Bắt buộc bệnh mạn tính khám định kỳ mỗi tháng là không cần thiết
10/04/2024 03:41 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Nêu quan điểm về “việc bắt buộc người dân mắc các bệnh mạn tính khám định kỳ mỗi tháng là không cần thiết”, PGS.TS.Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội chỉ ra rằng: Đó là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng “quá tải ảo” tại nhiều cơ sở y tế (khi bệnh nhân không cần đến khám, chữa bệnh nhưng vẫn đến)…
“Quá tải ảo” bệnh viện và bài toán chi phí – hiệu quả
Việc tái khám định kỳ và cấp thuốc cho bệnh nhân mạn tính được quy định tại Thông tư số 52/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế (quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú). Tại Điều 4 của Thông tư này quy định: cơ sở y tế “chỉ được kê đơn thuốc sau khi đã có kết quả khám bệnh, chẩn đoán bệnh”; Số lượng thuốc được kê thực hiện theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị do Bộ Y tế ban hành (hoặc do Hội đồng thuốc và điều trị của cơ sở KCB ban hành trong trường hợp Bộ Y tế chưa ban hành), đủ sử dụng nhưng tối đa không quá 30 ngày.
PGS.TS.Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội.
Về lý thuyết, đây là quy định nhằm đảm bảo điều trị hiệu quả, an toàn cho người bệnh. Tuy nhiên, từ góc độ người bệnh, câu hỏi đặt ra là quy định tái khám “đồng hạng” cho mọi bệnh nhân mạn tính này có thực sự mang lại lợi ích tốt nhất cho từng cá nhân?
Là bệnh nhân có “thâm niên” điều trị bệnh đái tháo đường theo BHYT hưu trí suốt 5 năm qua tại BV E, bệnh nhân T.V.H (70t, ở Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) đang được chỉ định khám bệnh định kỳ vào ngày 15 hằng tháng. “Nhờ tuân thủ đúng chế độ ăn uống và uống thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sĩ nên đường huyết của tôi khá ổn định, thuốc được cấp phát hầu như không phải điều chỉnh trong 2 năm nay. Tuy nhiên, bởi thuốc chỉ được cấp phát tối đa trong 30 ngày, nên định kỳ tôi vẫn đến BV khám và thực hiện xét nghiệm lại để nhận đơn thuốc…”, ông T.V.H chia sẻ. Bệnh nhân cao tuổi này cũng cho biết, trong năm 2020 do dịch Covid-19 phức tạp, BV thực hiện cấp thuốc 2 tháng một lần, ông vẫn thấy rất yên tâm bởi thời gian trước đó, các chỉ số đường huyết vẫn luôn ổn định, bản thân ông còn thấy “nhẹ nhõm” hơn vì không phải ôm tâm lý lo sợ nguy cơ lây nhiễm do thường xuyên đến bệnh viện trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp.
Với tiền sử suy tim, ông N.T.M (73 tuổi, Xuân Trường, Nam Định) mỗi năm chỉ cần xin giấy chuyển tuyến một lần và khám bệnh, phát thuốc định kỳ 1 tháng/lần tại BV Bạch Mai (Hà Nội). Nhà xa, cũng không muốn phiền con cháu do phải đi lại nhiều lần, nên mỗi tháng ông M lại một mình bắt một chuyến xe khách lên BV Bạch Mai: “Tuyến xe này có điểm trả khách cố định mỗi ngày ở gần BV, bởi có nhiều người cần đến BV Bạch Mai điều trị định kỳ như tôi hoặc đi khám bệnh. Tính ra thì phương tiện đi lại cũng không quá bất tiện, nhưng tuổi cao, sức khỏe cũng không tốt nên đi nhiều vẫn mệt mỏi, tiền xe cũng là một khoản… Đơn thuốc của tôi rất lâu mới có điều chỉnh về tên thuốc, hay liều lượng, nhưng tôi sợ bệnh này phức tạp, không nghe theo lịch khám của bác sĩ thì nguy hiểm. Nếu được, tôi cũng muốn được cấp thuốc dài ngày hơn, đồng thời nếu thấy sức khỏe không ổn thì có thể lên thẳng BV để khám mà không cần theo lịch hẹn…”, ông M tâm sự.
Khi phân tích tình trạng quá tải tại các BV hiện nay, PGS.TS.Nguyễn Lân Hiếu- Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội đánh giá: “Hiện nay hệ thống y tế quá tải là đúng, nhưng mâu thuẫn là có nơi không có bệnh nhân hoặc quá tải ảo. Quá tải ảo là đáng lẽ họ không cần đến khám chữa bệnh nhưng vẫn đến”. Chuyên gia y tế kiêm nhà quản lý y tế chỉ ra rằng: Có hai lý do dẫn tới tình trạng này. Bên cạnh sự lạm dụng chỉ định từ cơ sở y tế (hiện nay các bệnh viện tự chủ nên có những trường hợp các bác sĩ tăng cường cho chỉ định làm các xét nghiệm cận lâm sàng, thực hiện các phẫu thuật, thủ thuật kỹ thuật cao), một lý do quan trọng xuất phát từ cơ chế. Cụ thể như việc bắt buộc người dân mắc các bệnh mạn tính khám định kỳ mỗi tháng là không cần thiết. Chẳng hạn, tại các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên, các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường chiếm 70% bệnh nhân mạn tính đến khám ngoại trú hàng ngày.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa thăm hỏi, nắm bắt tâm tư của người bệnh tại bệnh viện.
