Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013: Tăng cường quyền làm chủ của Nhân dân
21/05/2025 03:46 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 là bước đi cần thiết nhằm thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Nhiều cử tri đã thể hiện sự quan tâm, kỳ vọng dự thảo Hiến pháp sửa đổi lần này sẽ giải quyết được những bất cập trong thực tiễn, tăng cường quyền làm chủ của Nhân dân và khẳng định vai trò kiến tạo phát triển của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới.
Sau hơn một thập kỷ thực thi, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định vai trò là đạo luật nền tảng, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi sâu sắc - đặc biệt là yêu cầu chuyển đổi số, cải cách hành chính và sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả - việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp đang được triển khai thận trọng, khoa học và dân chủ.
Trung tâm đoàn kết, giám sát phản biện xã hội từ cơ sở
Bày tỏ quan điểm tại một hội nghị lấy ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013, ông Nguyễn Văn Tình - cựu cán bộ hưu trí tại thành phố Thủy Nguyên, Hải Phòng cho biết: Hiến pháp năm 2013 ra đời trong giai đoạn đất nước đang đổi mới mạnh mẽ. Sau hơn 10 năm, xã hội đã thay đổi rất nhiều. Nếu không sửa Hiến pháp cho kịp thời thì khó tạo được hành lang pháp lý vững chắc cho công cuộc chuyển đổi số, cải cách hành chính và phân cấp quyền lực. Đặc biệt khi Đảng, Nhà nước ta đang chủ trương tổ chức lại chính quyền địa phương theo hai cấp. Theo ông Tình và nhiều ý kiến tại hội nghị, Hiến pháp phải đi trước, đóng vai trò dẫn dắt các cải cách quan trọng trong hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước. Việc thể chế hóa các giá trị mới như minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực và bảo đảm sự tham gia của người dân là điều cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Tại nhiều địa phương, cử tri tập trung góp ý sâu vào những nội dung cụ thể trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi, bổ sung. Một trong những vấn đề được quan tâm là vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Ông Phạm Duy Ất - Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh nêu rõ, tôi rất tán thành việc dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định rõ: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Đặc biệt khẳng định, các tổ chức chính trị - xã hội được tổ chức và hoạt động thống nhất trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; cùng với các tổ chức thành viên khác của Mặt trận hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. “Đây chính là quy định quan trọng phù hợp chủ trương sắp xếp tinh gọn bộ máy hiện nay, góp phần xây dựng Mặt trận Tổ quốc trở thành trung tâm đoàn kết và giám sát phản biện xã hội từ cơ sở” - ông Phạm Duy Ất nhấn mạnh.
Rất cần sự tham gia tích cực của Nhân dân
Góp ý về quy định sửa đổi các đơn vị hành chính tại khoản 1 Điều 110 dự thảo Hiến pháp sửa đổi, bổ sung. Theo dự thảo, việc sử dụng cụm từ “đơn vị hành chính dưới tỉnh” chưa cụ thể. Anh Trần Văn Hùng - một cán bộ trẻ làm việc tại cơ sở vùng ven đô TP. Hồ Chí Minh cho rằng, “nên ghi rõ trong dự thảo “đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” là xã, phường, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt… không nên dùng cụm từ “đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” vì khi đã không tổ chức “cấp huyện” thì rõ ràng chỉ còn lại xã, phường, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Điều này giúp người dân dễ hiểu.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng đề xuất cần tiếp tục giữ quyền chất vấn của đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh đối với Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân và Chánh án Tòa án Nhân dân cùng cấp; riêng ở cấp xã, nên xem xét bổ sung đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã có quyền chất vấn Chánh án Tòa án Nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân khu vực đóng trên địa bàn. Đối với khoản 3 Điều 110 sửa đổi, đề nghị vẫn giữ nguyên như khoản 2 Hiến pháp năm 2013: trong việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính phải lấy ý kiến Nhân dân địa phương và theo trình tự, thủ tục luật định để bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân.
Không ít cử tri mong muốn việc lấy ý kiến tiếp cận sâu rộng đến những người dân vùng sâu, vùng xa và kỳ vọng các cơ quan có thẩm quyền tiếp thu ý kiến cầu thị, khách quan, đồng thời bảo đảm tính ổn định, kế thừa những giá trị cốt lõi của Hiến pháp năm 2013 - vốn đã khẳng định được tính hợp hiến và phù hợp với thực tiễn suốt nhiều năm qua.
Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan lập pháp, mà cần trở thành một cuộc vận động chính trị - pháp lý sâu rộng trong toàn dân. Hiến pháp là đạo luật gốc, là nền tảng cho mọi thiết chế của Nhà nước và đời sống xã hội, nên việc góp ý sửa đổi, bổ sung rất cần có sự tham gia tích cực của Nhân dân. Khi người dân được lắng nghe, được phản ánh tâm tư, nguyện vọng và thể hiện ý chí của mình, thì bản Hiến pháp mới thực sự là của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Đó cũng là biểu hiện sinh động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nơi mọi quyền lực thuộc về Nhân dân và Hiến pháp là công cụ bảo đảm cho quyền làm chủ ấy được thực hiện thực chất, bền vững.
Tú Linh (theo Daibieunhandan.vn)
Chi tiết >>
Những điểm mới nổi bật của Luật BHXH 2024
BHXH Việt Nam chi trả đầy đủ, kịp thời lương hưu, ...
Video: HĐQL BHXH họp thường kỳ quý I/2025 quyết ...
Video: Kỷ niệm 30 năm thành lập ngành BHXH Việt ...
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?