Phát triển CNTT: Chấp nhận thay đổi, gỡ vướng tư tưởng
24/11/2017 01:57 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện Luật Công nghệ thông tin (CNTT) phải tháo gỡ vướng mắc tổng thể, tiếp thu xu thế mới để đẩy mạnh ứng dụng CNTT, phát triển hạ tầng, tăng cường số lượng, chất lượng nhân lực CNTT… Những nội dung này được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề cập tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thi hành Luật Công nghệ thông tin (CNTT) 2006, sáng 23/11 tại Hà Nội.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng trong thuê dịch vụ CNTT có vướng mắc về quy định luật pháp, giá thuê, chi phí thuê nhưng vướng nhất là trong tư tưởng. Ảnh VGP/Đình Nam
Chưa thể hài lòng
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Thành Hưng, trong 10 năm qua, hệ thống tổ chức quản lý, thúc đẩy ứng dụng và phát triển CNTT ở các cấp trên toàn quốc đã từng bước được xây dựng và kiện toàn tại Trung ương và địa phương. Môi trường pháp lý cho ứng dụng và phát triển CNTT ngày càng hoàn thiện. Hạ tầng CNTT đã cơ bản đáp ứng yêu cầu ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước và xã hội.
Tất cả các bộ ngành, địa phương đã có cổng thông tin điện tử để cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp, góp phần giảm thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính, tăng tính minh bạch, hiệu quả trong lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội với hàng chục triệu hồ sơ được xử lý trực tuyến mức độ 3, 4.
Theo báo cáo chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2016 của Liên Hợp Quốc, Việt Nam xếp thứ 89/193 nước, tăng 10 bậc so với năm 2014.
Công nghiệp CNTT, đặc biệt là công nghiệp phần cứng, công nghiệp phần mềm và nội dung số duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bình quân gần 30%/năm, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng GDP của đất nước. Một số khu công nghiệp CNTT tập trung đã được hình thành, phát triển. Tổng đoanh thu lĩnh vực công nghiệp CNTT ước đạt 67,7 tỷ USD.
Tỷ lệ người dân Việt Nam được phổ cập internet đã đạt hơn 52%, vượt mức bình quân của thế giới. CNTT được phổ cập ở hầu hết các trường THPT và gần 80% các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc. Nhân lực làm việc trong ngành CNTT hướng tới cột mốc 1 triệu lao động.
Tuy nhiên, lĩnh vực CNTT đã có những thay đổi lớn, xuất hiện nhiều xu thế công nghệ như di động, internet vạn vật, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số… đã làm thay đổi căn bản cách tiếp cận và triển khai ứng dụng, phát triển CNTT.
Trong bối cảnh đó, việc kịp thời đánh giá, tổng kết thi hành luật để hoàn thiện khung pháp lý phù hợp với thực tiễn là cần thiết nhằm tạo điều kiện để ngành CNTT phát huy được hết tiềm năng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đột phá, thu hút nguồn lực đa dạng của xã hội vào phát triển CNTT.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá Luật CNTT năm 2006 lần đầu tiên đề cập tới đầy đủ các trụ cột, khái niệm về CNTT như ứng dụng CNTT, hạ tầng, nguồn nhân lực, công nghiệp CNTT… như của thế giới. Nhờ vậy, CNTT từ hạ tầng đến ứng dụng, nguồn nhân lực, công nghiệp đều có bước phát triển. Tuy nhiên, không thể hài lòng vì CNTT còn nhiều vướng mắc từ khung khổ luật pháp, đến nhận thức, thói quen sử dụng CNTT trong bộ máy hành chính, người tiêu dùng, hay của chính người làm CNTT.
“Vì vậy đánh giá 10 năm thực hiện Luật CNTT phải gắn với cả hệ thống pháp luật liên quan tới lĩnh vực CNTT để có cái nhìn toàn diện. Từ việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện luật đến vướng mắc, bất cập khi triển khai trong thực tiễn. Các đồng chí đánh giá, nhận thức đầy đủ mới có thể tạo chuyển biến mới trong lĩnh vực CNTT”, Phó Thủ tướng nói và phân tích cụ thể đối với từng trụ cột CNTT, đặc biệt là ứng dụng CNTT.
Bỏ những thói quen không tốt
Theo Phó Thủ tướng, mặc dù CNTT được coi là nền tảng của nền tảng, tạo động lực cho các lĩnh vực khác, nhưng tốc độ thực hiện rất chậm, trước hết là trong cơ quan hành chính các cấp.
Phó Thủ tướng cho rằng, không phải tất cả là lỗi của những người làm CNTT, bởi để ứng dụng CNTT quan trọng nhất là phải chấp nhận thay đổi, chấp nhận mọi thứ phải được công khai, minh bạch.
Ví dụ, trước đây chuyên viên xử lý tài liệu chậm không ai biết, không ai nói, ngâm cả tháng, cả năm thì việc ứng dụng CNTT sẽ biết ngay hiệu quả làm việc của từng người. Sẽ không có chuyện cán bộ, công chức hôm nay giải quyết hồ sơ ghi “đồng ý” vào hồ sơ, hôm sau lại viết thêm “cần lưu ý”. Có CNTT mọi việc được giải quyết minh bạch hơn.
Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải thuê dịch vụ CNTT thay vì thói quen “tự làm tất cả”.
