Tăng cường bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân
15/05/2018 08:46 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 14/5, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Y tế tổ chức Lễ ký kết triển khai thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW và Nghị quyết 21-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới giai đoạn 2018-2021.
Tham dự lễ ký kết có Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng các Thứ trưởng của hai Bộ; đại diện lãnh đạo BHXH Việt Nam; đại diện Uỷ Ban các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ký kết chương trình hợp tác.
Theo biên bản ký kết, hai Bộ sẽ bố trí nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới. Để nâng cao sức khỏe nhân dân, hai Bộ sẽ nghiên cứu, xây dựng Đề án “Phát triển y tế, lao động xã hội đến năm 2030”.
Đối với giáo dục nghề nghiệp, sẽ nghiên cứu, đổi mới căn bản về giáo dục thể chất, hoạt động thể thao, tâm lý, tăng số môn tập luyện tự chọn trong nhà trường, kết hợp chặt chẽ với tập luyện ngoài nhà trường. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về an toàn vệ sinh lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các làng nghề và cơ sở sản xuất kinh doanh nhằm phòng ngừa tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp đối với NLĐ.
Cùng với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chỉnh hình và phục hồi chức năng của ngành LĐ-TB&XH. Trong đó, đổi mới cơ chế hoạt động, quản lý các cơ sở y tế công lập gắn với trao quyền tự chủ với trách nhiệm giải trình, bảo đảm công khai, minh bạch, có sự kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền.
Đặc biệt, hai Bộ sẽ đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực y tế, chỉnh hình và phục hồi chức năng theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công đối với lĩnh vực này. Xây dựng mô hình thí điểm về chăm sóc y tế, chỉnh hình và phục hồi chức năng tại các cơ sở của ngành LĐ-TB&XH.
Lãnh đạo hai Bộ thống nhất giao Cục Bảo trợ xã hội thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Cục Quản lý Khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế là đơn vị đầu mối, tham mưu cho lãnh đạo hai Bộ trong việc đôn đốc triển khai thực hiện, kiểm tra việc thực hiện Chương trình này; các Tổng cục, Cục, Vụ và đơn vị liên quan của hai Bộ căn cứ chức năng của mình, trực tiếp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao. Định kỳ hàng năm, căn cứ vào nhiệm vụ do mỗi cơ quan chủ trì, hai Bộ cùng xây dựng kế hoạch chung triển khai thực hiện, tổ chức đánh giá hiệu quả công tác phối hợp và đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung nếu cần thiết. Tổng kết, đánh giá kết quả sau 03 năm thực hiện Chương trình. Định kỳ 06 tháng/lần, lãnh đạo đầu mối hai Bộ có trách nhiệm tổ chức các cuộc họp trao đổi thông tin về các vấn đề liên quan đến nội dung phối hợp để rà soát, kiểm tra, đôn đốc triển khai các hoạt động; tổng hợp tình hình triển khai theo kế hoạch hằng năm đã được phê duyệt và báo cáo Bộ trưởng hai Bộ kết quả thực hiện Chương trình này.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến phát biểu tại Lễ ký.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết: Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là điểm sáng trong thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ; các chỉ số sức khoẻ bình quân được cải thiện; đạo đức phong cách, thái độ phục vụ, trình độ chuyên môn của các cán bộ y tế được chú trọng nâng cao. Nhiều tấm gương y bác sĩ tận tuỵ, chăm sóc cứu chữa người bệnh được xã hội trân trọng.
Tuy nhiên, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân vẫn còn không ít thách thức như: Đầu tư cho y tế dự phòng, y tế cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, chưa có nguồn vốn đầu tư riêng cho lĩnh vực y tế cơ sở. Cơ chế tài chính cho hoạt động thường xuyên chưa được đổi mới. Năng lực còn hạn chế nên chưa thể theo dõi sức khoẻ của từng người dân. Chưa thực hiện đầy đủ việc chăm sóc sức khoẻ cho một số đối tượng thuộc diện ưu tiên như người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, HSSV...
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, đặc biệt công tác bảo vệ sức khoẻ NLĐ, người cao tuổi, người khuyết tật, phòng chống tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp và đảm bảo an toàn vệ sinh lao động… sẽ cần được củng cố, hoàn thiện, góp phần xây dựng nền kinh tế Việt Nam công bằng, hiệu quả và phát triển.
Thứ trưởng Bộ Lao động thương binh và xã hội Doãn Mậu Diệp phát biểu tại Lễ ký.
Cũng tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, Việt Nam đã trải qua những cuộc chiến tranh khốc liệt cũng như chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai dịch bệnh... nên số lượng người dân bị ảnh hưởng rất lớn. Trong đó, gồm: 9 triệu người có công; 10 triệu người cao tuổi; 7,6 triệu người khuyết tật; 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và 2,8 triệu lượt đối tượng được hưởng trợ cấp hằng tháng và khoảng 30 triệu người làm việc ở khu vực phi kết cấu…
Do vậy, theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, đây chính là những đối tượng thiếu hụt về tiếp cận y tế, rất cần được khám sức khỏe định kỳ, cần được phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp để tăng cường sức khỏe đáp ứng yêu cầu công việc đề ra.
NH
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?