Chương trình hành động thực hiện đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật

20/05/2025 09:52 AM


Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 140/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị, nhằm đổi mới toàn diện công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Lộ trình đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đến năm 2045

Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt mục tiêu đổi mới toàn diện công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Chương trình được thiết kế theo lộ trình cụ thể:

Đến năm 2025: Cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ các “điểm nghẽn” phát sinh từ quy định pháp luật, tạo nền tảng pháp lý thông suốt cho hoạt động quản lý, điều hành.

Đến năm 2027: Hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung và ban hành mới hệ thống văn bản pháp luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, làm cơ sở pháp lý cho bộ máy nhà nước vận hành hiệu quả theo mô hình chính quyền 3 cấp.

Đến năm 2028: Hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư và kinh doanh, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đưa môi trường đầu tư của Việt Nam vào nhóm 3 nước hàng đầu khu vực ASEAN.

Cùng với đó, chương trình xác định rõ các nhiệm vụ cụ thể để các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch hành động; tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 66-NQ/TW.

Mục tiêu tổng thể là xây dựng một hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch, khả thi, với cơ chế thực thi nghiêm minh, nhất quán. Hệ thống này sẽ bảo đảm cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động bình thường, liên tục, hiệu quả của các cơ quan nhà nước sau khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy; đồng thời tháo gỡ các vướng mắc từ thực tiễn, mở đường cho phát triển, huy động toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội.

Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Hình minh họa (nguồn: Internet)

Bảy nhóm nhiệm vụ trọng tâm triển khai Nghị quyết số 66-NQ/TW

Nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Nghị quyết số 66-NQ/TW, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai 07 nhóm nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật

Phát huy cao độ vai trò lãnh đạo của Đảng, tăng cường tính Đảng trong toàn bộ quá trình xây dựng và thực thi pháp luật. Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết số 66-NQ/TW theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền. Xây dựng, ban hành và triển khai kế hoạch tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng, đa dạng về hình thức (báo chí, truyền hình, nền tảng số, mạng xã hội…), đồng thời cụ thể hóa nội dung truyền thông theo từng nhóm đối tượng như người dân, doanh nghiệp, chính quyền các cấp.

2. Đổi mới tư duy, định hướng xây dựng pháp luật theo hướng phát triển

Chuyển mạnh tư duy từ “quản lý” sang “kiến tạo phát triển”; xây dựng pháp luật vừa đảm bảo vai trò quản lý nhà nước, vừa khuyến khích đổi mới sáng tạo, giải phóng sức sản xuất và khơi thông mọi nguồn lực phát triển. Luật pháp phải thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng; xuất phát từ lợi ích quốc gia, bảo đảm tính ổn định, minh bạch, đơn giản, dễ thực hiện; lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Khuyến khích vai trò của đạo đức xã hội, quy tắc nghề nghiệp và cơ chế tự quản cộng đồng trong điều chỉnh hành vi. Chủ động nghiên cứu chiến lược, chính sách từ thực tiễn, từ kinh nghiệm quốc tế và trong nước, nhằm nâng cao chất lượng, tính dự báo trong quá trình xây dựng pháp luật.

3. Tạo đột phá trong tổ chức thi hành pháp luật

Bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, hiệu quả và kịp thời. Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật. Thúc đẩy tinh thần phục vụ, tư duy kiến tạo và hành động vì lợi ích chung của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện nhất quán nguyên tắc: người dân và doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm. Phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp. Ưu tiên thi hành pháp luật trong các lĩnh vực trọng điểm: phát triển kinh tế – xã hội, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, an ninh mạng…

4. Nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về pháp luật

Xây dựng, hoàn thiện cơ chế và nâng cao năng lực cho các cơ quan, tổ chức trong thực hiện nghĩa vụ pháp lý quốc tế, định hình trật tự pháp lý toàn cầu, đồng thời tận dụng hiệu quả các cam kết từ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Chủ động xử lý các vấn đề pháp lý quốc tế phát sinh, đặc biệt là tranh chấp đầu tư và thương mại, nhằm bảo vệ kịp thời quyền lợi của Nhà nước, cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam.

5. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực pháp luật

Xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá nhằm thu hút, sử dụng hiệu quả đội ngũ chuyên gia pháp lý chất lượng cao. Áp dụng chế độ thù lao, thuê khoán tương xứng; cho phép kéo dài thời gian công tác (không giữ chức vụ) với cán bộ, công chức đến tuổi nghỉ hưu nhưng có trình độ, kinh nghiệm thực tiễn sâu. Đồng thời, thực hiện chính sách tiếp nhận luật sư, luật gia, nhà khoa học pháp lý giỏi vào làm việc trong khu vực công.

6. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng và thi hành pháp luật

Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu lớn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Đảm bảo dữ liệu “đúng – đủ – sạch – sống”, liên thông, an toàn và bảo mật. Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, đăng ký biện pháp bảo đảm, đồng thời lồng ghép nội dung pháp luật vào phong trào “học tập số”.

7. Thực hiện cơ chế tài chính đặc thù cho công tác pháp luật

Đổi mới cơ chế phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật theo hướng đúng – đủ – kịp thời, gắn với khoán chi theo kết quả và sản phẩm đầu ra của từng nhiệm vụ. Người đứng đầu cơ quan được giao nhiệm vụ có quyền chủ động và chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc phân bổ, quản lý và sử dụng kinh phí được giao.

Thanh Hà (Theo báo Chính phủ)