Chuyển đổi số- Động lực cho Việt Nam
23/09/2021 01:01 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Nâng cao hiệu quả hoạt động dịch vụ công (DVC) trực tuyến, phát triển Chính phủ số, phát triển đô thị thông minh và thương mại điện tử, góp phần thúc đẩy kinh tế số là mục tiêu quan trọng của Việt Nam, nhằm ổn định tình hình kinh tế- xã hội giai đoạn hậu COVID-19.
Thống kê cho thấy, đến nay, 100% bộ, ngành, địa phương, 8 tập đoàn, tổng công ty, công ty và 15 ngân hàng, trung gian thanh toán kết nối với Cổng DVC quốc gia. Số giao dịch trên Cổng là 116.000, với tổng số tiền 258 tỷ đồng cho các dịch vụ thanh toán như phí, lệ phí, BHXH, BHYT, án phí...
Tính từ tháng 12/2019 đến nay, Cổng DVC quốc gia đã cung cấp 3.096 DVC trực tuyến (1.696 DVC cho công dân, 1.688 DVC cho DN); có trên 1 triệu tài khoản đăng ký; số hồ sơ đồng bộ trạng thái là 72 triệu... Toàn quốc cũng đã có 38/63 tỉnh, thành đã và đang triển khai triển khai đề án “Đô thị thông minh”. Việt Nam hiện có hạ tầng thông tin đã cơ bản được phủ sóng 4G; khả năng tiếp cận các dịch vụ về CNTT và tỷ lệ sử dụng các thiết bị di động ở mức khá cao so với thế giới. Thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỷ USD... Trong báo cáo của Liên Hợp Quốc, năm 2020, thứ hạng phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam đã tăng 2 bậc, lên vị trí thứ 86/193 quốc gia, vùng lãnh thổ...
Có thể thấy, Việt Nam đang có những điều kiện khả quan thúc đẩy nền kinh tế số. Tháng 6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021- 2025, định hướng tới năm 2030. Đây là lần đầu tiên Việt Nam chính thức ban hành một văn bản chiến lược ở tầm quốc gia với các định hướng lớn về phát triển Chính phủ điện tử.
Theo Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng, chiến lược này đã trở thành kim chỉ Nam xuyên suốt cho tất cả các hành động của Việt Nam trong thập kỷ tới- thập kỷ được Liên Hợp Quốc đánh giá là hành động theo mục tiêu phát triển bền vững. Do đó, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số Việt Nam cũng gắn liền với việc giải quyết các vấn đề để phục vụ người dân, DN tốt hơn, hướng tới phát triển kinh tế số, xã hội số.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vẫn giữ nguyên vị trí thứ 6 về phát triển Chính phủ điện tử, khiến cho lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư, phát triển đất nước chưa thực sự bứt phá... Năm 2021, Bộ TT-TT lựa chọn mục tiêu đưa toàn bộ các DVC trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương đủ điều kiện lên mức độ 4. Tuy nhận định mục tiêu này “khá xa” so với tình hình thực tại, song Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng tin tưởng, với tư duy và cách làm mới về chuyển đổi số, đồng thời có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, chúng ta hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu về phát triển DVC trực tuyến.
PV