Nền kinh tế những tháng đầu năm 2018: Bức tranh sáng màu
22/05/2018 08:34 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã trình bày trước Quốc hội và cử tri cả nước về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước thời gian qua, cho thấy bức tranh sáng màu của nền kinh tế đất nước.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình. (Ảnh: VGP)
Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình cho biết, bước vào năm 2018, với phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, các bộ, ngành, địa phương đã sớm ban hành các chương trình, kế hoạch hành động; xây dựng kịch bản tăng trưởng theo quý đối với từng ngành, lĩnh vực và thường xuyên kiểm tra, đánh giá thực hiện; tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đổi mới, tìm các lĩnh vực còn dư địa để có giải pháp thúc đẩy phát triển; tổ chức các Hội nghị toàn quốc về: phòng chống thiên tai, thúc đẩy tăng trưởng, xuất khẩu, logistics, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng. Ban hành các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các lĩnh vực trọng yếu và giải quyết những vấn đề cấp bách; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các công trình trọng điểm quốc gia; phát triển doanh nghiệp, thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng, đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.
Qua đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,8%; lạm phát cơ bản tăng 1,34%. Chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt; hỗ trợ kịp thời các tổ chức tín dụng gặp khó khăn, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống. Mặt bằng lãi suất ổn định; tín dụng tập trung cho sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên với lãi suất giảm 0,5-1%. Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại hối Nhà nước đạt 63,5 tỷ USD. Tăng cường năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng, mở rộng quy mô, mạng lưới, phát triển các dịch vụ thanh toán, tín dụng bán lẻ, tiêu dùng; có giải pháp kiểm soát hoạt động liên quan đến tiền ảo...
Một trong những “điểm sáng” của nền kinh tế đất nước được Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình đề cập là tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I/2018 đạt 7,38%, cao nhất 10 năm qua. Điểm nổi bật là cả 3 khu vực đều tăng cao hơn cùng kỳ: Nông nghiệp được mùa, tăng 4,05% (cùng kỳ 2,08%); công nghiệp và xây dựng tăng 9,7% (cùng kỳ 4,48%), trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng mạnh 13,56%; dịch vụ tăng 6,7% (cùng kỳ 6,36%). Sản lượng nhiều sản phẩm công nghiệp, vật liệu xây dựng tăng mạnh so với cùng kỳ. Tổng cầu của nền kinh tế tiếp tục tăng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng tăng 9,8%, loại trừ yếu tố giá còn tăng 8,5% (cùng kỳ 7%). Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) đạt 52,7 điểm, đứng trong nhóm đầu ASEAN.
Đáng chú ý là xuất khẩu tiếp tục đà tăng mạnh trong những tháng đầu năm, nhiều đơn hàng xuất khẩu lớn đã được ký kết; tổng kim ngạch 4 tháng đạt 73,76 tỷ USD, tăng 19%; cơ cấu chuyển dịch tích cực, trong đó nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 21,8%. Đã mở thêm thị trường xuất khẩu cho một số hàng nông sản như vú sữa, thanh long, vải, chôm chôm, thịt gà… Riêng mặt hàng gạo tăng 22,3% về lượng và 38,3% về kim ngạch, giá bán tốt hơn, có lợi cho nông dân.
Tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 10,1%, chủ yếu là nhập nguyên, vật liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, xuất khẩu. Tăng cường kiểm soát hoạt động thương mại biên giới và các biện pháp phòng vệ phù hợp với cam kết quốc tế. Xuất siêu 3,4 tỷ USD, góp phần quan trọng cải thiện cán cân thanh toán.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý I tăng 10,4% (cùng kỳ 9,5%); trong đó vốn đầu tư tư nhân trong nước tăng mạnh 16,9%, thể hiện rõ kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện 4 tháng ước đạt 5,1 tỷ USD, tăng 6,3%. Thị trường chứng khoán tiếp tục xu hướng tăng, có thời điểm vượt đỉnh 10 năm (1.170 điểm), hiện đang dao động trong khoảng 1.000 - 1.100 điểm; vốn hóa thị trường cổ phiếu và trái phiếu niêm yết đạt trên 96% GDP.
