Phổ biến pháp luật về chuyển đổi số và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm
08/10/2021 11:21 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 08/10/2021, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến phổ biến pháp luật về chuyển đổi số và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có: đại diện Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam. Tham dự tại điểm cầu địa phương có lãnh đạo BHXH các tỉnh, thành phố; đại diện các phòng chức năng và BHXH quận, huyện.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu khai mạc, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, những năm trở lại đây, chuyển đổi số được Đảng, Chính phủ hết sức quan tâm. Ngày 15/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trước đó, ngày 31/3/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 43/2021/NĐ-CP quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm. Theo đó, Cơ sở quốc gia về bảo hiểm là cơ sở dữ liệu của Chính phủ được xây dựng thống nhất trên toàn quốc, dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân; lưu trữ thông tin về BHXH, BHYT, BHTN và thông tin y tế, an sinh xã hội được cơ quan có thẩm quyền ghi nhận và đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ về bảo hiểm của công dân; nhằm cung cấp chính xác, kịp thời thông tin về bảo hiểm phục vụ công tác quản lý Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và yêu cầu chính đáng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đây là yếu tố quan trọng cùng với những thành tựu về ứng dụng CNTT của Ngành thời gian qua là nền tảng quan trọng, vững chắc cho việc chuyển đổi số của Ngành, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử.
Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn nhấn mạnh, việc tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn Ngành phổ biến pháp luật về chuyển đổi số và xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm là một trong các nhiệm vụ chính của Kế hoạch triển khai Nghị định số 43/2021/NĐ-CP và Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2020 của Ngành BHXH Việt Nam. “Hội nghị nhằm giúp các đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành quán triệt sâu sắc và nhận thức rõ ràng, đầy đủ hơn nữa về “nội hàm” của công tác chuyển đổi số, của Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm trong đó có mục đích, yêu cầu, ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng, nội dung, khuyến nghị về cách thức thực hiện của BHXH Việt Nam trong tình hình mới”- Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn nói.
Các diễn giả tại Hội nghị
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Phú Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tin học hoá, Bộ Thông tin và truyền thông đã phổ biến nội dung cơ bản của chuyển đổi số và Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 942/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, chuyển đổi số là một quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số. Quá trình này có thể kéo dài trong nhiều năm, nhiều thập kỷ.
Tại Việt Nam, ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp. Thủ tướng xác định chuyển đổi số theo các trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số với nền móng chuyển đổi số gồm: Chuyển đổi nhận thức; phát triển hạ tầng số; tạo lập niềm tin, bảo đảm an toàn an ninh mạng; kiến tạo thể chế; phát triển nền tảng số; hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số. Người đứng đầu các cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số.
Toàn cảnh điểm cầu Trung ương
Ông Tiến cũng trình bày về chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là nội dung được làm sâu sắc hơn trong 3 trụ cột của chuyển đổi số bởi mang tính dẫn dắt cho kinh tế số, xã hội số. Đại diện Cục tin học hoá đã nêu một số hiện trạng chính phủ điện tử tại Việt Nam; làm rõ nội hàm khái niệm Chính phủ số và mục tiêu đến năm 2025.
Ông Tiến nhận định, xây dựng chính phủ số yếu tố quan trọng nhất là cơ sở dữ liệu, đứng đầu là cơ sở dữ liệu quốc gia, sau đó là cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương. Về phía ngành BHXH Việt Nam, ông Tiến đánh giá, thời gian qua, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm đã đóng góp tích cực trong xây dựng chính phủ điện tử. Với cơ sở dữ liệu này cùng với việc gần 100% dịch vụ công đã được triển khai ở mức độ 4, ngành BHXH Việt Nam có điều kiện thuận lợi để chuyển đổi số. Ông Tiến lưu ý, chuyển đổi số là một quá trình tổng thể, lâu dài nên tất cả các bộ phận của Ngành cần chuyển đổi một cách đồng bộ, quyết liệt với nội lực, phù hợp theo quy luật phát triển của Ngành.
Với vai trò quan trọng trong chuyển đổi số, tại Hội nghị, đại diện các bộ ngành đã chia sẻ, trao đổi về việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia và của Ngành gồm: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm. Đây là 2 trong 6 cơ sở dữ liệu quốc gia được Chính phủ phê duyệt và được kết nối, chia sẻ phục vụ xác thực thông tin công dân, giải quyết thủ tục hành chính.
Một số điểm cầu địa phương
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm về việc liên thông, kết nối dữ liệu giữa các bộ, ngành như việc liên thông thủ tục hành chính về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho em dưới 6 tuổi; chia sẻ các nội dung liên quan đến thông tin cơ bản về y tế… Các đại biểu nhận định, trong lĩnh vực này, vai trò của Bộ Thông tin và truyền thông là rất quan trọng trong việc hướng dẫn, hỗ trợ, tạo trục liên thông, chia sẻ các nguồn dữ liệu để phát huy hiệu quả cao hơn nữa, phục vụ người dân và công tác chuyển đổi số của quốc gia.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn nhận định, thông qua các nội dung được trình bày giúp BHXH Việt Nam hiểu rõ hơn về chuyển đổi số, Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, từ đó định hướng rõ hơn về trách nhiệm, nhiệm vụ của Ngành trong việc tham gia vào chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030 cũng như xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm.
Phó Tổng Giám đốc Sơn yêu cầu, sau Hội nghị, các đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành cần nâng cao hơn nữa quyết tâm chính trị, quán triệt sâu sắc và nhận thức rõ ràng, đẩy đủ hơn nữa về “nội hàm” của công tác chuyển đổi số, về trách nhiệm của đơn vị, bản thân đối với công tác này. “Các đơn vị cần khẩn trương xây dựng chương trình hành động cụ thể về chuyển đổi số theo mục tiêu hàng quý, hằng năm. Nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, xác định chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam là một quá trình chuyển đổi lâu dài bắt đầu từ tư duy, nhận thức đến hành động với mục tiêu phục vụ ngày càng tốt hơn người tham gia BHXH, BHTN, BHYT” - Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn chỉ đạo./.
PV