Đổi mới công tác thông tin, truyền thông về BHYT
22/04/2024 09:21 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong 15 năm triển khai Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về đẩy mạnh đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới, BHXH Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp thông tin, truyền thông về chính sách này, tạo sự chuyển biến cả về nhận thức và hành động trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện chính sách BHYT từ Trung ương đến địa phương, lan tỏa đến người dân.
Thời gian qua, với trách nhiệm là cơ quan tổ chức thực hiện 2 trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội là BHXH và BHYT, ngành BHXH Việt Nam luôn bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về BHYT để kịp thời thông tin đến người dân nói chung và người tham gia BHYT nói riêng về ý nghĩa, giá trị của chính sách BHYT; quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của người tham gia BHYT, đồng thời giải đáp các kiến nghị, vướng mắc của cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân về BHYT, góp phần tạo sự đồng thuận trong quá trình xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện và thực thi hiệu quả chính sách BHYT trong thực tiễn, tiến tới BHYT toàn dân.
Ngành BHXH Việt Nam luôn bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về BHYT để kịp thời thông tin đến người dân nói chung và người tham gia BHYT
Nhận thức tầm quan trọng công tác truyền thông, Ban cán sự Đảng BHXH Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 96-NQ/BCS ngày 24/8/2017 về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông BHXH, BHYT trong tình hình mới. Theo đó, đã chỉ đạo Đảng ủy BHXH Việt Nam và Đảng ủy BHXH các tỉnh tập trung đổi mới, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của toàn ngành, kịp thời phát hiện những bất cập hoặc những yếu kém của chính sách BHYT và việc khám bênh, chữa bệnh BHYT và chấn chỉnh các biểu hiện làm việc cầm chừng, thái độ thiếu trách nhiệm trong phục vụ nhân dân của cán bộ đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị để kịp thời khắc phục và điều chỉnh.
Hằng năm, BHXH Việt Nam đã ký ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thường xuyên và trọng điểm nhằm định hướng rõ nội dung, hình thức truyền thông chính sách BHYT tại trung ương và tại BHXH các tỉnh, trong đó nhấn mạnh vị trí, vai trò, ý nghĩa của BHYT trong hệ thống an sinh xã hội, đồng thời chú trọng công tác truyền thông phát triển người tham gia BHYT cho nông dân, người cận nghèo BHYT hộ gia đình, học sinh - sinh viên (HSSV), chủ sử dụng lao động, nhất là các chủ doanh nghiệp tư nhân. Đến nay, BHXH Việt Nam đã phát hành hàng chục triệu ấn phẩn truyền thông chính sách pháp luật BHYT nhằm khuyến khích, vận động nhân dân tham gia BHYT gắn với mục tiêu BHYT toàn dân, đề cao nghĩa vụ và quyền lợi của mọi người dân trong tham gia BHYT.
Nhằm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong truyền thông chính sách, pháp luật về BHYT, BHXH Việt Nam đã ký kết các chương trình phối hợp với các Bộ, Ban, Ngành, đoàn thể như: Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội; Bộ Y tế; Bộ Công an, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam,... để thực hiện công tác truyền thông chính sách BHYT theo từng giai đoạn hoặc từng năm.
Ngoài ra, BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương triển khai truyền thông chế độ, chính sách BHYT một cách bài bản, đổi mới cả về nội dung, hình thức ở tất cả các loại hình báo nói, báo hình, báo in và báo điện tử. Các báo, tạp chí đều có những chuyên trang, chuyên mục giới thiệu các quan điểm của Đảng về an sinh xã hội và điểm mới của Luật BHYT, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tiếp cận. Song song kết hợp với hình thức truyền thông truyền thống, các cơ quan báo chí đã chú trọng truyền thông chính sách BHYT trên các thể loại báo chí mới, hiện đại như Mega story, Infographic, đối thoại, tọa đàm trực tuyến, clip tin tức…mang tính trực quan, dễ dàng tiếp nhận đối với công chúng. Duy trì và tăng cường xây dựng các chuyên trang/chuyên mục về BHYT trên báo in và các chương trình có khung giờ phát sóng cố định, khung giờ “vàng” trên các kênh truyền hình Trung ương được đông đảo người dân đón nhận.
Nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông ngày càng được đổi mới đa dạng, phong phú, phù hợp với đặc thù từng nhóm chủ đề, đặc điểm văn hóa vùng miền, đảm bảo truyền tải thông tin dễ nghe, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ giám sát, kiểm tra, đánh giá. Trước đây, công tác tuyên truyền chủ yếu được thực hiện bằng hình thức tổ chức các Hội nghị, Hội thảo, tập huấn cho cán bộ làm công tác truyền thông; phát hành các ấn phẩm truyền thông như Pano, áp phích, tờ rơi, tờ gấp, sách hỏi và đáp về BHYT, tranh cổ động, đĩa CD; các bài viết, câu chuyện truyền thanh trên hệ thống truyền thanh xã phường, trên các trang Thông tin điện tử, thì thời gian qua BHXH Việt Nam đã bổ sung thêm nhiều hình thức truyền thông mới như: tư vấn, đối thoại trực tiếp với người dân; tổ chức cuộc thi sáng tác tranh cổ động, ca khúc về BHXH, BHYT, truyền thông trực quan sinh động và theo chủ đề, các mô hình truyền thông, vận động phát triển người tham gia BHYT theo đặc thù vùng miền; đẩy mạnh triển khai các hình thức truyền thông mới như infographic, motion graphic, video clip, viral, audio, xây dựng, vận hành các kênh truyền thông mạng xã hội của BHXH Việt Nam, phát huy hiệu quả tư vấn, giải đáp thông tin cho nhân dân qua hệ thống chăm sóc khách hàng (Call Center), ứng dụng VssID- Bảo hiểm xã hội số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trên các kênh hotline và Cổng thông tin điện tử của Ngành.
Đa dạng các hình thức truyền thông trên môi trường internet
Kết quả cụ thể: Tại Trung ương, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã phối hợp với các Bộ, Ngành, tổ chức chính trị - xã hội tổ chức được trên 1.000 Hội nghị, Hội thảo, Hội thi, tọa đàm, đối thoại trực tiếp với trên 200.000 người tham gia. Chỉ tính từ năm 2018 đến năm 2024, BHXH Việt Nam đã tổ chức hơn 22 Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT; 5 Hội nghị tập huấn trang bị kiến thức về BHXH, BHYT và 14 chương trình thực tế tại các địa phương cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên chuyên trách theo dõi chính sách BHXH, BHYT. Theo thống kê, từ năm 2009 đến nay, đã thực hiện khoảng trên 170.000 tin, bài, phóng sự, chuyên trang, chuyên mục… tuyên truyền về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT; phát hành chục triệu ấn phẩm các loại (tờ rơi, tờ gấp, sách hỏi đáp, sổ tay, đĩa CD…). Trong đó sản xuất các ấn phẩm chuyên biệt phù hợp với vùng miền đến tận tay cho các già làng, trưởng bản, người có uy tín vùng đồng bào các dân tộc, thiểu số. Cổng TTĐT BHXH Việt Nam đã thực hiện đăng tải trên 38.000 tin, bài, văn bản, câu hỏi đáp về chính sách BHXH, BHYT trong đó, có trên 15.000 tin, bài, văn bản, câu hỏi đáp trong lĩnh vực BHYT góp phần thu hút hơn hơn 200 triệu lượt truy cập. Các thông tin về chính sách, pháp luật BHYT đã được triển khai sản xuất đa dạng, bằng các sản phẩm truyền thông mới như: Infographic, motiongraphic, video… Tổ chức hơn 20 chương trình giao lưu trực tuyến trên Cổng TTĐT BHXH Việt Nam, giải đáp kịp thời gần 3.000 câu hỏi của độc giả về chính sách BHXH, BHYT, BHTN, đã góp phần thu hút đông đảo lượt truy cập, từ đó, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông chính sách BHYT trong tình hình mới.
Để góp phần đa dạng hoá các kênh truyền thông chính sách BHXH, BHYT, BHTN, BHXH Việt Nam đã tăng cường công tác truyền thông trên các mạng xã hội. Theo đó, năm 2019, BHXH Việt Nam đã xây dựng, vận hành Fanpage của BHXH Việt Nam trên Facebook nhằm cung cấp về chính sách BHXH, BHYT, BHTN đến sử dụng mạng xã hội. Đến hết năm 2023, Fanpage đã đăng tải trên 2.000 tin, bài, phóng sự, video, inforgraphic…về BHXH, BHYT, BHTN, thu hút trên 42.000 lượt theo dõi Trang. Cùng với Fanpage BHXH Việt Nam trên mạng xã hội Facebook, ngày 02/9/2021, Tài khoản Zalo của BHXH Việt Nam đi vào hoạt động thử nghiệm với mục tiêu đẩy mạnh công tác truyền thông tạo cơ hội cho người sử dụng Zalo được tiếp cận thông tin về chính sách BHXH, BHTN, BHYT một cách chính thống; đồng thời tạo quan hệ thân thiết, gần gũi hơn giữa BHXH Việt Nam với đại đa số người dân Việt Nam, qua đó, xây dựng hình ảnh của BHXH Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, vì sự hài lòng của tổ chức và cá nhân. Đến hết năm 2023, Tài khoản Zalo BHXH Việt Nam đã thực hiện đăng tải trên 800 tin, bài, video thu hút khoảng 42.000 người quan tâm.
