Tham gia BHYT hộ gia đình: Chi phí nhỏ, lợi ích to lớn
11/07/2023 08:16 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Khi tham gia BHYT hộ gia đình, người tham gia được Quỹ BHYT thanh toán số tiền khám, chữa bệnh không giới hạn theo phạm vi, mức hưởng, có thể lên tới hàng tỷ đồng mỗi năm. Đây là chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước, giúp nhiều người dân vượt qua những khó khăn về kinh tế khi không may bị ốm đau, bệnh tật.
Luật BHYT quy định người dân được tham gia BHYT theo nhóm hộ gia đình, gồm nhóm đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình gồm toàn bộ thành viên của 1 hộ gia đình đăng ký thường trú, tạm trú, trừ đối tượng đã được cấp thẻ BHYT ở các nhóm đối tượng khác và người đã khai báo tạm vắng. Theo quy định, người tham gia BHYT hộ gia đình sẽ được hưởng các quyền lợi như sau: Được cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) cấp thẻ BHYT khi đóng BHYT; được lựa chọn một cơ sở y tế thuận lợi theo hướng dẫn của cơ quan BHXH để đăng ký nơi KCB ban đầu, được đổi nơi đăng ký ban đầu vào mỗi quý; được KCB và được cơ quan BHXH thanh toán chi trả chi phí KCB theo Luật BHYT; được cơ quan BHXH, cơ sở KCB BHYT và các cơ quan có liên quan giải thích, cung cấp thông tin về chế độ BHYT; được khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về BHYT.
Cụ thể, hiện nay, tham gia BHYT hộ gia đình từ người thứ hai trở đi sẽ được giảm trừ mức đóng, người thứ nhất đóng 4,5% mức lương cơ sở: 81.000 đồng/tháng (972.000 đồng/năm), người thứ hai đóng 70% mức đóng của người thứ nhất: 56.700 đồng/tháng (680.400 đồng/năm), người thứ ba đóng 60% mức đóng của người thứ nhất: 48.600 đồng/tháng (583.200 đồng/năm), người thứ tư đóng 50% mức đóng của người thứ nhất: 40.500 đồng/tháng (486.000 đồng/năm); người thứ năm trở đi đóng 40% mức đóng của người thứ nhất: 32.400 đồng/tháng (388.800 đồng/năm).
Cùng với đó, quy định tham gia BHYT hộ gia đình không bắt buộc cả hộ gia đình đóng tiền cùng một thời điểm mà có thể mua nhiều lần trong năm tài chính vẫn được giảm trừ mức phí từ thành viên thứ hai trở đi. Người tham gia BHYT được lựa chọn đóng định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng một lần… Những điều này sẽ phần nào giảm gánh nặng tham gia BHYT cho nhiều hộ gia đình khó khăn.
Đơn cử như ông Lê Gia Lễ (phường Thọ Xương, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) từ nhiều năm nay đều tham gia BHYT theo hộ gia đình. Ông Lễ cho hay, ngoài hai người con đã đi làm và được công ty đóng bảo hiểm thì gia đình ông gồm 5 người còn lại đều là lao động tự do nên mua BHYT hộ gia đình để tiết kiệm chi phí. Trung bình mỗi năm, ông dành số tiền trên 2,5 triệu đồng để mua BHYT. Với gia đình làm nông thì đây là số tiền đáng kể, thế nhưng với ý thức phòng ngừa những lúc không may bị ốm đau, tai nạn, năm nào ông cũng mua cho các thành viên trong gia đình. Đầu năm 2023, sức khỏe ông có dấu hiệu đi xuống, qua thăm khám các bác sĩ kết luận ông bị viêm, nhiễm nấm phổi, nhược cơ kiến ông phải nhập viện để điều trị, may mắn được BHYT thanh toán các khoản viện phí nên gia đình chỉ tốn một khoản nhỏ tiền ăn uống, sinh hoạt. Mới đây, trong một lần khám bệnh, bác sĩ phát hiện tim ông có vấn đề nên đã chuyển lên bệnh viện tuyến trên để điều trị. Cả quá trình dài khám bệnh, nằm viện thế nhưng ông đã được BHYT chi trả gần như 100%.
Có thể thấy, việc tham gia BHYT đã và đang mang lại lợi ích rất lớn cho người tham gia. Đối với các đối tượng là người lao động tự do có kinh tế khó khăn, không có thu nhập ổn định, khi không may bị bệnh, tai nạn thì tiền viện phí là cả một vấn đề lớn, nếu có BHYT sẽ đỡ bớt gánh nặng. Mặc khác, việc tham gia BHYT theo hộ gia đình còn từng bước thực hiện mục tiêu cộng đồng cùng chia sẻ rủi ro với người bệnh, mức độ thấp nhất là các thành viên trong cùng gia đình chia sẻ cho nhau, mức độ cao nhất là thực hiện BHYT toàn dân. Đây được coi là hình thức tiết kiệm "đóng góp khi lành - để dành khi ốm" nhằm giảm bớt gánh nặng về kinh tế khi bản thân hoặc thành viên trong gia đình bị ốm đau, bệnh tật.
PV