BHYT,...

Trưởng đoàn giám sát đề nghị BHXH thành phố tiếp tục phát huy những thành tự đạt được, khắc phục những tồn tại hạn chế để thực hiện tốt hơn nữa vai trò chính sách BHXH, BHYT. BHXH thành phố tiếp tục thực hiện kết luận của Bí thư Thành ủy và chỉ đạo của UBND trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT; nỗ lực phát triển số người tham gia BHXH; đảm bảo tỷ lệ bao phủ BHYT ngày tăng và bền vững; tiêp tục đẩy mạnh tuyên truyền đối thoại với người lao động cũng như công tác thanh tra, kiểm tra các đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp…/.

PV