Tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT: Luôn lấy người dân, NLĐ làm trung tâm
26/04/2017 12:00 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 25/4, tại Hà Nội, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn đã chủ trì Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về chính sách BHXH, BHYT tháng 4/2017.
Tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ LĐ-TB&XH; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đại diện lãnh đạo một số Vụ, đơn vị của BHXH Việt Nam; cùng gần 100 phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương, và tại Hà Nội. Tại hội nghị, BHXH Việt Nam đã thông tin đến các phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn báo chí về một số nội dung đang được dư luận quan tâm như: Vấn đề nghỉ hưu trước ngày 01/01/2018, từ ngày 01/01/2018 trở đi và việc điều chỉnh cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu từ ngày 01/01/2018; công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; đổi mới phương thức trong cấp sổ BHXH, thẻ BHYT cho NLĐ; tình hình tổ chức hợp đồng KCB BHYT năm 2017; việc sử dụng và đấu thầu cung cấp thuốc biệt dược gốc theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; kết quả hoạt động quý I/2017 và những nhiệm vụ trọng tâm sẽ được BHXH Việt Nam triển khai trong quý II/2017. Kết quả tích cực Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 3/2017, ước số người tham gia BHXH bắt buộc là 13,1 triệu người, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2016; BH thất nghiệp là 11,2 triệu người, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2016; BHXH tự nguyện là 235 nghìn người, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2016; số người tham gia BHYT là 76,2 triệu người (đã bao gồm lực lượng vũ trang) tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2016, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT toàn quốc là 82% dân số. Theo đó, số thu trong quý I/2017 toàn Ngành ước đạt 63.616 tỷ đồng, đạt 22,5% so với kế hoạch giao, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, thu BHXH là 43.932 tỷ đồng; thu BH thất nghiệp là 2.997 tỷ đồng; thu BHYT là 16.687 tỷ đồng. Số nợ tính đến hết 31/3/2017 là 14.01 tỷ đồng, trong đó nợ BHXH là 10.001 tỷ đồng; nợ BH thất nghiệp là 552 tỷ đồng; nợ BHYT là 3.466 tỷ đồng. Song song đó, tính đến hết ngày 20/3/2017, đã có 07 địa phương bàn giao 78.491 sổ BHXH cho NLĐ. Bên cạnh việc đảm bảo thanh toán chi phí KCB BHYT cho người tham gia theo quy định, trong quý I/2017, toàn Ngành đã tổ chức ký kết hợp đồng KCB BHYT với 2.171 cơ sở y tế. Công tác tuyên truyền, công tác cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh… Từ ngày 01/01/2018, tỷ lệ hưởng lương hưu sẽ thấp khi nghỉ hưu sớm
Chia sẻ về thông tin nghỉ hưu trước năm 2018, theo quy định của Luật BHXH năm 2014 với đông đảo phóng viên, biên tập viên tại hội nghị, Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH Đinh Thu Hiền cho biết, kể từ ngày 01/01/2018 trở đi, cách tính tỷ lệ % hưởng lương hưu có thay đổi so với nghỉ hưu trước năm 2018. Tuy nhiên, việc điều chỉnh này chỉ tác động trực tiếp đến một số nhóm đối tượng chứ không phải tất cả các đối tượng hưởng lương hưu từ năm 2018 trở đi đều bị giảm lương hưu. Trường hợp đủ điều kiện về tuổi đời mà chưa đủ số năm đóng BHXH để đạt tỷ lệ 75%, thì khi nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi, đa số lao động nữ bị giảm tỷ lệ lương hưu so với hiện hành. Trường hợp NLĐ nghỉ hưu nhưng chưa đủ tuổi đời theo quy định sẽ phải giảm trừ tỷ lệ % do nghỉ hưu trước tuổi (mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi trừ 2%). “Điều đó có nghĩa là, nếu NLĐ nghỉ hưu sớm trước tuổi càng nhiều, thì tỷ lệ giảm trừ càng nhiều. Trong khi đó, nếu tiếp tục đóng BHXH thêm 01 năm thì tỷ lệ lương hưu cũng tăng tương ứng 2%. Như vậy rõ ràng, tỷ lệ hưởng lương hưu của NLĐ sẽ thấp khi nghỉ hưu sớm và càng thấp hơn nếu thời gian đóng BHXH của NLĐ không nhiều”- bà Đinh Thu Hiền nhấn mạnh. Ngoài ra, Luật BHXH năm 2014 quy định: Từ ngày 01/01/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động. “Đây là cách để bảo đảm lương hưu được cải thiện hơn, bù cho việc giảm sút tỷ lệ hưởng lương hưu khi phải tham gia BHXH thêm 5 năm cho cả nam và nữ để đạt tỷ lệ hưởng tối đa là 75%. Do đó, khi mức đóng BHXH được điều chỉnh trên cơ sở tổng thu nhập của NLĐ càng cao thì lương hưu sẽ cao hơn so với trước năm 2018”, bà Đinh Thu Hiền cho biết. Bà Đinh Thu Hiền cũng khuyến nghị, “lương hưu là chế độ NLĐ được hưởng lâu dài nên nếu mức lương hưu khi bắt đầu nghỉ hưu thấp sẽ ảnh hưởng suốt cả thời gian về sau. Mặt khác, mức hưởng lương hưu phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: tuổi đời, thời gian đóng BHXH, mức lương đóng BHXH, điều kiện làm việc… Do đó, khi NLĐ còn sức khỏe, có công việc tốt thì việc tiếp tục đóng BHXH cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu để được nhận mức lương hưu cao sẽ đảm bảo tốt hơn thu nhập cho người về hưu”. Đảm bảo quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT
