97% lao động khu vực phi chính thức không được tham gia BHXH
05/10/2017 02:01 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 4/10, tại Hà Nội, Bộ KH-ĐT phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức Hội thảo công bố báo cáo lao động phi chính thức tại Việt Nam.
Toàn cảnh Hội thảo.
Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe các đại diện của ILO, Tổng cục Thống kê (TCTK) và Viện KHLĐ &XH trình bày về khái niệm, phạm vi và cách xác định lao động có việc làm chính thức và phi chính thức (PCT) theo tiêu chuẩn quốc tế; khái niệm, phạm vi và cách xác định lao động PCT áp dụng tại Việt Nam và một số kết quả chủ yếu; khuyến nghị chính sách từ kết quả nghiên cứu; báo cáo quá trình thực hiện điều tra thử nghiệm lao động việc làm 6 tháng đầu năm 2017.
Theo báo cáo của TCTK, năm 2016 có gần 60% lao động làm việc ở khu vực phi chính thức, trong đó chủ yếu là lao động làm nông- lâm- ngư nghiệp (chiếm tới hơn 41%); tiếp theo là lao động làm trong các ngành dịch vụ vừa và nhỏ như: Du lịch, bán hàng, công nghiệp… Lao động có việc làm phi chính thức tại Việt Nam đang có xu hướng giảm dần trong giai đoạn 2014-2016. Đặc biệt, hơn 90% lao động phi chính thức là lao động không có chuyên môn kỹ thuật.
Bà Nguyễn Thị Xuân Mai- Vụ Thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê) cho biết: Ở Việt Nam, lao động phi chính thức được xác định trên việc làm không chính thức. Theo đó, lao động phi chính thức là lao động tự tạo công việc không có hợp đồng lao động, không được đóng BHXH, BHYT hay hưởng lương cố định. “Ở đây, lao động phi chính thức được ký hợp đồng lao động rất thấp. Tỉ lệ được ký hợp đồng trên 3 tháng trở lên chỉ có khoảng 24%. 97% lao động khu vực này không có BHXH bắt buộc. Như vậy, lực lượng lao động phi chính thức này- về mặt an sinh xã hội cũng như tham gia cộng đồng- bị thiệt thòi nhiều. Ngoài ra, phần thu nhập của họ cũng thấp hơn nhiều so với lao động chính thức, bình quân hàng tháng chỉ bằng hơn một nửa của lao động chính thức”- bà Mai nói.
Còn theo ông Đào Quang Vinh- Viện trưởng Viện Khoa học lao động (Bộ LĐ-TB&XH), muốn thúc đẩy chuyển dịch lao động phi chính thức, thì cần tăng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại DN, nhằm tái cơ cấu ngành kinh tế. Trọng tâm là đào tạo nghề để nâng cao chất lượng cho lao động nông thôn, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động trong ngành nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Bên cạnh đó, thúc đẩy các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, để rút bớt lao động phi chính thức trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến lo ngại về khả năng chuyển dịch lao động phi chính thức, do hầu hết các hộ kinh doanh cá thể đều không muốn chuyển sang hoạt động DN. Điều này đồng nghĩa với việc số lượng việc làm thấp, không có cơ hội để chuyển lao động tự do sang làm việc ở khu vực chính thức.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, thách thức lớn nhất của Việt Nam chính là một số lượng lớn lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, nhưng lại là lao động phi chính thức vì không có hợp đồng, không được đóng BHXH, BHYT… Phần lớn lao động này làm thời vụ, không ký hợp đồng, bị trốn đóng BHXH… Để giảm bớt lao động phi chính thức, thì phải thúc đẩy hoá việc làm chính thức thông qua việc đưa lao động vào làm tại các công ty, có ký kết hợp đồng, lao động được đóng BHXH, BHYT…
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng TCTK phát biểu tại Hội thảo.
Kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng TCTK đề nghị Vụ Thống kê Lao động sớm hoàn thiện ấn phẩm Báo cáo lao động việc làm PCT dựa trên những góp ý, thảo luận tại Hội thảo. Nguồn cơ sở dữ liệu lao động việc làm PCT là tư liệu quý để các tổ chức quốc tế, các nhà nghiên cứu tiến hành phân tích chuyên sâu phục vụ cho nhu cầu thiết thực của người dùng tin. Thay mặt Lãnh đạo TCTK, ông Nguyễn Bích Lâm gửi lời cám ơn tới sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của các chuyên gia ILO, sự phối hợp hiệu quả trong công việc của Viện KHLĐ&XH và các Cục Thống kê. Đồng thời, ông cũng hy vọng, trong thời gian tới TCTK vẫn sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành, hỗ trợ từ các phía để Báo cáo việc làm PCT không những được hoàn thiện trong thời gian sớm nhất mà giá trị thông tin về việc làm PCT được khai thác triệt để, hiệu quả phục vụ tốt nhất tới người dùng tin./.
PV