“Đối với tôi, với bệnh nhân ổn định thì 6 tháng thậm chí 1 năm đến khám một lần cũng được. Thuốc đang dùng tốt, ổn định rồi thì có cớ gì bắt người ta một tháng đến khám để thay thuốc mới? Cơ chế cần thay đổi, cần làm sao cho bác sĩ được quyền quyết định thời gian tái khám cho người bệnh đỡ khổ, đỡ quá tải y tế. Tái khám, lại xét nghiệm, siêu âm, điện tâm đồ… gây tốn kém lãng phí tiền của, công sức”, PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ.
Trước đó, khi trao đổi về vấn đề “lợi bất cập hại” với chỉ định xét nghiệm dấu ấn ung thư tràn lan hiện nay, chuyên gia y tế này đã từng nhấn mạnh: “Cá thể hoá người bệnh là tiêu chí của y học hiện đại”, đồng thời cũng chia sẻ câu chuyện về một bệnh nhân cao tuổi bị hẹp động mạch đã can thiệp đặt stent tại BV Đại học Y Hà Nội từ nhiều năm trước. Bệnh nhân này đã dùng thuốc theo đơn của PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu hơn 5 năm không khám lại, nhưng mọi việc vẫn ổn thoả vì là người cẩn thận, không quên thuốc huyết áp và chống đông bao giờ...
Cần “trao quyền” cho bác sỹ trong chỉ định điều trị
Thực tế, quy định “cứng” về thời gian tái khám và cấp thuốc dài ngày cho bệnh nhân mạn tính cũng đã từng được thay đổi linh hoạt trong thời gian phòng chống dịch COVID-19. Năm 2020, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đã có Công văn số 1386/CV-BCĐQG (ngày 19/3/2020) và Bộ Y tế đã có Công văn số 1445/BYT-KCB (ngày 20/3/2020) hướng dẫn về việc kê đơn, dự trữ thuốc điều trị trong thời gian phòng chống dịch.
Theo đó, đối với các trường hợp người bệnh là người cao tuổi, người mắc bệnh mãn tính cần điều trị dài ngày, các bác sĩ, y sỹ kê đơn thuốc sẽ căn cứ vào tình trạng người bệnh để có thể kê số lượng thuốc sử dụng trong đơn cho người bệnh tối thiểu 2 tháng và tối đa là 3 tháng. Trong trường hợp người bệnh đi khám lại trước lịch hẹn khám lại do có các triệu chứng bất thường… mà phải thay đổi thuốc điều trị, cơ sở KCB hướng dẫn người bệnh hoàn trả lại thuốc đã cấp chưa sử dụng hết. Quy định tạm thời trong giai đoạn đặc thù này đã nhận được sự ủng hộ, hài lòng của nhiều bệnh nhân cũng như cơ sở y tế bởi vẫn đảm bảo an toàn cho người bệnh và không ảnh hưởng tới liệu trình điều trị bệnh.
Người dân đi khám, chữa bệnh BHYT.
Trao đổi về vấn đề này, GS.TS.Lê Ngọc Thành - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược- Đại học Quốc gia Hà Nội, Trưởng Ban Tư vấn chuyên môn Y khoa BV E cũng nhấn mạnh: “Mọi quy định đều có thể thay đổi bởi mục tiêu cuối cùng là nhằm tốt cho người bệnh, tốt cho hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân của cơ sở y tế”. Chuyên gia đầu ngành về tim mạch này cho rằng: Tùy theo từng loại bệnh, tình trạng bệnh của từng bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp về thời gian tái khám, kê đơn thuốc. “Với những bệnh mạn tính như tiểu đường, huyết cao không cần thiết tái khám mỗi tháng/lần".
"Không quy định “cứng” về thời gian tái khám, bác sĩ sẽ có những điều chỉnh phù hợp cho từng bệnh nhân, và sẽ mang lại nhiều hiệu quả hơn như giảm công sức đi lại cho bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân lớn tuổi; giảm quá tải không cần thiết cho BV; và giảm thiểu chi phí không cần thiết cho cả bệnh nhân, quỹ BHYT khi thực hiện những xét nghiệm, dịch vụ kỹ thuật không cần thiết. Hiện nay, người bệnh có nhiều phương tiện để theo dõi bệnh trạng ngay tại nhà như việc kiểm tra huyết áp hằng ngày, đo đường huyết... Trường hợp bệnh nhân bất thường về sức khỏe vẫn có thể lập tức đến cơ sở y tế để có hỗ trợ y tế kịp thời…”, GS.TS.Lê Ngọc Thành phân tích. “Thay đổi là để phát triển và thay đổi để tốt hơn thì rất nên có những điều chỉnh phù hợp”, chuyên gia này nhấn mạnh./.
PV (Theo Tạp chí BHXH)