Cần có hội đồng y khoa độc lập với BHYT, BHXH
02/11/2017 10:06 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đó là ý kiến của Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu khi tham luận về vấn đề khám chữa bệnh của bệnh nhân có sử dụng thẻ BHYT tại phiên thảo luận sáng 2/11, của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang).
Tại phiên thảo luận sáng 2/11, của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu đã tham luận về các nội dung liên quan đến cơ cấu kinh tế; các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 2018; chấn chỉnh các dự án BT, BOT, đảm bảo công khai, minh bạch, bảo đảm hài hòa lợi ích nhà đầu tư, nhà nước và người dân; tái cơ cấu nông nghiệp và nông thôn mới; khám chữa bệnh BHYT; nâng cao hiệu quả xây dựng, ban hành và thực thi pháp luật; nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm cán bộ vi phạm; phát triển công nghiệp văn hóa, quản lý lễ hội, phát triển du lịch; quy hoạch lại các đơn vị nghệ thuật, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống, chăm lo cho đời sống nghệ sĩ các đơn vị nghệ thuật truyền thống; chấn chỉnh tình trạng phí chồng phí, lạm thu trong trường học, tình trạng lạm thu ở các cấp cơ sở; giải pháp ngăn chặn tình trạng suy thoái văn hóa, mất lòng tin của người dân vào chính quyền; phát huy dân chủ, củng cố niềm tin, phát huy tổng thể nguồn lực nội tại để phát triển bền vững; tiêu chí phân bổ ngân sách; phân cấp đầu tư; giải pháp bảo tồn, duy trì, phát huy bản sắc dân tộc thiểu số,...
Về vấn đề khám chữa bệnh của bệnh nhân có sử dụng thẻ BHYT, Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) nêu rõ, không thể phủ nhận sự cố gắng của ngành y tế và BHXH trong việc giải quyết những vướng mắc phát sinh trong thời gian qua, khi có rất nhiều thay đổi chính sách vận hành y tế mới chính thức được áp dụng.
Rất nhiều các cuộc họp, hội thảo, khảo sát, giám sát đã được tiến hành để tìm ra được hướng đi ổn định, lâu dài với mục đích cao nhất là nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng phải tốt hơn. Đồng thời, đảm bảo cân đối quỹ BHYT trong hoàn cảnh ngân sách quốc gia còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất đồng tồn tại do sự hiểu về sự việc theo các hướng khác nhau.
Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, hiểu một cách đơn giản, ngành y tế có 3 công đoạn: Đầu vào chính là thuốc và các vật tư, thiết bị để phục vụ cho việc khám, chữa bệnh; đầu ra chính là kết quả khám chữa bệnh mà thước đo rất rõ ràng chính là sự hài lòng của người bệnh; còn khâu giữa chính là nhân viên y tế.
Muốn hệ thống này vận hành trơn tru, không nên lãng phí, trục lợi quỹ BHYT. Chúng ta chỉ có thể tác động đến đầu vào và khâu giữa, còn đầu ra thì đương nhiên không thể giảm đi vì chúng ra không thể làm giảm sự hài lòng của người bệnh. Đầu vào dễ là vì chúng ta chỉ việc áp dụng tổ chức đấu thầu tập trung, áp giá thuốc, vật tư thiết bị chỉ có thể bằng hoặc thấp hơn các nước có GDP tương tự hoặc thấp hơn trong khu vực.
Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, cái khó là việc này sẽ ảnh hưởng đến các bộ phận đang có quyền quyết định hình thành mức giá rất “made in Việt Nam” này. Chỉ cần cải tổ đầu vào, BHXH sẽ tiết kiệm được một số tiền lớn bởi hiện nay đa số tiền của quỹ bảo hiểm chi trả cho thuốc và vật tư y tế. Đồng thời, cần xem xét lại quy trình khám chữa bệnh, cấp phát thuốc bệnh nhân có sử dụng thẻ BHYT, tránh bất cập, làm mất công sức người bệnh, lãng phí quỹ BHYT.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh, cần xem xét lại các quy trình khám chữa bệnh, cấp phát thuốc của bệnh nhân có sử dụng thẻ BHYT, tránh các bất cập làm mất công sức người bệnh, ùn tắc bệnh viện và lãng phí quỹ BHYT, như việc khám bệnh mãn tính, bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường chúng ta không nên quy định cứ khám một tháng một lần. Vì như vậy rất nhiều các xét nghiệm thường quy mà chỉ cần kiểm tra, thậm chí 6 tháng, 1 năm một lần mà vẫn phải thực hiện một tháng một lần sẽ gây tốn kém cho bệnh nhân và tốn kém cho quỹ và làm ảnh hưởng đến ùn tắc bệnh viện, quá tải bệnh viện. Hay như bệnh nhân đang dùng thuốc mỗi tháng một lần lại phải thay đổi thuốc với lý do rất lãng xẹt là bệnh nhân thuốc này đợt này BHYT chỉ thầu có vậy, rất dễ gây bức xúc cho dư luận.
