Bảo hiểm thất nghiệp phải giúp kết nối cung - cầu lao động
22/12/2024 08:45 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Việc Chính phủ đề xuất linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ kịp thời người lao động khi thiên tai, dịch bệnh theo các chuyên gia là phù hợp với thị trường lao động hiện nay.
“Nếu hoạt động của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp mà không giúp người lao động (NLĐ) quay trở lại thị trường, NLĐ cứ ngồi nhà chờ lĩnh trợ cấp thì coi như quỹ thất bại. Mục tiêu của Quỹ là cung - cầu lao động được kết nối”, Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình nhấn mạnh.
Luật Việc làm hiện hành quy định mức đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho NLĐ là 1% và chủ sử dụng lao động là 1%. Tuy nhiên, việc chốt cố định mức đóng hiện nay gây khó khăn cho cả NLĐ và chủ sử dụng lao động, nhất là khi có những cú sốc như đại dịch, thiên tai, suy thoái kinh tế, khủng hoảng thị trường…
Tư vấn việc làm cho lao động thất nghiệp.
Trên thực tế, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 03/2021, Nghị quyết số 24/2022 nhằm hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng từ Quỹ BHTN.
Trong đó, quỹ đã hỗ trợ 346.664 đơn vị với trên 11,98 triệu lao động giảm đóng BHTN khoảng 9.211 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 12,96 triệu lao động với số tiền hơn 30.802 tỷ đồng. Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết số 24/2022, Quỹ BHTN đã hỗ trợ đối với 365.215 người với số tiền hơn 1.034 tỷ đồng.
Vì vậy, thay vì cố định mức đóng BHTN như luật hiện hành, trong tờ trình gửi Chính phủ về việc sửa Luật Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sửa theo hướng quy định linh hoạt mức đóng BHTN.
Cụ thể, đề xuất NLĐ đóng tối đa 1% tiền lương hàng tháng và chủ sử dụng lao động đóng tối đa 1% quỹ tiền lương tháng của những người đóng BHTN, Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng BHTN cho NLĐ tham gia BHTN.
Lý giải về đề xuất trên, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, Quỹ BHTN hiện kết dư lớn. Trong khi đó, luật quy định đóng cứng nhắc, chưa tính tới yếu tố tác động của thiên tai, dịch bệnh.
Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất bổ sung đối tượng tham gia BHTN là người có hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng trở lên (thay vì đủ 3 tháng như hiện nay) vì đây là nhóm có nguy cơ mất việc cao, tham gia BHXH bắt buộc nhằm bao phủ các nhóm đối tượng.
Theo các chuyên gia về lao động, đề xuất linh động mức đóng BHTN theo từng bối cảnh kinh tế (chẳng hạn có thể chỉ đóng 0,5% - do Chính phủ linh hoạt ban hành) là cần thiết để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, trong khi Quỹ BHTN có số kết dư quá nhiều.
Theo Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHTN cho biết kết dư Quỹ BHTN đến cuối năm 2022 ước đạt 59.300 tỷ đồng, năm 2023 tăng lên hơn 62.400 tỷ đồng.
Chia sẻ về định hướng sửa đổi chính sách BHTN khi sửa Luật Việc làm, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, mục tiêu của Quỹ BHTN là hỗ trợ NLĐ quay trở lại thị trường lao động nhanh nhất. Quỹ này sẽ như một giá đỡ quản trị cho thị trường lao động. Đây là nguyên tắc hàng đầu.
“Nếu hoạt động của Quỹ BHTN mà không giúp NLĐ quay trở lại thị trường, NLĐ cứ ngồi nhà chờ lĩnh trợ cấp thì coi như quỹ thất bại. Mục tiêu của Quỹ là cung- cầu lao động được kết nối”, ông Bình nhấn mạnh.
Chính vì thế, trong Luật Việc làm (sửa đổi), Quỹ tiếp tục kế thừa quy định hiện hành, song thiết kế linh hoạt các chế độ hơn. Có chế độ để giúp NLĐ đảm bảo đời sống, an sinh xã hội trong thời gian thất nghiệp.
Cùng với đó, về chế độ đào tạo, luật dự kiến mở rộng phạm vi hỗ trợ cho cả doanh nghiệp và NLĐ với nhiều chiến lược bài bản hơn.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, qua thời gian thực hiện, chính sách BHTN đã giúp NLĐ duy trì được cuộc sống khi bị mất việc làm; giúp người sử dụng lao động không bị áp lực về tài chính vì không phải chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc làm cho người lao động và giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.
Đến nay, số người tham gia BHTN tăng qua các năm, bình quân hàng năm tăng 14,3%. Cụ thể, chính sách BHTN bao phủ khoảng 31,6% lực lượng lao động tính tới cuối năm 2023. Lao động tham gia tăng bình quân 6% mỗi năm giúp nguồn thu của quỹ tăng lên.
Giai đoạn 2015 - 2023, bình quân mỗi năm có 826.000 người nhận trợ cấp thất nghiệp, cao nhất là năm 2020 có trên 1 triệu người. Bình quân mỗi năm chi trợ cấp thất nghiệp khoảng 10.000 tỷ đồng. Đến hết tháng 3/2024, hơn 7,4 triệu người được hưởng trợ cấp thất nghiệp và khoảng 1,68 triệu lượt người được giới thiệu việc làm.
Tuy nhiên, số lao động chọn học nghề rất thấp, chỉ hơn 261.600 người và có xu hướng giảm dần trong mấy năm qua. Chế độ hỗ trợ học nghề theo quy định của Luật Việc làm hiện hành mới chỉ tập trung giải quyết được nhu cầu học nghề cho người thất nghiệp mà chưa có giải pháp hỗ trợ cho NLĐ được đào tạo, phát triển kỹ năng nghề hoặc nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho NLĐ.
Bên cạnh đó, mức hỗ trợ học nghề còn tương đối thấp, chỉ hỗ trợ học phí học nghề, chưa có các hỗ trợ khác trong thời gian học nghề dẫn đến khó khăn trong việc tham gia học nghề nhất là với những người bị mất việc làm nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Theo Báo Lao động và Xã hội số 153