Tại hội nghị, nhiều câu hỏi của các phóng viên, biên tập viên liên quan tới một số vướng mắc trong thanh toán KCB BHYT, cũng như trước luồng thông tin phản ánh về việc BHXH Việt Nam đang đề nghị xuất toán hoặc tạm thời chưa thanh toán một số khoản kinh phí mà các cơ sở KCB đề nghị thanh toán vượt định mức quy định của Bộ Y tế về quy định số lượt khám bệnh bình quân/bàn khám/ngày được áp dụng cho từng hạng bệnh viện; “treo” số chi phí vật tư y tế (VTYT) kết cấu trong giá dịch vụ kỹ thuật theo Thông tư 37/TTLT-BYT-BTC thừa so với sử dụng thực tế của cơ sở y tế... cũng đã được đưa ra. Trả lời về các nội dung này, Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT Vũ Xuân Bằng cho biết, việc quy định định mức kỹ thuật cho các dịch vụ y tế vừa là cơ sở để xây dựng giá dịch vụ, đồng thời cũng là tiêu chuẩn để đảm bảo chất lượng dịch vụ y tế. Do đó, việc nhiều cơ sở y tế có số lượng người bệnh KCB ngoại trú/ 1 bàn khám/ 1 ngày vượt chỉ tiêu nhiều lần; hay việc nhiều Bệnh viện tự kê thêm giường bệnh với số lượng cao gấp đôi, thậm chí tăng gần 4 lần số giường kế hoạch được giao và cũng vượt nhiều so với định mức nhân lực đã được Bộ Y tế quy định… sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng điều trị. Mặt khác, cũng dẫn tới việc chỉ định vào viện chưa hợp lý, kéo dài ngày điều trị không cần thiết. Ông Vũ Xuân Bằng cũng cho biết, thông qua công tác giám định, kiểm tra, kiểm toán, BHXH Việt Nam đã phát hiện có sự chênh lệch rất lớn giữa thực tế sử dụng của cơ sở KCB với định mức nhân lực, thời gian và thuốc, VTYT được xây dựng làm cơ sở tính giá dịch vụ do Bộ Y tế quy định (kim châm cứu, găng tay, giấy in kết quả siêu âm, dịch lọc thận nhân tạo, bơm kim tiêm,...). Đơn cử như, tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình, kết quả kiểm toán chi phí KCB BHYT năm 2015 cho thấy, số lượng găng tay sử dụng thực tế cho tất cả các dịch vụ kỹ thuật của toàn viện chỉ bằng 30% so với định mức găng tay được tính trong 02 dịch vụ khám bệnh và ngày giường bệnh, số tiền chênh lên tới 1,2 tỷ đồng; tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Thái Bình, số kim châm cứu thực tế sử dụng chỉ bằng 5% số kim châm cứu theo định mức, số tiền chênh lệch lên tới 1,7 tỷ đồng...
Cùng chia sẻ thông tin với đông đảo phóng viên, biên tập viên về các nội dung này, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn khẳng định, “không có chuyện xuất toán ồ ạt, BHXH Việt Nam luôn đặt lợi ích của người bệnh lên hàng đầu, và đảm bảo chi phí KCB BHYT luôn được thanh toán đúng, đủ, kịp thời. Quyết toán chi phí KCB phải dựa vào kết quả giám định BHYT, cơ quan BHXH không từ chối thanh toán các chi phí KCB BHYT hợp lý, hợp lệ”. Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cũng nhấn mạnh, “trong trường hợp bệnh viện “cạn” nguồn thuốc thuộc danh mục thuốc BHYT đã được đấu thầu vì bất kỳ lý do nào, nếu bác sỹ có chỉ định bệnh nhân ra ngoài mua thuốc thì bệnh viện phải có trách nhiệm thanh toán cho bệnh nhân đúng giá đã mua, và làm thủ tục thanh toán với cơ quan BHXH theo giá thuốc đấu thầu”. "Đồng thời, cơ sở y tế phải có trách nhiệm bảo đảm về nhân lực, điều kiện chuyên môn, công khai và thông báo trước những khoản chi phí mà người bệnh phải chi trả ngoài phạm vi được hưởng khi tham gia BHYT cho người bệnh”, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn nói. Tại hội nghị, các câu hỏi của các phóng viên, biên tập viên xoay quanh một số nội dung như: tình hình nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và khả năng thu hồi nợ; việc giám định y khoa để làm thủ tục nghỉ hưu trước tuổi; phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT; lộ trình điều chỉnh tăng giá DVYT; việc khởi kiện DN nợ BHXH, BHYT ra toà của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;... cũng đã được Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cùng đại diện lãnh đạo các Vụ, đơn vị chuyên môn của BHXH Việt Nam, cũng như đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giải đáp đầy đủ, thấu đáo. Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn ghi nhận và cảm ơn sự hỗ trợ tích cực của các phóng viên, biên tập viên trong công tác tuyên truyền thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nhiệp thời gian qua. “Đặc biệt, việc phản ánh kịp thời về những bất cập trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT của các cơ quan thông tấn báo chí đã giúp BHXH Việt Nam nắm bắt thông tin và chỉ đạo để kiểm tra, xử lý kịp thời một số bất cập, hạn chế trong thẩm quyền, nhằm đảm bảo quyền lợi an sinh cho NLĐ, người dân”, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn nhấn mạnh./.
BAT
Chi tiết >>
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
BHXH tỉnh Phú Thọ: Tăng cường các giải pháp thực hiện công ...
Tiếp nhận và bổ nhiệm Phó Chánh Văn phòng Hội đồng quản lý ...
(Video) BHXH Việt Nam chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao năng lực ...
Quy định mới trong quản lý hoạt động khoa học và công nghệ ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?