Đến 2020 sẽ đào tạo nghề cho khoảng 2,25 triệu người/năm
07/07/2017 04:01 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang tổ chức lấy ý kiến rộng rãi vào dự thảo Quyết định phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Ảnh minh họa (Nguồn Internet).
Hình thành mạng lưới đủ năng lực đào tạo
Mục tiêu chung của quy hoạch là hình thành mạng lưới có đủ năng lực đào tạo nhân lực các cấp trình độ trong giáo dục nghề nghiệp với quy mô, cơ cấu hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo đáp ứng nhu cầu của người học và yêu cầu của thị trường lao động góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.
Mục tiêu cụ thể: Đến năm 2020, mạng lưới đủ năng lực đào tạo bình quân khoảng 2,25 triệu người/năm, trong đó, trình độ sơ cấp và dưới 03 tháng chiếm khoảng 70% và 10% người học trình độ trung cấp trở lên thuộc các ngành, nghề trọng điểm; phát triển 70 trường chất lượng cao và 150 ngành, nghề trọng điểm (có 03 trường đạt đẳng cấp quốc tế; 40 trường và 54 ngành, nghề tiếp cận với trình độ của các nước ASEAN-4 hoặc các nước tiên tiến trên thế giới); 100% các cơ sở đào tạo được chuẩn hóa theo các điều kiện quy định về đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; mạng lưới có khoảng 35% cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục và cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Đến năm 2030, mạng lưới đủ năng lực đào tạo bình quân khoảng 2,3 triệu người/năm, trong đó, trình độ sơ cấp và dưới 03 tháng khoảng 60% và 20% người học trình độ trung cấp trở lên thuộc các ngành, nghề trọng điểm; phát triển 120 trường chất lượng cao và 200 ngành, nghề trọng điểm (có từ 10 đến 15 trường đạt đẳng cấp quốc tế; 70 trường và 90 ngành, nghề tiếp cận với trình độ của các nước ASEAN-4 hoặc các nước tiên tiến trên thế giới); 100% các cơ sở đào tạo được chuẩn hóa theo chuẩn quốc gia trong đó một số tiêu chí tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4; mạng lưới có khoảng 45% cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục và cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Cơ cấu mạng lưới
Theo dự thảo, cơ cấu mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp được bố trí như sau:
Theo cấp trình độ đào tạo gồm: Trường Cao đẳng (đào tạo trình độ: sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, cao đẳng nâng cao), Trường Trung cấp (đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp) và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (đào tạo trình độ sơ cấp).
Theo hình thức sở hữu gồm: Cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục và cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo phân tầng chất lượng: Trường đạt đẳng cấp quốc tế, trường chất lượng cao, trường được chuẩn hóa theo chuẩn quốc gia.
Theo đối tượng đào tạo gồm: Cơ sở đào tạo đối tượng đặc thù (người dân tộc thiểu số, người khuyết tật và các đối tượng đặc thù khác), cơ sở đào tạo ngành, nghề đặc thù (chính trị, an ninh, quốc phòng, văn hóa, nghệ thuật, thể thao, y tế và các ngành, nghề đặc thù khác).
Theo lĩnh vực đào tạo: Cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyên ngành và cơ sở giáo dục nghề nghiệp đa ngành.
Về ngành, nghề đào tạo, theo dự thảo, đến năm 2020, học sinh, sinh viên học các ngành, nghề thuộc lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 40%; lĩnh vực dịch vụ chiếm khoảng 32%; và lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm khoảng 28%. Đến năm 2030 học sinh, sinh viên học các ngành, nghề thuộc lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 42%; lĩnh vực dịch vụ chiếm khoảng 38%; và lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm khoảng 20%.
Về nguồn lực thực hiện quy hoạch, theo dự thảo, ngân sách Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó ưu tiên đầu tư theo nghề trọng điểm, trường chất lượng cao, trường đạt đẳng cấp quốc tế và các cơ sở đào tạo đặc thù. Đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn xã hội hoá, ODA, FDI, nguồn lực đầu tư trong nước để phát triển giáo dục nghề nghiệp.
Lộ trình thực hiện
Giai đoạn 2017-2020: Xây dựng và ban hành các chuẩn trong giáo dục nghề nghiệp theo các cấp trình độ và phân tầng chất lượng; rà soát, sắp xếp lại cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo các chuẩn.
Giai đoạn 2021-2030: Điều chỉnh, bổ sung các chuẩn cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho phù hợp nhu cầu phát triển của đất nước và yêu cầu hội nhập; Tập trung nâng cao năng lực đào tạo của mạng lưới đáp ứng yêu cầu tăng quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp./.
PV