Trên 34 nghìn hồ sơ cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi được tiếp nhận, giải quyết
08/06/2023 03:27 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 1/6, Cục Kiểm soát TTHC (Văn phòng Chính phủ) cùng với các đơn vị chức năng thuộc các Bộ: Công an, Tư pháp, Y tế, LĐ-TB&XH; BHXH Việt Nam; UBND TP.Hà Nội và UBND tỉnh Hà Nam tổ chức họp đánh giá kết quả triển khai thí điểm 2 nhóm TTHC liên thông gồm "Đăng ký khai sinh- đăng ký thường trú- cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi" và "Đăng ký khai tử- xóa đăng ký thường trú- hỗ trợ chi phí mai táng- trợ cấp mai táng".
Theo báo cáo của Cục Kiểm soát TTHC (Văn phòng Chính phủ), việc triển khai thí điểm 2 nhóm TTHC liên thông đến nay đã đạt được kết quả bước đầu. Đối với 2 địa phương làm điểm, tính đến ngày 9/5/2023, TP.Hà Nội đã tiếp nhận 34.253 hồ sơ và tỉnh Hà Nam tiếp nhận 7.329 hồ sơ.
Cũng theo báo cáo, tính đến ngày 30/5/2023, Bộ LĐ-TB&XH đã tiếp nhận 2.515 hồ sơ đăng ký liên thông nhóm TTHC từ TP.Hà Nội và tỉnh Hà Nam, trong đó Cục Bảo trợ xã hội tiếp nhận 2.163 hồ sơ và Cục Người có công tiếp nhận 352 hồ sơ. Đáng chú ý, BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và giải quyết 34.004 hồ sơ đề nghị cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và 1.220 hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng mai táng phí; Bộ Y tế đã liên thông dữ liệu với 976 cơ sở KCB và cập nhật được 76.543 giấy chứng sinh và 1.066 giấy báo tử.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong quá trình triển khai thí điểm tại 2 địa phương, vẫn còn một số vấn đề tồn tại như: Lỗi phần mềm, lỗi xác thực; phần mềm hộ tịch điện tử và đảm bảo việc giải quyết các TTHC trên phần mềm chưa được thông suốt, đồng bộ trong toàn hệ thống; mã định danh khi thực hiện khai sinh vẫn còn tình trạng chậm trả hoặc trả trùng; thông tin về việc sử dụng bản điện tử Giấy khai sinh và Trích lục khai tử chưa đồng bộ, không có thông tin về việc sử dụng bản điện tử hay bản scan ký số như trước đây; việc chuyển hồ sơ, đồng bộ trạng thái giữa các phần mềm chuyên ngành thường xuyên chậm, đặc biệt giữa phần liên thông và hộ tịch… Ngoài ra, việc hoàn thiện các phần mềm của các bộ, cơ quan còn chậm.
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (VPCP) phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP
Thông tin về việc tới đây sẽ triển khai nhân rộng 2 nhóm TTHC liên thông trên toàn quốc, ông Ngô Hải Phan- Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC nhấn mạnh, các đơn vị, địa phương cần thống nhất về mặt nhận thức, cách tiếp cận kết quả bước đầu trong triển khai thí điểm. Theo ông Phan, phần mềm, quy trình đã có, con người đã tập huấn, nhưng để triển khai rộng thì hạ tầng công nghệ phải tốt.
“Nếu hạ tầng công nghệ, giải pháp kỹ thuật không ổn định thì không chạy được. Không để tình trạng chúng ta cung cấp DVC trực tuyến mà người dân không dùng, than phiền 4.0, 0.4 và phải đi lại nhiều lần”- ông Phan nêu ý kiến. Đồng thời cho rằng, thông qua DVC trực tuyến, chúng ta có thể nâng cao kỹ năng số cho người dân, để người dân có thể thực hiện được.
Cũng tại cuộc họp, các đại biểu đã trao đổi thẳng thắn về những vướng mắc, điểm nghẽn và thời hạn giải quyết các vấn đề để chuẩn bị cho Hội nghị sơ kết và triển khai chính thức trên toàn quốc 2 nhóm TTHC liên thông này.
Toàn cảnh buổi họp.
Đại tá Vũ Văn Tấn- Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) chia sẻ quyết tâm thí điểm 2 dịch vụ trong suốt một năm qua, với sự hỗ trợ của 2 địa phương. “Những khó khăn, vướng mắc phải được giải quyết và có giải pháp tháo gỡ để triển khai nhân rộng trên toàn quốc theo nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao”- ông Vũ Văn Tấn nhấn mạnh.
Còn ông Ngô Hải Phan đề nghị sự vào cuộc tích cực, chủ động hơn nữa của các đơn vị liên quan. Trong đó, Bộ Công an cần ưu tiên số 1 cho liên thông và kết nối với 63 địa phương. Các bộ, ngành ngoài việc cải tiến, nâng cấp một số chức năng của các phần mềm, cần có trách nhiệm tiếp tục nâng cấp phần mềm chuyên ngành kết nối liên thông, bảo đảm đáp ứng được yêu cầu đề ra, có tài liệu hướng dẫn, chủ động tập huấn để khi nhân rộng có thể triển khai ngay.
PV