Quản lý nợ công: Quan trọng nhất là minh bạch
24/10/2017 10:54 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tại Kỳ họp thứ 4 khai mạc sáng nay, QH Khóa XIV sẽ xem xét thông qua Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Trong bối cảnh nợ công sắp chạm trần QH cho phép, nhiều ý kiến đề xuất thống nhất đầu mối quản lý nợ công thay vì để 3 cơ quan cùng tham gia như dự thảo Luật để quản lý nợ công hiệu quả hơn. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng, trong quản lý nợ công, quan trọng nhất là yếu tố minh bạch chứ không phải là chuyện đầu mối.
Nợ công sắp chạm trần
Theo số liệu của Bộ Tài chính tại Hội thảo Quản lý nợ công ở Việt Nam: Thực trạng và các khuyến nghị chính sách diễn ra mới đây, tính đến cuối năm 2016, nợ công của Việt Nam đã lên đến 94,8 tỷ USD, tương đương với 64,73% GDP và đã tiến sát mức trần QH cho phép là 65% GDP.
TS. Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính nhận xét: Tỷ lệ nợ công tăng rất nhanh. Mức tăng trung bình 5 năm qua là 18,4%, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế. “Nếu tính đủ thì nợ đã vượt quá trần cho phép”, ông Cường nói. Quy mô dư nợ nước ngoài của Chính phủ (trong đó vay ODA, vay ưu đãi chiếm trên 94%) đến cuối năm 2015 so với cuối năm 2001 đã tăng 6,5 lần. Ba “chủ nợ” chính của Việt Nam là Ngân hàng Thế giới (tăng 11,5 lần); Ngân hàng Phát triển châu Á (tăng 20,3 lần); Nhật Bản (tăng 6,8 lần).
Vay vốn ODA để đầu tư là một trong những nguyên nhân khiến nợ công tăng
Tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam cao hơn nhiều so với mức bình quân của các nước đang phát triển và các nước trong khu vực như Indonesia là 24,4%, Thái Lan 45,9%, Philippines 50,2%. Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, dân số đang già hóa nhanh, năng suất lao động bình quân thấp và giảm dần. Điều nay gây áp lực rất lớn đối với nợ công.
TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, bội chi ngân sách là nguyên nhân “sâu sắc” nhất dẫn tới nợ công lớn. Ngân sách nhà nước liên tục bội chi lớn (khoảng 5,6% GDP), thu ngân sách đã đạt mức cao so với những nước có thu nhập trung bình thấp. Với thu nhập bình quân đầu người năm 2016 là 2.100 USD, Ngân hàng Thế giới khuyến cáo Việt Nam nên huy động thu thuế vào ngân sách nhà nước khoảng 18% GDP. Thế nhưng hiện nay Việt Nam đã huy động nguồn thu từ thuế vào ngân sách khoảng 31 - 32% GDP. Như vậy, gánh nặng thuế, phí với doanh nghiệp và người dân đã ở mức rất cao. Khả năng tăng thu ngân sách chủ yếu nằm ở thuế bất động sản, thuế tiêu thụ đặc biệt và các khoản thất thu… Vì thế, nhu cầu vay nợ để trang trải bội chi ngân sách vẫn còn.
Vẫn theo TS. Lê Đăng Doanh, nhu cầu chi ngân sách rất cao mà kỷ luật ngân sách lại lỏng lẻo, tình trạng chi lãng phí, kém hiệu quả rất phổ biến. Chi thường xuyên chiếm đến 70 - 71% tổng chi ngân sách, chi trả nợ lên đến 24,5% chi ngân sách, hầu như toàn bộ chi đầu tư phải dựa vào đi vay. Số vay mới chỉ đủ để trả lãi và một phần nợ gốc nên nợ công tiếp tục tăng nhanh và chưa thấy điểm dừng (vay trả nợ gốc năm 2014 gần 80 nghìn tỷ đồng, năm 2015 là 130 nghìn tỷ đồng). Ngoài ra, doanh nghiệp nhà nước đầu tư thua lỗ cũng là một gánh nặng đối với ngân sách nhà nước. Vì vậy, việc chỉnh đốn ngân sách là hết sức cần thiết và cấp bách để tránh một cuộc khủng hoảng tài chính có thể xảy ra.
Một hay ba đầu mối quản lý?
Để bảo đảm nợ công không vượt giới hạn cho phép (65% GDP), các chuyên gia cho rằng, trước tiên cần phải cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng giảm và tiết kiệm chi thường xuyên. Đẩy mạnh dịch vụ sự nghiệp công, qua đó, thu hẹp phạm vi và giảm bớt gánh nặng chi thường xuyên cho ngân sách nhà nước. Cùng với đó, tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ổn định và vững chắc, vì đây chính là nguồn gốc, cơ sở tạo ra nguồn thu ngân sách nhà nước vững bền để trả nợ công. Theo đó, cần ban hành các cơ chế, chính sách tạo môi trường kinh doanh thuận lợi thông thoáng, khuyến khích các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân mạnh dạn đầu tư phát triển. Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến cáo phải nhanh chóng chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tiếp tục siết chặt việc vay nợ.
TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, dự thảo Luật Quản lý nợ công mà QH sẽ xem xét thông qua trong Kỳ họp thứ 4 này cần phải xác định một cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm trước QH và nhân dân về nợ công là Bộ Tài chính. Đồng thời, phải quy định cụ thể, chi tiết về công khai, minh bạch đối với các khoản chi ngân sách có thể góp phần làm tăng nợ công và có chế tài đối với cá nhân, tổ chức thực hiện sai quy định.
Những dự án nghìn tỷ thua lỗ góp phần làm trầm trọng thêm gánh nặng nợ công
Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế cho biết không có một mô hình mẫu nào về quản lý nợ công trên thế giới. Điều này có nghĩa là vẫn có nhiều nước đang có một cơ chế quản lý nợ công phân tán giống như Việt Nam (theo dự thảo Luật Quản lý nợ công, sẽ có đến ba cơ quan cùng tham gia quản lý nợ công là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước). Theo TS. Phan Minh Ngọc, chuyên gia tài chính - ngân hàng, Việt Nam vẫn có thể duy trì cơ chế ba bên cùng quản lý nợ công như hiện tại, nhưng phải bảo đảm rằng không có sự thỏa hiệp hay xung đột về lợi ích và sứ mệnh, có sự gắn kết và giải trình trách nhiệm rõ ràng, minh bạch, và cùng phải hướng đến mục tiêu chung là duy trì môi trường kinh tế vĩ mô lành mạnh.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng từng đưa ra khuyến cáo: Muốn quản lý nợ công tốt, quan trọng nhất phải minh bạch những vấn đề liên quan. Theo đó, nợ công phải được báo cáo rất chi tiết theo từng chủ nợ, công cụ nợ, đồng tiền nợ, kỳ hạn và lãi suất với tần suất báo cáo hàng tháng. Tuy nhiên, đây hiện vẫn là khâu yếu của Việt Nam./.
Theo Báo ĐBND