Hệ thống chăm sóc khách hàng (Call Center) được vận hành từ tháng 8/2017, đảm bảo hoạt động 24/7, sau 10 tháng hoạt động đã tiếp nhận hỗ trợ, tư vấn, giải đáp vấn đề có liên quan đến chế độ BHYT cho 18.851 lượt cuộc gọi một cách nhanh chóng và hiệu quả, góp phần giúp ngành BHXH đẩy mạnh việc chuyển đổi từ hình thức giao dịch trực tiếp sang hình thức sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Đặc biệt, Ngành BHXH đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để xây dựng ngân hàng 3.000 câu hỏi/trả lời với hơn 110.000 dữ liệu huấn luyện và sớm vận hành Hệ thống trả lời tự động với mục tiêu nâng cao khả năng hỗ trợ người dân và tổ chức khi tương tác với cơ quan BHXH.
Tại các địa phương: Công tác truyền thông đã thực sự hiệu quả, trong đó chú trọng các hoạt động truyền thông tại cơ sở. BHXH các tỉnh đã chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo tỉnh ủy tham gia báo cáo tại Hội nghị giao ban công tác tuyên giáo, biên tập các tin, bài về BHYT đăng trên “Tờ tin nội bộ” và “Thông tin công tác Tuyên giáo” của Ban Tuyên giáo các tỉnh; 63/63 BHXH các tỉnh đã ký Chương trình phối hợp tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT với các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể tổ chức các hội nghị đối thoại, tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT, nhất là BHYT hộ gia đình; các cơ quan Báo chí, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh duy trì phát sóng và đăng tải các tin, bài phóng sự, đối thoại trực tiếp, truyền hình trực tiếp, trả lời bạn nghe đài, thực hiện chuyên mục “Dân hỏi, Giám đốc trả lời”... BHXH tỉnh thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn BHXH các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh tiến hành các hoạt động truyền thông, tư vấn giải đáp các vấn đề có liên quan đến chính sách BHYT. Cổng thông tin điện tử, Fanpage BHXH và Zalo của BHXH các tỉnh đăng nhiều tin, bài tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật BHYT, hướng dẫn thủ tục hành chính và giải đáp vướng mắc cho người tham gia BHYT. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền trực quan, chủ động xây dựng nhiều cụm pano trên các tuyến đường nhiều người qua lại; treo băng rôn, khẩu hiệu trên các phố lớn, tại trụ sở cơ quan BHXH... phát hành các ấn phẩm do BHXH Việt Nam cấp, chủ động in và phát hành áo mưa, mũ bảo hiểm, vở học sinh, bút... có thông điệp truyền thông về BHYT.
Trong giai đoạn này, BHXH các tỉnh, thành phố luôn duy trì các hoạt động truyền thông hiệu quả như: đã tổ chức hơn 800.000 cuộc truyền thông nhóm nhỏ với hơn 7 triệu lượt người được truyền thông; tổ chức hơn 300.000 hội nghị truyền thông, phổ biến chính sách BHYT với gần 20 triệu người tham dự; đăng tải, chia sẻ hơn 5 triệu lượt các sản phẩm truyền thông trên các trang mạng xã hội của đơn vị và của CCVC; đăng tải, phát sóng 145 tin, bài, phóng sự,… thông tin, tuyên truyền tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; gần 9 triệu lượt phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh huyện, thành phố, xã, phường, tổ, bản, tiểu khu (trong đó, phát thanh bằng 3 thứ tiếng Kinh, Thái, H’Mông với 52.813 lượt); tổ chức hơn 5.000 Lễ ra quân truyền thông, vận động người dân tham gia BHYT hộ gia đình.
Riêng đối với các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ngành BHXH Việt Nam đã linh hoạt, đa dạng nhiều nội dung, hình thức truyền thông chính sách BHYT phù hợp với đặc thù vùng miền, đặc điểm và tập quán sinh hoạt của đồng bào. Trong giai đoạn này, đã tổ chức khoảng 5.500 cuộc truyền thông nhóm nhỏ đến từng thôn bản, hộ gia đình vùng đồng bào dân tộc với trên 200.000 lượt đồng bào tham dự; phát huy vai trò của hơn 12.100 già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc truyền thông, vận động đồng bào tham gia BHYT; mời người biết tiếng dân tộc phiên dịch tại các hội nghị truyền thông chính sách BHYT cho đồng bào với gần 4.700 người. Bên cạnh đó, ngành BHXH: có khoảng 650 cán bộ biết tiếng dân tộc để tham gia tuyên truyền chính sách BHYT; có 10 BHXH tỉnh đã biên tập, sản xuất khoảng 55 sản phẩm truyền thông, dịch ra các thứ tiếng dân tộc (như: Ê đê, Mông, Thái, Dao, Bah Nar, Tày, Khmer, Dẻ Triêng, J’rai, Mnông,…) để làm tài liệu tuyên truyền chính sách BHYT tại vùng đồng bào.
Sau 15 năm triển khai thực hiện, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự nỗ lực của ngành BHXH Việt Nam; công tác tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật BHYT có nhiều đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông trong việc truyền tải các thông tin mới, kịp thời xử lý những tồn tại vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, phát triển bền vững chính sách BHYT, góp phần phát triển kinh tế và ổn định chính trị - xã hội của đất nước, tăng niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đổi mới của đất nước./.
Phạm Chính