Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 05/2024
02/05/2024 09:12 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Hoàn thành Nghị định mới về cải cách tiền lương trong tháng 5; Tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý cơ quan nhà nước; Hướng dẫn vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý về giáo dục… là một trong những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 05/2024.
Hoàn thành Nghị định mới về cải cách tiền lương trong tháng 5
Ngày 05/1, Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 được ban hành. Trong đó, Chính phủ đã quyết nghị nhiều nội dung quan trọng.
Hoàn thành Nghị định mới về cải cách tiền lương trong tháng 5. Ảnh: Internet
Liên quan đến chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Chính phủ giao Bộ Nội vụ hoàn thành Nghị định quy định chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trong tháng 5-2024.
Đây là cơ sở để thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ ngày 01/7/2024.
Hướng dẫn xếp lương công chức thi hành án dân sự
Thông tư 02/2024 của Bộ Tư pháp quy định mã số, xếp lương các ngạch công chức chuyên ngành Thi hành án dân sự sẽ có hiệu lực từ ngày 18/5/2024.
Thông tư này quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương các ngạch công chức chuyên ngành Thi hành án dân sự, gồm Chấp hành viên, Thẩm tra viên thi hành án và Thư ký thi hành án; áp dụng đối với công chức làm công tác thi hành án dân sự thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự và cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan.
Cụ thể, công chức thi hành án dân sự được quy định gồm 8 ngạch: Chấp hành viên cao cấp, chấp hành viên trung cấp, chấp hành viên sơ cấp, thẩm tra viên cao cấp thi hành án, thẩm tra viên chính thi hành án, thẩm tra viên thi hành án, Thư ký thi hành, thư ký thi hành án, thư ký trung cấp thi hành án.
Công chức chuyên ngành thi hành án dân sự được áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong cơ quan Nhà nước (Bảng 2) ban hành kèm theo Nghị định 204/2004.
Tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý cơ quan nhà nước
Nghị định 29/2024/NĐ-CP tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo trong cơ quan Nhà nước có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5-2024.
Nghị định 19 áp dụng đối với các chứng danh Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; Vụ trưởng, Cục trưởng, Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ; Tổng cục trưởng và tương đương; Phó Tổng cục trưởng và tương đương; Giám đốc Sở, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND, Chánh Văn phòng UBND cấp tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh, Trưởng ban Ban Dân tộc…
Các chức danh nêu trên phải đáp ứng tiêu chuẩn chung về chính trị tư tưởng; đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; trình độ; năng lực và uy tín; sức khỏe, độ tuổi, kinh nghiệm công tác và các tiêu chuẩn riêng đối với từng chức danh.
Trong đó, tiêu chuẩn chung về trình độ là tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với ngành, lĩnh vực công tác theo quy định của cấp có thẩm quyền…
Hướng dẫn vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý về giáo dục
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 04/2024/TT-BGDĐT hướng dẫn vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý chuyên ngành giáo dục và đào tạo.
Thông tư 04/2024/TT-BGDĐT hướng dẫn vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý chuyên ngành giáo dục và đào tạo.
Theo Thông tư, nguyên tắc xác định vị trí việc làm bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục; bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Điều 3 Nghị định số 106/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành giáo dục và đào tạo gắn với cơ cấu tổ chức, hoạt động đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, phục vụ cộng đồng của các cơ sở giáo dục;
Đồng thời đảm bảo hiệu quả, thu gọn đầu mối, thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ viên chức và giảm chi phí ngân sách nhà nước khi xác định vị trí việc làm theo chức danh nghề nghiệp trong các cơ sở giáo dục
Từ ngày 15/5, giá điện sẽ được điều chỉnh 3 tháng/lần
Cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 05/2024/QĐ-TTg, có hiệu lực từ 15/5/2024.
Về cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân hằng năm, Quyết định 05/2024/QĐ-TTg nêu rõ, trường hợp giá bán điện bình quân tính toán giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng. Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận.
Quy định mới về định mức chi phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia
Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 21/2024/TT-BTC quy định về định mức chi phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia do Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực tiếp quản lý.
Thông tư 21/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15/5/2024.
Theo đó, định mức chi phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia do Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực tiếp quản lý được thực hiện chi cho các nội dung chi có liên quan đến công tác bảo quản hàng dự trữ quốc gia theo danh mục nội dung định mức được quy định tại Thông tư 19/2024/TT-BTC quy định định mức kinh tế - kỹ thuật bảo quản hàng dự trữ quốc gia và định mức hao hụt thóc, gạo dự trữ quốc gia do Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực tiếp quản lý.
Định mức chi phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia do Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực tiếp quản lý quy định tại Thông tư 21/2024/TT-BTC được áp dụng làm căn cứ để xây dựng dự toán và quản lý chi phí, thực hiện kế hoạch bảo quản hàng dự trữ quốc gia.
Thắng Trần