Hành động mạnh mẽ ngăn chặn lạm dụng lao động trẻ em
02/06/2017 02:50 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Nói theo luật pháp thì trẻ em chỉ mới được quyền tham gia lao động với tư cách là rèn luyện, tập dượt trong quá trình phát triển thể chất, nhân cách và tinh thần; chưa được phép làm việc thực thụ với ý nghĩa là một thành tố của lực lượng sản xuất xã hội. Và kết quả lao động của trẻ em cũng chưa phải là nguồn thu nhập chính của gia đình. Điều này được thể hiện khá rõ trong luật pháp quốc tế, đặc biệt là luật pháp trong nước.
Pháp luật và thực trạng
Ở nước ta, Bộ luật Lao động năm 2012 dành hẳn một mục Lao động chưa thành niên, từ Điều 161 đến Điều 165, để quy định rất tỷ mỷ, cụ thể, rõ ràng với nội dung tương tự như Công ước 138 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và những hành vi bị cấm đối với việc sử dụng lao động chưa thành niên. Trong đó Điều 161 quy định, “Người lao động chưa thành niên là người lao động dưới 18 tuổi”. Điều 163 quy định 5 nguyên tắc sử dụng lao động chưa thành niên, trong đó có các nguyên tắc, “không được sử dụng lao động chưa thành niên làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc chỗ làm việc, công việc ảnh hưởng xấu tới nhân cách của họ... Thời giờ làm việc của người dưới 15 tuổi không được quá 4 giờ trong một ngày và 20 giờ trong một tuần và không được sử dụng làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm”.
Nhưng trên thực tế, từ lâu trẻ em ở rất nhiều nước đã làm việc với tư cách một lao động kiếm sống cho mình và cho gia đình, nhất là các em từ 10 tuổi trở lên.
Có thể thấy, trong số hàng triệu người di cư tự do từ nông thôn ra các đô thị tìm kiếm việc làm thì có khoảng 25% trẻ em dưới 15 tuổi. Đáng lo ngại hơn là một bộ phận trẻ em hoặc do hoàn cảnh, hoặc bị lường gạt, bị ép buộc phải đi đến những nơi xa xôi (miền núi, biên giới...) làm cửu vạn, khai thác than “thổ phỉ”, khai thác đá quý, kim loại hiếm, đe dọa đến mạng sống mà tiền công hoàn toàn không tương xứng với hao phí lao động kiểu vắt sức...
Vì sao có tình trạng này, nguyên nhân từ đâu? Đây là câu hỏi không dễ trả lời và chưa thể lý giải một cách mạch lạc, cặn kẽ, nhưng bước đầu có thể nhìn nhận dưới góc độ những mặt trái của nền kinh tế thị trường đã có tác động mạnh mẽ đến lao động trẻ em.
Trong nền kinh tế thị trường, khoảng cách giàu nghèo khá rõ. Nếu trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung, khoảng cách giữa nhóm người giàu nhất với nhóm người nghèo nhất chỉ là 4 - 5 lần, thì trong cơ chế thị trường là trên 15 lần và hơn nữa. Do nghèo khổ mà một bộ phận trẻ em buộc phải đi làm, kể cả ly hương tìm kiếm việc làm ở đô thị, ở các địa phương phát triển công nghiệp, dịch vụ và lâm vào tình trạng bị lạm dụng, bị bóc lột sức lao động. Do sùng bái, ngộ nhận về “sức mạnh đồng tiền” nên người ta kiếm tiền bằng mọi cách, trong đó có việc bán non sức lao động. Do có nhiều biến cố lớn của một số gia đình (cha mẹ bất hòa, ly hôn, hoặc mải miết làm giàu, bị hút theo những ma lực khác...) nên bỏ mặc con cái và đến lượt các em phải tự lo liệu lấy cuộc sống của mình, “bụng đói, đầu gối phải bò”, phải đi làm kiếm sống...
Một nguyên nhân sâu xa nữa là, một bộ phận không nhỏ các chủ doanh nghiệp tư nhân vì tiết kiệm chi phí sản xuất đã “sử dụng chui” nhiều lao động vị thành niên với tiền công thấp kém...
Phải hành động ngay
Để giải quyết tình trạng trên một cách căn cơ, trước hết phải nắm chắc, chi tiết, cụ thể tình hình bằng một cuộc điều tra tổng thể trên phạm vi cả nước. Có thể trong cuộc điều tra dân số định kỳ 10 năm vào năm 2019, nên thiết kế thêm tiêu thức này Trẻ em dưới 15 tuổi đang tham gia lao động. Song ngay bây giờ phải hành động ngay. Chúng ta cần thực hiện nhiều giải pháp tạo ra một hợp lực tác động cùng chiều để giải quyết mới mong đạt kết quả cao.
Với nhóm giải pháp về pháp luật. Nhà nước phải chỉ đạo quyết liệt việc thực thi có hiệu quả Luật Trẻ em. Điều 26 của Luật đã chỉ rõ, “Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bóc lột sức lao động; không phải lao động trước tuổi, quá thời gian hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật; không bị bố trí công việc hoặc nơi làm việc có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ em”.
Như vậy về phương diện pháp luật là khá đầy đủ và rõ ràng, vấn đề còn lại là hành động. Chính phủ, chính quyền địa phương phải tổ chức thi hành một cách cụ thể, chi tiết và rộng khắp trong cả nước. Các cơ quan của QH, MTTQ Việt Nam các cấp phải giám sát ráo riết; các cơ quan thanh tra các cấp, các ngành hữu quan phải vào cuộc kiểm tra, thanh tra từ việc triển khai đến việc thi hành cụ thể ở cơ sở và xử lý khách quan, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trẻ em.
Với nhóm giải pháp về trách nhiệm, gia đình và xã hội phải cùng có trách nhiệm cao đối với trẻ em. Điều có tính quyết định trực tiếp là người làm cha, làm mẹ hơn ai hết phải ý thức được nghĩa vụ của mình với con cái. Mỗi tính toán, mỗi sự định đoạt của cha mẹ là một định hướng cuộc đời tương lai của các con. Vì vậy đứng trước những khó khăn, thách thức, cha mẹ phải hết sức thận trọng khi quyết định việc học tập hay làm việc của con cái; cộng đồng phải trợ giúp đắc lực với tinh thần “lá lành đùm lá rách”.
Với nhóm giải pháp tuyên truyền, vận động, phải đặc biệt lưu ý đến khu vực nông thôn. Các cơ quan chức năng của Nhà nước cần giới thiệu, phổ biến, tập huấn sâu rộng Luật Trẻ em (bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay, 1.6.2017), Bộ luật Lao động (phần lao động chưa thành niên) đến mọi người dân. Trong đó, cần lưu ý đầy đủ đến người sử dụng lao động, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa và chủ các hộ kinh doanh tư nhân.
Có thể nói, sớm giải quyết vấn nạn lạm dụng sức lao động trẻ em là nhiệm vụ trọng tâm phát triển con người về thể chất. Vì phấn đấu tăng được vài ba kilôgam trọng lượng trung bình và một, hai centimét chiều cao của độ tuổi thiếu niên, không phải chỉ ngày một, ngày hai mà có khi mất cả vài thập niên. Nếu càng để lâu, càng muộn, càng bất lợi mà hậu quả thấy ngay được là, một thế hệ lao động mới với thể lực gày còm, trí tuệ thiểu năng không đáp ứng được yêu cầu nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp lớn lao công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Theo Báo ĐBND