Theo đại biểu Hiếu, khâu giữa là khâu khó nhất thì liên quan trực tiếp đến những người đang tạo ra các sản phẩm đầu ra. Để cải thiện khâu này chúng ta cần phải tiến hành đồng thời theo hai hướng.
Hướng thứ nhất là nâng cao chất lượng nhân viên y tế. Muốn vậy chúng ta cần phải tạo điều kiện, cơ sở vật chất ngày càng tốt hơn và an toàn hơn, bảo đảm thu nhập để các nhân viên y tế yên tâm làm việc. Vì nếu vừa làm vừa lo, thiếu phương tiện thuốc men, vừa lo tháng này không biết có bị chậm trả lương không, vừa lo gia đình bệnh nhân, người nhà bệnh nhân có thể hành hung, nhục mạ thì không một từ mẫu nào có thể yên tâm làm việc được. Song song với đó, một việc hết sức quan trọng nữa là cần có kế hoạch để nâng cao kiến thức tái đào tạo một cách thường xuyên toàn bộ hệ thống vì chỉ có như vậy mới hạn chế được những chỉ định, những phương pháp điều trị lạc hậu gây nguy hiểm cho người bệnh, tốn kém cho quỹ BHYT.
Thứ hai, cần có chế độ kiểm tra, giám sát minh bạch hoạt động của nhân viên y tế. Rất cần có các hội đồng y khoa độc lập hoàn toàn với BHXH và Bộ Y tế để xem xét các tranh cãi về chỉ định cách thức tiến hành, kết quả của một phương pháp điều trị là đúng hay sai.
Các hội đồng này cần do hội chuyên ngành đề ra dưới sự điều hành chung của Tổng hội y dược Việt Nam. Định kỳ thay đổi các thành phần có nhà khoa học uy tín và đạo đức hằng năm.
Đề cập đến Nghị quyết Trung ương 6 về bảo vệ và chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, Nghị quyết đã chỉ ra rất rõ các hạn chế, yếu kém của hệ thống y tế hiện nay; đưa ra các mục tiêu cụ thể cần đạt được năm 2025 và 2030 cũng như đề ra các phương hướng, giải pháp như: Tăng cường đấu thầu tập trung, giảm giá thuốc, thiết bị, hóa chất, vật tư y tế, bảo đảm công khai, minh bạch; thành lập Hội đồng y khoa quốc gia, tổ chức thi cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn phù hợp với thông lệ quốc tế; Thí điểm giao cho cơ quan độc lập tổ chức cấp chứng chỉ hành nghề; Thực hiện đãi ngộ xứng đáng đối với cán bộ y tế, xác định bậc lương khởi điểm phù hợp với thời gian đào tạo, có các chính sách đủ mạnh để khuyến khích người có trình độ chuyên môn làm việc tại y tế cơ sở, các vùng sâu, vùng xa, hải đảo, biên giới và trong các lĩnh vực y tế dự phòng, pháp y, tâm thần, lao, phong. Đặc biệt, nghị quyết đã nhấn mạnh ưu tiên bố trí ngân sách bảo đảm tốc độ tăng chi y tế cao hơn tốc độ tăng chi ngân sách nhà nước, dành ít nhất 30% ngân sách cho y tế, cho công tác y tế dự phòng.
Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, vấn đề đặt ra ở đây là các bộ ngành liên quan phải nhanh chóng tìm ra các phương pháp cụ thể để đưa nghị quyết vào đời sống xã hội. Quốc hội cũng cần có sự giám sát chặt chẽ theo lộ trình cụ thể để đúng như khẳng định của quan điểm Nghị quyết Trung ương 6, sức khỏe là vốn quý nhất của người dân, của cả xã hội, bảo vệ và chăm sóc nâng cao sức khỏe là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội./.
PV