Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng thông tin báo chí của ngành BHXH Việt Nam
13/01/2023 10:26 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 13/1, tại Hà Nội, Hội đồng tư vấn, đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ năm 2020 (BHXH Việt Nam) họp tư vấn, đánh giá, nghiệm thu Đề tài “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng thông tin báo chí của ngành BHXH Việt Nam”, do ThS.Nguyễn Hải Hồng- Tổng biên tập Tạp chí BHXH làm Chủ nhiệm. Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh- Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.
Trình bày Đề tài, bà Nguyễn Hải Hồng cho biết, trong những năm qua, thông tin báo chí đã góp phần quan trọng trong tổ chức thực hiện các chính sách về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, đưa chính sách đến với người dân. Thông tin báo chí về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đăng tải trên Báo BHXH, Tạp chí BHXH, Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam và các trang thông tin điện tử BHXH các tỉnh, thành phố đã góp phần xây dựng và điều chỉnh các nghị quyết, chính sách, quyết định sát với thực tiễn. Nhiều chính sách, quyết định trong quá trình thực hiện bộc lộ một số hạn chế, hoặc do hoàn cảnh khách quan phát sinh những vấn đề mới, được báo chí phản ánh, cung cấp tư liệu, chứng cứ cho các cơ quan ban hành chính sách và cơ quan lãnh đạo quản lý thực hiện chính sách kịp thời điều chỉnh, giải quyết những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội, phục vụ lợi ích chính đáng của nhân dân.
“Tuy nhiên, trên thực tế trong giai đoạn qua, mức độ phong phú của nội dung thông tin và mức độ phản biện xã hội của thông tin về lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp vẫn còn những hạn chế nhất định; tình trạng thông tin báo chí về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp thiếu chính xác vẫn còn xảy ra. Điều này đã làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với chính sách và tổ chức thực hiện chính sách cũng như hiệu quả hoạt động của ngành BHXH Việt Nam”- Bà Nguyễn Hải Hồng chia sẻ.
Bà Nguyễn Hải Hồng cho biết, trước yêu cầu phát triển của xã hội trong tình hình mới, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều Nghị quyết về an sinh xã hội nói chung và chính sách BHXH, BHYT, BHTN nói riêng. Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012- 2020” đưa ra quan điểm, giải pháp ở tầm chiến lược về bảo đảm ASXH tiếp cận dựa trên quyền con người và khẳng định vai trò trụ cột chính của chính sách BHXH, BHYT trong hệ thống ASXH; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách BHXH, trong đó đề ra mô hình BHXH mới, từ đơn tầng sang đa tầng, mở ra thời kỳ mới để mọi người dân đều được tham gia vào hệ thống BHXH. Chính phủ ban hành Quyết định số 1676/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH.
“Vì vậy, việc nghiên cứu đề tài “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng thông tin báo chí của ngành BHXH Việt Nam” nhằm làm rõ thực trạng chất lượng thông tin báo chí của Ngành trong thời gian qua; ý nghĩa, hiệu quả tác động của thông tin báo chí của ngành BHXH Việt Nam với việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, vai trò định hướng dư luận… là hết sức cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện các Nghị quyết của Đảng, góp phần thực hiện mục tiêu an sinh xã hội của đất nước. Thông qua đó đề xuất được những giải pháp phù hợp, khả thi nâng cao hiệu quả của thông tin báo chí của ngành BHXH Việt Nam nói chung và đặc biệt trên các ấn phẩm Tạp chí BHXH nói riêng”- Chủ nhiệm Đề tài khẳng định.
Trình bày các kết quả nghiên cứu, Chủ nhiệm đề tài cho biết, nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu thực trạng chất lượng thông tin báo chí của ngành BHXH Việt Nam. Trong đó, giới thiệu về 3 sản phẩm báo của ngành là báo BHXH, Tạp chí BHXH và Cổng thông tin của BHXH Việt Nam.
