Thích ứng linh hoạt với quá trình già hóa dân số: Biến những thách thức thành cơ hội
17/11/2021 02:14 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Vấn đề già hóa dân số của Việt Nam là một xu hướng tất yếu trong tiến trình phát triển của xã hội. Tuy nhiên, làm thế nào để chúng ta có thể thích ứng linh hoạt với dân số già cả về nhận thức lẫn hành động để có thể biến những thách thức thành cơ hội trong tương lai.
Chia sẻ tại Diễn đàn Cơ hội Phát triển ngành dịch vụ kinh doanh dành cho người cao tuổi (NCT) tại Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam tổ chức ngày 11/11, ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch VCCI, Giám đốc VCCI TP.HCM khẳng định: Thị trường dịch vụ dành cho NCT của Việt Nam rất lớn và nhiều tiềm năng nhưng đang bị bỏ ngỏ, sự phát triển của các ngành dịch vụ dành cho NCT hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng và đa dạng của NCT.
Diễn đàn này nằm trong chuỗi các hoạt động của Dự án Giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với các nhóm dân cư dễ bị tổn thương - Đảm bảo tiến độ của quốc gia trong việc đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam, do Chính phủ Nhật Bản tài trợ; nhằm thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân trong việc phát triển ngành dịch vụ kinh doanh dành cho NCT tại Việt Nam.
Toàn cảnh cuộc họp
Việt Nam đang sở hữu một cơ cấu dân số vàng với trên 62 triệu người trong độ tuổi lao động. Đây là một trong những thế mạnh và hấp dẫn của Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, cũng như thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đồng thời đang bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, với tỷ lệ NCT tăng nhanh liên tục. Đặc biệt, “đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi quan điểm của nhiều người, đặc biệt là NCT và gia đình của họ về phương thức chăm sóc NCT đã tồn tại lâu dài trong văn hóa của người Việt Nam. Chính vì thế, các dịch vụ dành riêng cho NCT ngày càng được quan tâm và chú ý, đồng thời nhu cầu đối với mảng dịch vụ này đang có chiều hướng ra tăng", ông Thành phân tích.
Đồng quan điểm, bà Naomi Kitahara- Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nhấn mạnh: “Tất cả mọi người thuộc mọi lứa tuổi đều có thể bị lây nhiễm COVID-19, tuy nhiên NCT và những người có bệnh lý nền sẽ có nguy cơ gặp nhiều biến chứng nghiêm trọng và có tỉ lệ tử vong cao hơn. Đồng thời, tốc độ già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng ở Việt Nam và đất nước sẽ chuyển đổi từ xã hội “già hóa” sang xã hội có “dân số già” vào năm 2036. Mặc dù điều này có ý nghĩa về nhu cầu được chăm sóc và hỗ trợ đối với NCT, nhưng đồng thời có thể là cơ hội kinh doanh cho ngành dịch vụ chăm sóc sức khỏe”.
Hình minh hoạ (nguồn: Internet)
Ông Daisuke Okabe - Công sứ, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cũng chia sẻ: Nhật Bản có chung xu hướng già hóa dân số và mức sinh thấp. Trong vài thập kỷ qua, ngành dịch vụ chăm sóc sức khỏe dành cho người cao tuổi ở Nhật Bản đã thu hút được sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp tư nhân, trong đó có những doanh nghiệp rất độc đáo và sáng tạo. Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ UNFPA và VCCI Việt Nam tạo ra diễn đàn để các DN tham gia đối thoại với các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt là về các chính sách quốc gia liên quan đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe NCT...
Báo cáo Nghiên cứu thị trường các sản phẩm, dịch vụ chăm sóc NCT ở Việt Nam do VCCI và UNFPA thực hiện với sự tài trợ của Chính phủ Nhật Bản chỉ ra rằng: Việt Nam đang đứng trước những thách thức to lớn của quá trình già hóa dân số nhanh chóng. Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, đến năm 2038, nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên khoảng hơn 21 triệu người, chiếm 20% tổng dân số, nghĩa là trong năm người sẽ có một NCT. Đến năm 2039, dự báo số lượng NCT ở Việt Nam sẽ vượt quá số lượng trẻ em. Bên cạnh đó, dân số trong độ tuổi lao động bắt đầu giảm và sự biến động này sẽ có tác động xấu đến phát triển kinh tế. Nếu tính riêng trong một số phân nhóm dân số: 7,7 triệu NCT sống ở khu vực nông thôn (chiếm 67,16%%)1 dù có dấu hiệu theo xu hướng giảm, tỷ lệ NCT thuộc hộ nghèo khoảng 25% (năm 2016), tỷ lệ NCT thuộc hộ nghèo đa chiều chiếm 23,2% (năm 2017), và năm 2019, tỷ lệ NCT sống trong các hộ nghèo là 7,4%. Tỷ lệ NCT sống trong hộ nghèo cao gần gấp đôi mức trung bình của cả nước năm 2020 đặt ra câu hỏi: "Liệu việc chăm sóc cho NCT có phải đã trở thành một gánh nặng chi phí, góp phần làm tăng tình trạng nghèo của hộ gia đình có NCT?". Ở phạm vi rộng, từ kinh nghiệm của quốc tế, việc chăm sóc đầy đủ, toàn diện cho NCT chính là động lực, nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững.
Nguyên nhân dẫn tới sự thiếu hụt dịch vụ cho NCT tại Việt Nam được nhóm nghiên cứu chỉ ra, đó là sự chưa hoàn thiện về cơ sở hạ tầng và chính sách khuyến khích sự tham gia của DN; sự hạn chế nguồn lực về tài chính, con người, công nghệ; sự thiếu vắng mô hình dịch vụ hiệu quả, phù hợp với văn hóa của người Việt Nam; chiến lược truyền thông thay đổi thói quen tiêu dùng của NCT chưa hiệu quả.
Có thể nói, "nhu cầu cho thị trường dịch vụ cho NCT rất triển vọng với 20 triệu khách hàng tiềm năng vào năm 2035 ngay tại Việt Nam. Đây chính là những nguồn lực quan trọng góp phần phát triển đất nước bởi đây chính là một nguồn lực lao động vô cùng quý giá với nhiều kinh nghiệm, đồng thời là lực lượng tiêu dùng rất lớn, tạo động lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển", bà Bùi Thị Ninh- Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động VCCI chi nhánh TP.HCM đại diện nhóm nghiên cứu nhấn mạnh. Báo cáo khuyến nghị, để phát triển dịch vụ cho NCT, phương thức tổ chức và vận hành cần có sự tham gia của nhiều bên, cân đối chức năng và năng lực của từng bên trong từng loại hình dịch vụ. Nhà nước cần đảm bảo đầu mối về chuyên môn, về chiến lược và định hướng, về cơ sở hạ tầng khung- gồm cả phần cứng như các công trình cơ bản, hệ thống bảo trợ cho những đối tượng cần trợ giúp xã hội và các khung, định mức đầu tư cho các cơ sở và các dịch vụ. Thực hiện chức năng giám sát chuyên môn. Từ phía khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội nghề nghiệp cũng có những vai trò rất quan trọng để hỗ trợ thúc đẩy phát triển các dịch vụ.
PV