Ủy ban Xã hội thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế

27/09/2024 01:56 PM


Sáng 27/9, tại trụ sở các cơ quan của Quốc hội, tiếp tục Chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 13, Ủy ban Xã hội thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì Phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, sau 15 năm triển khai thi hành, Luật Bảo hiểm y tế đã thực sự đi vào cuộc sống với 93,3 triệu người tương ứng 93,35% dân số tham gia bảo hiểm y tế, khẳng định tính đúng đắn, tính phù hợp của chính sách bảo hiểm y tế theo nguyên tắc chia sẻ rủi ro, là cơ chế bảo đảm nguồn tài chính cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh những vướng mắc, bất cập, hạn chế cần được điều chỉnh đã được nêu rõ trong Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Luật về các nội dung: Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế; đa dạng hóa các gói bảo hiểm tế và quy định liên kết với bảo hiểm y tế thương mại; đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, thông tuyến, chuyển tuyến; hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; giám định bảo hiểm y tế; quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế.

Bên cạnh đó, thực tiễn cho thấy còn nhiều bất cập trong quy định của luật hiện hành liên quan đến trách nhiệm các bên liên quan thực hiện chính sách bảo hiểm y tế; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bảo hiểm y tế; chưa có cơ chế giải quyết tranh chấp, vướng mắc về bảo hiểm y tế, các chế tài còn thiếu hoặc chưa đủ mạnh để bảo đảm tính tuân thủ và hiệu lực thực thi pháp luật; một số khái niệm và thuật ngữ chưa có hoặc chưa rõ nghĩa trong Luật Bảo hiểm y tế…

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn trình bày Tờ trình

Đại diện cơ quan soạn thảo nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế là cần thiết để giải quyết các vướng mắc, bất cập phát sinh có tính cấp bách, có đầy đủ thông tin, dữ liệu, đạt sự đồng thuận cao nhằm thực hiện tốt chính sách, pháp Luật Bảo hiểm y tế, tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế; bảo đảm thống nhất với Luật khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 và các luật, các quy định có liên quan để kịp thời có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Cụ thể, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế lần này hướng đến bảo đảm người dân được tham gia bảo hiểm y tế theo nhóm đối tượng phù hợp; bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe, yêu cầu chuyên môn, cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám chữa bệnh và khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế; tạo thuận lợi cho việc cung ứng, sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở, quan tâm đến chăm sóc sức khỏe ban đầu, góp phần quản lý toàn diện sức khỏe người dân; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu tán thành với Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, các nội dung chính sách trong đề nghị xây dựng Luật cơ bản phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp. Nhấn mạnh một số nội dung đề xuất sửa đổi có tác động trực tiếp tới người dân, doanh nghiệp, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và việc cân đối quỹ bảo hiểm y tế, ngân sách nhà nước. Vì vậy, các đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về cơ chế bảo đảm quyền lợi của người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế; cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá nhiều chiều khi mở rộng phạm vi được hưởng, đối tượng tham gia bảo hiểm y tế trong mối tương quan với khả năng cân đối quỹ bảo hiểm y tế và bảo đảm tính xã hội, chia sẻ rủi ro của bảo hiểm y tế.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội phát biểu

Quan tâm đến vấn đề xác định phạm vi, thẩm quyền trách nhiệm trong lĩnh vực bảo hiểm y tế, đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội đề nghị sửa đổi theo hướng đội ngũ y tế có trách nhiệm đánh giá, chỉ định điều trị, bảo hiểm y tế có trách nhiệm kiểm soát chi, để đảm bảo phù hợp với năng lực thực tiễn. Theo đại biểu, đánh giá, kiểm soát, chỉ định điều trị là quá trình thường xuyên xảy ra trong quá trình khám, chữa bệnh, từ khi kê đơn, lựa chọn phác đồ điều trị. Sau đó đến khâu kiểm soát chi thì thể hiện rõ vai trò của bảo hiểm y tế. Quy định hợp lý về vấn đề này sẽ giải quyết được một trong những vấn đề khúc mắc nhất đối với Luật Bảo hiểm y tế hiện tại.

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh bày tỏ đồng tình cao với mục đích sửa đổi luật, tuy nhiên, đại biểu nhận định, những sửa đổi về nội dung, điều khoản cụ thể trong dự thảo chưa đảm bảo thực hiện được các mục đích đã đề ra. Đại biểu cho rằng cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn nữa để sửa đổi một cách có thực chất, đi đến cùng các vấn đề cốt lõi, tháo gỡ được những bất cập về mức đóng, mức hưởng bảo hiểm y tế, cân đối quỹ, khám chữa bệnh ban đầu, cơ chế dịch vụ thanh toán bảo hiểm y tế, bảo vệ tốt hơn nữa quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu

Ngoài ra, các các ý kiến phát biểu cũng đề cập tới một số nội dung như: Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế; phương thức đóng bảo hiểm y tế; phạm vi hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế; mức hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế; chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; thanh, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế…

Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Xã hội sẽ thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về việc quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2023; cho ý kiến tham gia thẩm tra Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 thuộc lĩnh vực Bộ Y tế phụ trách.

Phạm Chính