Vai trò của phụ nữ trong hội nhập và phát triển kinh tế luôn được đề cao

27/09/2017 02:14 PM


Bên lề “Hội nghị Đối tác chính sách về Phụ nữ và Kinh tế APEC lần thứ hai” nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế trong năm APEC 2017, Thứ trưởng Bộ LĐ -TB&XH Đào Hồng Lan đã có cuộc trả lời phỏng vấn của các cơ quan báo chí với nhiều nội dung liên quan.

Thứ trưởng Bộ LĐ -TB&XH Đào Hồng Lan trả lời phỏng vấn báo giới bên lề hội nghị.

- PV: Thưa Thứ trưởng, vì sao Việt Nam lựa chọn chủ đề của Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2017 là “Tăng cường sự hội nhập và nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong một thế giới đang thay đổi”?

- Thứ trưởng Đào Hồng Lan: Chủ đề “Tăng cường sự hội nhập và nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong một thế giới đang thay đổi” được lựa chọn trên cơ sở chủ đề chung của năm APEC 2017 (Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung). Chủ đề này cũng gắn với những ưu tiên trọng tâm được xác định tại các Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC trong những năm gần đây và phù hợp với tình hình thực tiễn cũng như xu thế phát triển trên khu vực.

Lượng lao động nữ ở 21 nền kinh tế APEC hiện nay khoảng 600 triệu người, với hơn 60% làm việc ở khu vực chính thức, đóng góp tới 89 tỉ USD hàng năm cho APEC. Do đó, các Nhà lãnh đạo APEC luôn đề cao vai trò của phụ nữ trong hội nhập và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, phụ nữ vẫn chưa được phát huy hết mọi tiềm năng để có thể đóng góp nhiều hơn. Chính vì vậy, các nền kinh tế APEC đã thống nhất đưa nội dung phát huy các tiềm năng và thúc đẩy sự tham gia kinh tế hơn nữa của phụ nữ vào chương trình nghị sự chung.

Mặt khác, kinh tế thế giới đang có triển vọng sáng sủa cho tăng trưởng và cuộc cách mạng công nghệ thông tin bùng nổ hiện nay đã đem lại nhiều cơ hội kinh doanh, lợi nhuận cho nền kinh tế khu vực. Điều này cũng sẽ đem lại cơ hội và thuận lợi cho lực lượng lao động nữ và những doanh nghiệp do nữ làm chủ - những nhân tố đang tham gia vào phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, trong thế giới đang thay đổi này vẫn còn tồn tại nhiều rào cản làm cản trở sự tham gia của phụ nữ trong việc làm, giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe và hội nhập tài chính và công nghệ số….

Do đó, chủ đề của WEF năm nay sẽ có ý đóng góp vào nỗ lực chung của APEC, góp phần tiếp tục triển khai các khuyến nghị của các Nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC về vấn đề hội nhập kinh tế, tài chính, xã hội và nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ cũng như thúc đẩy tiếp cận bình đẳng của phụ nữ với giáo dục có chất lượng và các nguồn lực kinh tế. Chủ đề cũng bao hàm các thành tố của các ưu tiên chung của năm APEC 2017 (thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm).

-  PV: Thứ trưởng có thể cho biết quy mô của Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2017 như thế nào?

- Thứ trưởng Đào Hồng Lan: Diễn đàn phụ nữ và kinh tế trong APEC năm 2017 được tổ chức với 3 sự kiện chính: Hội nghị Đối tác chính sách về phụ nữ và Kinh tế APEC lần thứ 2, ngày 26-27/9/2017 (PPWE); Đối thoại công - tư về phụ nữ và Kinh tế APEC vào ngày 28/9/2017; Đối thoại chính sách cao cấp về phụ nữ và Kinh tế, ngày 29/9/2017; và 7 sự kiện bên lề (nổi bật như: Đêm văn hóa Tịnh Yến - Quyền năng kinh tế của phụ nữ và bản sắc văn hóa; Diễn đàn Phụ nữ và Giao thông vận tải APEC, do Mỹ phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam chủ trì; Giải thưởng kinh doanh thành công trong APEC do Nga phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì…).

Tổng số đại biểu đăng ký tham dự là hơn 700 người. Thành phần là đại diện các đoàn đại biểu Chính phủ từ 19 nền kinh tế APEC và quan sát viên, các công ty, tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài khu vực APEC; các diễn giả và khách mời cao cấp của các tổ chức quốc tế (Phó Chủ tịch Ngân hàng thế giới phụ trách khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, Phó Giám đốc điều hành của UN Women, Chủ tịch Diễn đàn Phụ nữ (W20) của Nhóm các nền kinh tế lớn (G20), các Nữ tổng giám đốc và Giám đốc Điều hành một số tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam và trên thế giới.

Đặc biệt, Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2017 còn được vinh dự có sự hiện diện của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự và phát biểu tại Diễn đàn; chủ trì đối thoại là Chủ tịch Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung.

-  PV: Mong muốn của Việt Nam tại Diễn đàn này là gì, thưa Thứ trưởng?

- Thứ trưởng Đào Hồng Lan: Tại Diễn đàn lần này, Việt Nam mong muốn sẽ đạt được các nội dung quan trọng như sau:

Một là: Tuyên bố Bộ trưởng về Phụ nữ và Kinh tế sẽ được thông qua. Tuyên bố chung này sẽ đưa ra những khuyến nghị chính sách cho 21 nền kinh tế thành viên APEC về 03 nội dung ưu tiên lớn của năm 2017 với những nội dung trọng tâm là: Thúc đẩy bình đẳng giới vì tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; Nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ: Thu hẹp khoảng cách giới trong phát triển nguồn nhân lực.

Bản Tuyên bố này sau đó sẽ được trình lên các Nhà Lãnh đạo APEC tại Hội nghị thượng đỉnh vào tháng 11/2017 tại Đà Nẵng.

Hai là: Sáng kiến của Việt Nam về văn kiện “Hướng dẫn lồng ghép giới trong APEC” sẽ được các nền kinh tế nhất trí thông qua.

Ba là: Sự tham gia của đông đảo đại biểu đến từ các Chính phủ và khu vực tư nhân ở các sự kiện chính và bên lề sẽ góp phần làm cho mối quan hệ đối tác giữa khu vực công và khu vực tư nhân ngày càng khăng khít hơn. Khu vực tư nhân ngày càng có cơ hội được bày tỏ, chia sẻ về những khó khăn, thách thức, đề xuất nhu cầu, nguyện vọng lên Chính phủ. Đồng thời đây cũng là dịp để Chính phủ của các nền kinh tế APEC được lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng chung của khu vực tư nhân, cùng với khu vực tư nhân bàn cách tháo gỡ, nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ.

Bốn là: Diễn đàn cũng sẽ mang lại là cơ hội quảng bá, xúc tiến đầu tư quý báu cho Việt Nam. Đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam, góp phần quảng bá về văn hóa, con người và du lịch Việt Nam thông qua thực hiện thành công về dấu ấn tổ chức, văn hóa dân tộc, ẩm thực và du lịch.

Xin trân trọng cám ơn Thứ trưởng!

Theo Molisa