Đại dịch Covid-19 tác động đến sức khỏe tâm thần trẻ em và kéo dài trong nhiều năm
29/12/2021 04:22 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) cảnh báo, đại dịch Covid-19 có thể sẽ tác động đến sức khỏe tâm thần và thể chất của trẻ em và thanh thiếu niên trong nhiều năm tới.
Theo đó, đại dịch Covid-19 đã gây ra những lo ngại đáng kể đối với sức khỏe tâm thần của cả một thế hệ trẻ em và thanh thiếu niên, cũng như các bậc cha mẹ và người chăm sóc. Nhưng đại dịch có thể chỉ cho thấy phần nổi của tảng băng chìm về sức khỏe tâm thần- vấn đề mà họ cho rằng đã không được chú ý trong một thời gian quá dài.
Những can thiệp trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục và bảo trợ xã hội đã đươc chứng minh là có hiệu quả như các chương trình làm cha mẹ và các chương trình trong nhà trường. Đồng thời, kêu gọi xã hội phá vỡ sự im lặng xung quanh vấn đề sức khỏe tâm thần bằng cách xóa bỏ kỳ thị, tăng cường hiểu biết và xem xét nghiêm túc những trải nghiệm của trẻ em và thanh niên...
Theo ước tính, cứ 7 em thì có hơn 1 trẻ vị thành niên từ 10-19 tuổi trên toàn cầu đã bị chẩn đoán mắc rối loạn tâm thần. Mỗi năm có gần 46.000 trẻ vị thành niên tử vong do tự tử, khiến điều này trở thành một trong 5 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nhóm tuổi này. Trong khi đó, giữa nhu cầu về sức khỏe tâm thần và kinh phí hỗ trợ sức khỏe tâm thần vẫn còn tồn tại khoảng cách lớn (khoảng 2% ngân sách cho y tế được phân bổ chi tiêu cho sức khỏe tâm thần trên toàn cầu).
Giám đốc điều hành UNICEF Henrietta Fore chia sẻ: 18 tháng qua là khoảng thời gian dài đằng đẵng đối với tất cả chúng ta, đặc biệt là trẻ em. Những đợt phong tỏa toàn quốc và việc hạn chế di chuyển liên quan đến đại dịch đã khiến các em phải trải qua những năm tháng cuộc đời khó quên khi phải rời xa gia đình, bạn bè, trường lớp, việc vui chơi- những yếu tố then chốt của tuổi thơ.
Đại dịch đã gây ra tác động đáng kể, song đó mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Từ trước khi đại dịch bùng phát, đã có quá nhiều trẻ em phải gánh chịu những vấn đề sức khỏe tâm thần chưa được giải quyết. Đầu tư của các chính phủ vào việc đáp ứng những nhu cầu cấp thiết này còn quá hạn chế. Mối liên hệ giữa sức khỏe tâm thần và kết quả cuộc sống trong tương lai chưa được quan tâm đúng mức.
Covid-19 đã chuẩn bị bước sang năm thứ ba và đại dịch này đang tiếp tục tác động nặng nề lên sức khỏe tâm thần cũng như điều kiện sống của trẻ em và thanh thiếu niên. Theo dữ liệu mới nhất từ UNICEF, cứ 7 em thì có ít nhất 1 em bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các đợt phong tỏa. Hơn 1,6 tỷ trẻ em phải hứng chịu những thiệt hại nhất định trong sinh hoạt, giáo dục, giải trí cũng như trăn trở về thu nhập gia đình và sức khỏe đang khiến nhiều người trẻ rơi vào cảnh lo sợ, tức giận và băn khoăn về tương lai.
Những rối loạn tâm thần được chẩn đoán bao gồm: Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), lo âu, tự kỷ, rối loạn lưỡng cực, rối loạn cư xử, trầm cảm, rối loạn ăn uống, khuyết tật trí tuệ và tâm thần phân liệt... có thể gây tổn hại đáng kể đến sức khỏe, việc học tập, kết quả cuộc sống và năng lực tạo ra thu nhập sau này của trẻ em và thanh thiếu niên.
Báo cáo của UNICEF cũng ghi nhận rằng, những yếu tố bảo vệ như người chăm sóc giàu tình yêu thương, môi trường nhà trường an toàn và các mối quan hệ bạn bè đồng trang lứa tích cực có thể giúp giảm thiểu nguy cơ rối loạn tâm thần ở trẻ em. Tuy nhiên, quá nhiều trẻ em đang bị ngăn trở bởi những rào cản lớn như sự kỳ thị và tình trạng thiếu hụt kinh phí trong việc đạt được sức khỏe tâm thần tích cực hoặc tiếp cận sự hỗ trợ cần thiết.
Do đó, UNICEF kêu gọi các Chính phủ, đối tác trong khu vực công và tư nhân cam kết, trao đổi và hành động nhằm nâng cao sức khỏe tâm thần cho tất cả trẻ em và người chăm sóc trẻ. Đồng thời, tích hợp và nhân rộng các can thiệp dựa trên bằng chứng trong lĩnh vực y tế, giáo dục và bảo trợ xã hội, nhằm đáp ứng và hỗ trợ sức khỏe tâm thần của cha mẹ và người chăm sóc; đảm bảo các trường học hỗ trợ sức khỏe tâm thần thông qua các dịch vụ chất lượng và những mối quan hệ tích cực.
PV