“Làm sao các trung tâm tin học, các vụ, cục CNTT tự làm được các sản phẩm đủ cập nhật với thị trường? Các đồng chí có thể thu hút được một số người giỏi vào làm, nhưng chỉ sau mấy năm những người đấy cũng không thể cập nhật bằng bên ngoài. Vì thế, Chính phủ khuyến khích, quy định phải thuê DN CNTT cung cấp dịch vụ đến khâu cuối cùng. Có những cơ quan chủ trương thuê máy, thuê phần mềm thay là không đúng. Thuê ở đây là thuê dịch vụ cuối cùng”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề.
Lấy hình ảnh làm một con đường dù còn ít người đi nhưng sau vài năm con đường đó vẫn còn, nhưng đối với CNTT khi đầu tư hay thuê máy tính, phần mềm mà không gắn với dịch vụ cuối cùng thì chỉ 1-2 năm giá trị sẽ giảm mạnh, gây lãng phí lớn.
“Trong thuê dịch vụ CNTT có vướng mắc về quy định luật pháp, giá thuê, chi phí thuê nhưng vướng nhất là trong tư tưởng”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.
Đối với những băn khoăn liên quan đến an toàn, an ninh thông tin khi thuê dịch vụ CNTT, Phó Thủ tướng cho rằng phải bỏ cách nghĩ “thuê DN thì không bảo đảm an toàn”. Đây là vấn đề phải đặt ra ngay từ nêu đầu bài cho DN. Kinh nghiệm tại một số bộ, ngành cho thấy chưa tính đến lộ lọt thông tin, mà chỉ riêng tình huống hệ thống gặp sự cố sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải quyết công việc. Tham mưu đầy đủ, trung thực cho lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương về vấn đề an toàn, an ninh thông tin phải là trách nhiệm của những người làm CNTT.
“Các tỉnh, thành phố hãy thuê dịch vụ CNTT đến từng dịch vụ công. Nếu bộ máy hành chính ứng dụng CNTT tốt sẽ lan toả tới DN, ra ngoài xã hội. Số lượng các dịch vụ công cấp 3, 4 được cung cấp tại các địa phương là chỉ số quan trọng để xếp hạng mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-truyền thông (ICT Index)”, Phó Thủ tướng gợi mở và cho rằng đây là cơ sở đẩy mạnh “hạ tầng mềm” cho CNTT, nhất là dữ liệu lớn, bên cạnh “hạ tầng cứng” là đường truyền cáp quang, tổng đài, máy tính…
Chú trọng "hạ tầng mềm", linh hoạt trong đào tạo
Dẫn lại bài học từ các đề án tin học hoá trong quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết khi thuê dịch vụ CNTT thì DN cung cấp dịch vụ sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu để triển khai thay vì những đề án xây dựng cơ sở dữ liệu hàng trăm tỷ đồng từ ngân sách.
“Bằng việc đặt hàng thiết lập hệ thống tin học quản lý bảo hiểm giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, một cơ sở dữ liệu của hơn 90 triệu người Việt Nam với hơn 10 trường dữ liệu cơ bản đã được hình thành và chỉ cần có quy định quyền quản lý, sở hữu cơ sở dữ liệu là của cơ quan Nhà nước”, Phó Thủ tướng nêu ví dụ.
Tuy nhiên, để phát huy được nguồn cơ sở dữ liệu này Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý “dữ liệu mà không liên thông, không sử dụng thì thành dữ liệu chết, manh mún”.
Hiện nay, hầu hết các đơn vị đều có dữ liệu, nhưng ngay trong một bộ, ngành cũng không chia sẻ hoặc rất khó khăn. Nếu giải quyết được vấn đề này, kết nối được đây sẽ là nguồn tài nguyên vô cùng quý để mọi người dân, DN, DN khởi nghiệp sáng tạo cùng khai thác, phát triển các ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Chính phủ cũng đang chỉ đạo Bộ KH&CN xây dựng Đề án kết nối dữ liệu tất cả các bộ, ngành, địa phương”.
Liên quan đến đào tạo nhân lực CNTT, Phó Thủ tướng cho biết Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH đã ban hành các văn bản hướng dẫn rất cụ thể, đổi mới mạnh mẽ công tác này.
Thay vì áp dụng các quy định như những ngành khác, giờ đây các cơ sở đào tạo CNTT liên kết chặt chẽ với DN. Những người làm CNTT trong DN nếu đủ các tiêu chuẩn có thể tham gia giảng dạy trong nhà trường. Sinh viên, học viên các ngành học khác nếu có nguyện vọng sẽ được tạo điều kiện chuyển sang học CNTT theo hướng học tại trường, làm tại DN.
“Các hiệp hội DN CNTT có vai trò rất quan trọng để kết nối DN hội viên với cơ sở đào tạo CNTT, có trách nhiệm cùng tham gia giống như các bệnh viện có trách nhiệm nhận sinh viên y khoa vào thực tập”.
Phó Thủ tướng “chốt lại” 3 yêu cầu khi tổng kết việc thực hiện Luật CNTT. Trước hết phải đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật về CNTT nói chung và đưa ra những khuyến nghị không chỉ liên quan đến Luật CNTT mà các luật khác. Trên cơ sở luật cơ bản, luật khung cần tiến tới xây dựng các luật chuyên sâu đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn, không để “luật đợi nghị định, nghị định đợi thông tư”. Đồng thời, các xu thế phát triển mới của CNTT phải được nghiên cứu, kiến nghị đầy đủ./.
Theo VGP