Thu ngân sách Nhà nước 4 tháng tiếp tục tăng cao với 12,1% so với cùng kỳ, đạt 33,8% dự toán; đáp ứng kịp thời các khoản chi theo kế hoạch và các nhiệm vụ cấp bách, mới phát sinh. Công tác quản lý thị trường, giá cả, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại được tăng cường; bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá, nhất là trong dịp lễ, Tết.
Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; cải cách thủ tục hành chính có nhiều tiến bộ. Rà soát, có phương án cắt giảm khoảng 50% điều kiện đầu tư kinh doanh trong các lĩnh vực công thương, y tế, giao thông vận tải, xây dựng, nông nghiệp... Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) bình quân đạt mức cao nhất kể từ khi thực hiện năm 2005 đến nay.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là các quy định về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường... Trong 4 tháng, có trên 41.000 doanh nghiệp thành lập mới và trên 11.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại; tổng vốn đăng ký mới, bổ sung đạt trên 1,16 triệu tỷ đồng.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các đề án, chương trình, kế hoạch cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực. Phê duyệt Đề án cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến 2025. Ban hành Nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); chấn chỉnh một bước những bất cập trong các dự án PPP, nhất là các dự án BOT giao thông.
Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về đầu tư, quản lý, sử dụng và khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không, hàng hải; triển khai xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các công trình trọng điểm quốc gia. Triển khai Chương trình mục tiêu đầu tư hạ tầng khu kinh tế ven biển, cửa khẩu; khu, cụm công nghiệp; khu công nghệ cao và khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng Việt Nam; tăng cường công tác quản lý đô thị, quy hoạch hạ tầng, kiến trúc và phát triển nhà ở xã hội.
Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5. (Ảnh: VGP)
Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu theo tinh thần Nghị quyết của Quốc hội và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng đạt được những kết quả quan trọng. Các ngân hàng thương mại yếu kém được kiểm soát chặt chẽ, tập trung xử lý theo nguyên tắc thị trường. Đến cuối tháng 3/2018, tỉ lệ nợ xấu còn 2,18%. Công tác cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước được nhiều bộ ngành, địa phương triển khai tích cực; bán cổ phần lần đầu tại một số doanh nghiệp lớn đạt kết quả tốt. Thành lập Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; rà soát, hoàn thiện Điều lệ và tổ chức hoạt động của một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Việc xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, thất thoát lớn đạt kết quả bước đầu, giảm lỗ và một số dự án đã có lãi.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Triển khai nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đào tạo nghề, phát triển thủy sản, bảo hiểm nông nghiệp, thu hút đầu tư của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong 4 tháng có gần 600 doanh nghiệp đăng ký mới trong khu vực nông nghiệp, nâng tổng số lên trên 9.500 doanh nghiệp. Khánh thành nhiều nhà máy chế biến nông sản. Các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt các khuyến cáo của EU về đánh bắt hải sản. Triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm và Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả. Có gần 700 hợp tác xã thành lập mới trong quý I, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ. Đến nay đã có 52 huyện và 3.320 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 37,2%).
Đồng thời, cơ cấu các ngành công nghiệp tiếp tục chuyển dịch tích cực; tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm khoảng 52% (cuối năm 2017 khoảng 51%). Ban hành Chiến lược phát triển ngành cơ khí; triển khai Chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện giai đoạn 2018-2020, định hướng 2030. Phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, hàm lượng khoa học công nghệ cao, như công nghệ thông tin, truyền thông, tài chính, ngân hàng... Du lịch tiếp tục phát triển mạnh; khách du lịch trong nước 4 tháng đạt 29,6 triệu lượt; khách quốc tế đạt trên 5,55 triệu lượt, tăng 29,5%...
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?