Đáng chú ý, trong phần khảo sát thông tin báo chí của ngành BHXH Việt Nam, đề tài tiến hành tìm hiểu thực tiễn về nội dung và hình thức của các báo; quản lý chất lượng thông tin của các báo với 3 góc độ: chủ thể quản lý, nội dung quản lý và phương pháp quản lý; thực trạng tổ chức thực hiện thông tin báo chí ngành BHXH Việt Nam. Sau khi khảo sát, nhóm nghiên cứu đã đánh giá ưu điểm và hạn chế của thông tin báo chí ngành BHXH Việt Nam theo các tiêu chí của khung lý thuyết và tiêu chí khảo sát là nội dung hình thức; công tác quản lý và tổ chức thực hiện thông tin Ngành.
Kết quả khảo sát là cơ sở và căn cứ khoa học cho nhóm tác giả đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng thông tin báo chí của ngành BHXH Việt Nam. Theo đó, nhóm nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp trong đó có các nhóm giải pháp về nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin thông tin báo chí của ngành BHXH Việt Nam; về nội dung và hình thức thông tin báo chí của ngành BHXH Việt Nam; về tổ chức bộ máy và con người thực hiện công tác thông tin báo chí.
Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra các giải pháp cụ thể đối với các sản phẩm báo chí mới của ngành BHXH Việt Nam. Trong đó có giải pháp đối với Kỳ BHXH, Kỳ ASXH, Tạp chí điện tử BHXH. Đổi mới nâng cao chất lượng nội dung và hình thức trình bày các ấn phẩm Tạp chí BHXH theo hướng báo chí hiện đại, tác phẩm báo chí cần được trình bày dưới dạng đa phương tiện, kết hợp chữ viết, hình ảnh, âm thanh, video, blog, video clip, infographic, motion graphic, các chương trình podcast…
Phát triển thêm các kênh thông tin của Tạp chí BHXH trên các nền tảng mạng xã hội như facebook, youtube, tiktok, instagram,... trong đó tập trung mạnh vào việc phát triển fanpage facebook. Do đây là kênh thông tin phổ biến với người sử dụng mạng xã hội Việt Nam. Đồng thời tiếp tục triển khai, phát triển thêm các kênh thông tin trên các nền tảng mạng xã hội khác, giúp đa dạng hóa thông tin liên quan đến chính sách BHXH, BHYT, tạo hứng thú cho người đọc, người xem. Định hướng những kênh truyền thông mạng xã hội sẽ trở thành nơi tiếp nhận phản hồi, đóng góp chính của độc giả trong và ngoài nước.
Cùng với đó, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất một số giải pháp mới như: Ứng dụng truyền thông sáng tạo, đa nền tảng trong thông tin báo chí về BHXH; Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thông tin báo chí; Đổi mới mẽ cơ chế hoạt động, tăng cường tính tự chủ của cơ quan báo chí của ngành BHXH Việt Nam…
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đánh giá Đề tài đã được Ban Chủ nhiệm chuẩn bị kỹ lưỡng, nghiêm túc, trách nhiệm. Đề tài có kết cấu phù hợp đáp ứng yêu cầu đặt ra, các chương mục bố cục hợp lý, nội dung đã khái quát được kinh nghiệm của các bộ, ngành liên quan về lĩnh vực này. Đồng thời, Đề tài đã nêu được thực trạng thông tin báo chí, đặc biệt đánh giá được các ưu điểm, nhược điểm để từ đó đề xuất các nhóm giải pháp tổng quát và cụ thể.
Bên cạnh đó, các thành viên Hội đồng cũng đóng góp, gợi mở một số nội dung để Ban Chủ nhiệm có thể bổ sung, hoàn thiện Đề tài, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động báo chí truyền thông của Ngành trong thời gian tới.
Nhất trí với những ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh ghi nhận và biểu dương tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học của Ban Chủ nhiệm Đề tài. “Thông qua các giải pháp đúc kết từ thực hiện hoạt động, Đề tài góp phần có cái nhìn rõ nét hơn về thực trạng chất lượng thông tin báo chí của Ngành; là những gợi ý cho các cơ quan báo của ngành trong quá trình tìm kiếm những đổi mới, cải tiến nội dung, hình thức của các tác phẩm báo chí”- Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh nói.
Cũng tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đánh giá Đề tài đạt yêu cầu và thống nhất nghiệm thu thông qua. “Ban Chủ nhiệm Đề tài tiếp thu các ý kiến đóng góp của thành viên Hội đồng để hoàn thiện trong thời gian sớm nhất”- Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh nhấn mạnh.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?