Thủ tướng yêu cầu triển khai các giải pháp hạn chế tối đa số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, ca chuyển nặng và tử vong
17/12/2021 09:48 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 16/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố để bàn các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả, tiếp tục phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau khi số ca mắc trong cộng đồng vẫn tăng trong những ngày qua.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tình hình dịch COVID-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, nhất là với chủng Omicron có tốc độ gây lây lan nhanh, độc lực chưa được xác định, nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam cao. Trong khi trong nước số ca mắc COVID-19, nhất là ca mắc trong cộng đồng, vẫn tăng; năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở vẫn chưa có nhiều chuyển biến...
Do đó, mặc dù Ban Chỉ đạo mới họp với 63 địa phương cách đây không lâu, song Thủ tướng vẫn tổ chức cuộc họp này nhằm tìm nguyên nhân, biện pháp cụ thể, thực chất, quyết liệt xử lý, ngăn chặn lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng; đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine cho cả đối tượng từ 18 tuổi trở lên và 12 đến 17 tuổi; bàn về thuốc điều trị COVID-19; bàn về việc tăng cường sức mạnh của y tế cơ sở, y tế dự phòng... nhằm tiếp tục thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19, khôi phục, phát triển kinh tế, xã hội.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương thẳng thắn nêu những khó khăn, vướng mắc, mạnh dạn đề xuất, kiến nghị các vấn đề liên quan phòng, chống dịch để bàn giải pháp xử lý, kể cả về vaccine, thuốc điều trị, vật tư, nhân lực y tế hoặc giải quyết những vướng mắc, lúng túng trong chỉ đạo, triển khai... Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương kiểm kê tổng chi cho công tác phòng, chống dịch, tổng hợp sự hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch, trên cơ sở đó có tính toán để dự trù nguồn lực cho năm 2022...
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tình hình và diễn biến dịch COVID-19. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ ngày 9 đến ngày 15/12 cả nước ghi nhận thêm 106.918 ca mắc mới (64.723 ca cộng đồng, chiếm 60,5% số mắc mới). Trong đó, khu vực miền Nam ghi nhận 71,2% ca mắc mới trong cộng đồng; miền Bắc 12%; miền Trung 15,6% và Tây Nguyên 1,1%. So với tuần trước, số mắc trong cộng đồng tăng 15,1%, số ca khỏi bệnh tăng 66,5%, số bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện tăng 8,3%, số ca nặng, nguy kịch tăng 16,2%...
Bộ Y tế nhận định, đến nay tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, số ca mắc cộng đồng tiếp tục có xu hướng gia tăng do các hoạt động xã hội trở lại bình thường, người dân giao lưu đi lại bình thường; mầm bệnh đã lưu hành trong cộng đồng; biến chủng Delta với tốc độ lây lan nhanh; có tâm lý chủ quan trong người dân, không thực hiện quy định 5K về phòng, chống dịch...
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã thảo luận, phân tích, cơ bản nhất trí với nhận định về tình hình và nguyên nhân khiến số ca mắc cộng đồng tiếp tục tăng, trong đó nhấn mạnh nguy cơ dịch lây lan mạnh nếu biến chủng virus Omicron xâm nhập và vào dịp nghỉ lễ sắp tới.
Lãnh đạo các địa phương cũng phản ánh về tình trạng một số người dân chưa tự giác tiêm chủng, trong khi một số người đã tiêm vaccine lại chủ quan cho rằng có vaccine thì không bị lây nhiễm nên không thực hiện Thông điệp 5K; công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch tại một số địa phương lỏng hơn so với trước; còn lúng túng khi có nhiều ca mắc trong cộng đồng nên chậm xử lý dứt điểm; năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa đáp ứng yêu cầu...
Lãnh đạo các tỉnh, thành phố đề xuất tiếp tục bổ sung vaccine, thuốc điều trị cho các địa phương; xem xét, sẵn sàng lực lượng hỗ trợ cho những địa phương có nhiều ca mắc trong cộng đồng và phải chuyển lên tuyến trên; đề nghị hướng dẫn thêm, điều chỉnh một số nội dung tại Quyết định 4800 của Bộ Y tế...
Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận cuộc họp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Tăng cường năng lực của y tế cơ sở
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội theo Nghị quyết 128/NQ-CP cần tiếp tục được thực hiện; việc phòng, chống dịch phải theo 3 trụ cột chính (cách ly, xét nghiệm, điều trị) và công thức “5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác”. Tuy nhiên, việc áp dụng cần linh hoạt, sáng tạo theo diễn biến tình hình dịch bệnh.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, mục tiêu cần nhất hiện nay là phải hạn chế tối đa số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, ca chuyển nặng và tử vong. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các biện pháp phòng, chống dịch cần được thực hiện như hướng dẫn; chống dịch bệnh xâm nhập, lây lan, nhất là tại địa bàn tập trung đông khu công nghiệp, các đô thị lớn; rà soát, xem xét lại cách chỉ đạo, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định.
Để giảm các ca mắc COVID-19 chuyển nặng thì phải tăng cường năng lực của y tế cơ sở để người bệnh được tiếp cận từ sớm, từ xa; kết hợp với công tác xét nghiệm tầm soát; không để xảy ra tình trạng người dân phải gọi điện nhiều lần mới tiếp cận được y tế; đảm bảo đủ dinh dưỡng, thuốc điều trị, động viên tinh thần, kết hợp đông - tây y để chữa trị cho người bệnh.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, trong phòng chống dịch nói chung, vấn đề vaccine là cốt lõi. Do đó, phải thần tốc tiêm vaccine cho người dân, phấn đấu đến ngày 31/12/2021 hoàn thành tiêm 2 mũi vaccine cho người dân từ 18 tuổi trở lên; đến hết tháng 1/2022 tiêm đủ 2 mũi cho người từ 12 đến 18 tuổi.
Thủ tướng giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm cung ứng đủ vaccine và vật tư, hướng dẫn cụ thể cho các địa phương tổ chức tiêm; các địa phương “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, tổ chức các tổ lưu động tiêm vaccine cho người dân; tuyên truyền, hướng dẫn và có quy định, chế tài đối với những người cố tình không tiêm vaccine. Nếu thiếu vaccine thì Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm; nếu không hoàn thành mục tiêu tiêm vaccine cho người dân thì lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm. Riêng việc tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên thì tiếp tục phải xin ý kiến của cấp có thẩm quyền xem xét.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để thúc đẩy sản xuất, cung ứng thuốc điều trị COVID-19
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để thúc đẩy sản xuất, cung ứng thuốc điều trị COVID-19, tổng hợp dự báo nhu cầu và khả năng đáp ứng thuốc điều trị COVID-19 để tránh bị động; tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ sản xuất vaccine trong nước; tăng cường tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế cơ sở; nghiên cứu, có đề xuất cơ chế, chế độ chính sách cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng; điều động, bổ sung nhân lực cho các địa bàn đang có dịch; tiếp tục huy động cán bộ y tế đã về hưu, y tế ngoài công lập vào phòng, chống dịch.
Các địa phương có nhiều ca nhiễm và ca chuyển nặng phải thành lập các trạm xá lưu động để thu dung, điều trị kịp thời. Những địa phương có dịch diễn biến phức tạp, quá năng lực đáp ứng thì phải khẩn trương báo cáo Trung ương để được chi viện, hỗ trợ kịp thời.
Thủ tướng giao Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu tổ chức thí điểm mở cửa trở lại các đường bay quốc tế để đáp ứng nhu cầu giao thương, đi lại của kiều bào tại các nước, chuyên gia, doanh nhân, lao động, khách du lịch... đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Các địa phương phải làm việc với các doanh nghiệp để đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả, tạo điều kiện duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh; tiếp tục đảm bảo an sinh, xã hội; tuyên truyền để nhân dân hiểu và tích cực tham gia phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe cho mình, cho gia đình mình, cộng đồng, vì lợi ích quốc gia dân tộc.
Thủ tướng nhấn mạnh, có chống dịch hiệu quả thì mới có điều kiện phát triển kinh tế, xã hội; và có phát triển kinh tế, xã hội mới có nguồn lực để phòng, chống dịch. Đây là hai vấn đề có quan hệ hữu cơ, mật thiết với nhau. Trong quá trình thực hiện, các địa phương cần hỗ trợ gì, khó khăn, vướng mắc gì thì mạnh dạn báo cáo lên Chính phủ để xem xét, giải quyết kịp thời.
PV (Theo TTXVN)