Hỗ trợ tối đa cho người dân và doanh nghiệp, bổ sung nguồn lực cho nền kinh tế
31/05/2023 02:02 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đây là vấn đề được các đại biểu quan tâm, kiến nghị tại phiên thảo luận của Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, sáng 31/5.
Rà soát, giải ngân nhanh các gói hỗ trợ
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn Tuyên Quang) nhận định, năm 2022, nước ta đã thực hiện thắng lợi khá toàn diện nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, vừa đảm bảo phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, đại biểu Ma Thị Thúy cũng chỉ rõ những khó khăn và yếu tố bất lợi tác động đến chỉ tiêu năm 2023 như: đầu tư công triển khai chậm, tiêu dùng và xuất khẩu giảm, thị trường xuất khẩu và đơn đặt hàng bị thu hẹp, nguồn lực của doanh nghiệp suy giảm nhiều… Đồng tình với 11 nhóm giải pháp mà Chính phủ đã chỉ ra, đại biểu đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm một số giải pháp như cần sớm rà soát toàn diện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đang được triển khai, xem chính sách nào hiệu quả, chính sách nào chưa thực sự hiệu quả để tạm dừng hoặc có biện pháp thay đổi kịp thời để bổ sung nguồn lực cho nền kinh tế.
Đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng, biện pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất và doanh nghiệp dễ hấp thụ nhất trong lúc này chính là dùng công cụ tài khóa để hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp như giảm lãi suất ngân hàng, giảm tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm, giãn, miễn lãi chậm nộp BHXH…
Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: Quochoi
Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách riêng, cụ thể về đầu tư công; quyết tâm, sát sao hơn nữa để gỡ các vướng mắc, nhất là các vướng mắc về thể chế, văn bản hướng dẫn cho các địa phương.
Đại biểu Trần Thị Vân (Đoàn Bắc Ninh) bày tỏ đồng thuận với với giải pháp giảm thuế Giá trị gia tăng 2% cho doanh nghiệp, gói hỗ trợ mua nhà ở xã hội cho công nhân lao động. Tuy nhiên, theo đại biểu, việc giải ngân các gói hỗ trợ còn rất thấp nên cần đẩy nhanh tiến độ...
Đại biểu Trần Thị Vân nêu rõ, chỉ trong vòng hơn một năm, đã có 3 gói hỗ trợ dành cho người thụ hưởng chính là công nhân lao động. Điều này thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của Quốc hội, của Chính phủ đối với công nhân lao động trong cả nước. Tuy nhiên, 2 gói hỗ trợ theo Nghị quyết 43 và Nghị quyết 11 thì hiện đang giải ngân rất thấp, gói giảm lãi suất 2% hiện mới giải ngân được gần 1% và 15.000 tỷ đồng thì được trên 34%. Bây giờ, Chính phủ lại giao tiếp gói 120.000 tỷ đồng, trong đó đối tượng và thời gian kết thúc của 3 gói tín dụng này thì đang trùng lắp nhau và đều kết thúc vào cuối năm 2023. “Vấn đề đặt ra đây là 2 gói tín dụng trước chúng ta còn chưa hấp thụ hết thì liệu gói 120.000 tỷ đồng có khả thi hay không? Trong khi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở đang được sửa đổi và quy hoạch thì chúng ta chưa phê duyệt xong”, đại biểu đặt câu hỏi.
Trước bất cập trên, đại biểu Trần Thị Vân đề nghị Chính phủ gộp 3 gói hỗ trợ thành 1 và đề xuất cho kéo dài đến hết năm 2025 thì mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ mà Chính phủ đề ra mới có thể hoàn thành.
Đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Đoàn Bình Thuận) nêu thực trạng khó khăn của ngành giáo dục như: Nhiều cơ sở giáo dục được xây dựng từ rất lâu, có diện tích phòng nhỏ, không đảm bảo các quy định về quy chuẩn diện tích phòng học nhưng vẫn không có điều kiện để tu sửa, mở rộng kết cấu, trong khi số học sinh lại ngày một tăng thêm; tình trạng thừa thiếu giáo viên ở cấp giáo dục phổ thông. Vì vậy, đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm tham mưu với Chính phủ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chế độ chính sách liên quan đến phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; đặc biệt là chính sách hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo và có hoàn cảnh khó khăn, nhằm tạo điều kiện học tập, duy trì sĩ số học sinh, nâng chất lượng giáo dục và trình độ dân trí vùng miền núi, dân tộc thiểu số.
Chỉ ra vấn nạn bạo lực học đường và trẻ em bị xâm hại cũng đang ngày càng tăng lên, đại biểu đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành phải có chính sách và tập trung tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ cho gia đình để cùng chung tay ngăn chặn tình hình bạo lực học đường cũng như xâm hại trẻ em. Đặc biệt, trong tháng hành động vì trẻ em hàng năm và năm 2023, đại biểu Bố Thị Xuân Linh đề nghị các cấp, các ngành phải có Chương trình, Kế hoạch hoạt động cụ thể và tổ chức rộng khắp, thiết thực hướng về trẻ em nhằm ngăn chặn thực trạng trên.
Nhiều tín hiệu tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội
Đại biểu Lê Thanh Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cho biết, tình hình kinh tế xã hội 5 tháng đầu năm có biểu hiện vừa tích cực vừa có những tác động tiêu cực. Tuy nhiên, theo đại biểu, phải nhìn nhận một cách khách quan, nếu so sánh với thời điểm bắt đầu vào đại dịch là năm 2019 và năm 2020-2021 và thời điểm hiện nay là thời điểm “mã hồi” của đại dịch COVID-19 mới thấy được mặt tích cực của nền kinh tế.
Phiên thảo luận của Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước.
Dự báo tình hình năm 2023, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, không phải bất ngờ khi kết quả ảm đạm bởi đây là cú "hồi mã thương" trở lại với những khó khăn vốn tạo ra một sự kiệt quệ, xuống đáy của nền tảng kinh tế - xã hội, nhất là sức lực người dân và doanh nghiệp đã chịu đựng liên tiếp như vậy. Có thể nói Quốc hội, Chính phủ liên tiếp có ứng phó kịp thời, cho ra đời các gói cứu trợ,cho nên sự cầm cự đến bây giờ là rất tích cực, nhìn rộng ra thế giới nhiều nước tăng trưởng âm để thấy chúng ta đã nỗ lực như thế nào.
Đối với giải ngân đầu tư công, nguyên nhân suy giảm giải ngân đầu tư công là chất lượng thể chế pháp luật, trong đó có thủ tục hành chính phải khắc phục bằng cách là rà soát lại thủ tục, cắt giảm những khâu trung gian, giấy phép con mới nảy sinh để làm sao công tác giải phóng mặt bằng, tiếp cận vốn, phân vai của các cái cơ quan chức năng mạch lạc hơn.
Cùng với đó, theo đại biểu, về thu hút đầu tư nước ngoài chúng ta đang đối mặt với luật chơi mới của các nước là Luật thuế tối thiểu toàn cầu. Việt Nam phải khẩn trương sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đến thu hút đầu tư và cần thiết. Bên cạnh đó, theo đại biểu, Chính phủ phải có một chương trình ngắn hạn để đối phó với với tình hình khó khăn hiện nay và trong đó trọng tâm có hai công cụ là tài khóa và tiền tệ.
PV