Thúc đẩy tăng năng suất lao động từ nền tảng lực lượng nhân lực khoa học công nghệ
01/02/2023 02:10 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thị trường lao động Việt Nam dần phục hồi nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là sau thời kỳ hậu Covid-19. Đặc biệt, thị trường lao động đang hướng tới sự phát triển linh hoạt, bền vững, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.
Theo ông Lê Hồng Sơn- Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Hà Nội, trước những tác động của đại dịch Covid-19, đã gây ra nhiều áp lực trong việc đảm bảo đời sống người dân, đặc biệt là các đối tượng người nghèo, NLĐ bị mất việc làm, đối tượng bảo trợ xã hội. Song, với sự quyết tâm cùng nhiều giải pháp linh hoạt, năm 2022, Hà Nội đã tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể: Kinh tế phục hồi và phát triển nhanh, tăng trưởng đạt gần 9%; thu NSNN vượt dự toán, đạt hơn 330.000 tỷ đồng. Cùng với tập trung các nhiệm vụ phát triển kinh tế, Hà Nội tập trung đảm bảo an sinh xã hội với quan điểm chăm lo an sinh xã hội tương xứng và đồng bộ với tăng trưởng kinh tế. Công tác an sinh xã hội nói chung, công tác lao động, người có công và xã hội nói riêng đạt được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, những tháng cuối năm 2022, tình hình lao động việc làm có biến động suy giảm; Hà Nội đã tạo việc làm mới cho hơn 200.000 NLĐ; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 0,1% với 16/30 quận, huyện không còn hộ nghèo. Hầu hết trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, trợ giúp bằng nhiều hình thức khác nhau.
Còn tại TP.HCM, thời điểm quý IV/2022, mặc dù đại dịch đã được khống chế nhưng những tác động mà nó tạo ra vẫn tiếp tục làm gián đoạn hoạt động kinh tế, gây nên không ít khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, kết thúc năm 2022, TP.HCM thực hiện được 14/19 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó kinh tế tăng trưởng đạt 9,03%. Sự hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế đầu tàu đã được minh chứng qua nhiều chỉ số vĩ mô tốt, nhất là đã giải quyết việc làm cho 315.612 lượt người, vượt 5,3% kế hoạch năm, trong đó có 141.312 NLĐ có việc làm mới. Số NLĐ đang làm việc đã qua đào tạo là 161.676 người (được cấp chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận), vượt 38,38% kế hoạch năm; đã giảm 16.154 hộ nghèo và giảm 9.723 hộ cận nghèo- tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 4%.
Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, từ đầu quý IV/2022 đến nay, một số ngành, lĩnh vực xuất hiện những khó khăn trong sản xuất kinh doanh, duy trì việc làm cho NLĐ, nhất là DN trong lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ... Để kịp thời ổn định tình hình, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 1170/CĐ-TTg ngày 16/12/2022 về các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống NLĐ. Bên cạnh đó, thị trường lao động ngoài nước tiếp tục được ổn định và mở rộng, đặc biệt là các thị trường có mức thu nhập và điều kiện lao động tốt; công tác đào tạo nghề, giáo dục định hướng, nâng cao chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài được tăng cường. Trong năm 2022, Việt Nam đã đưa gần 143.000 NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, vượt gần 60% kế hoạch đề ra, gấp hơn 3 lần năm 2021.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là một thị trường dư thừa lao động và phát triển không đồng đều. Tỷ lệ thất nghiệp chung thấp, nhưng tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên vẫn còn khá cao; cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế; còn xảy ra tình trạng mất cân đối cung-cầu cục bộ ở một số địa phương, khu vực, ngành nghề. Chất lượng việc làm thấp, tỷ lệ lao động ở khu vực phi chính thức lớn. Trình độ và kỹ năng của lực lượng lao động mặc dù được cải thiện trong thời gian qua, song vẫn còn thấp so với yêu cầu của thị trường lao động...
Chính vì vậy, để khắc phục được những thách thức trên, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục thúc đẩy thị trường lao động phát triển theo hướng hiện đại, đầy đủ, phù hợp với các cam kết quốc tế, vận hành linh hoạt nhằm kết nối cung-cầu lao động, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực. Đồng thời, triển khai thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế-xã hội; thực hiện các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động bảo đảm hiện đại, bền vững, đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế…
Tại Hội nghị tổng kết công tác lao động xã hội vừa qua, ông Đào Ngọc Dung- Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhận định, năm 2023 được dự báo có nhiều thách thức. Theo đó, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Dự báo, đến năm 2038, nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên sẽ chiếm trên 20% tổng dân số. Già hóa dân số nhanh sẽ tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có vấn đề thị trường lao động. Đồng thời, còn thách thức khác đến từ vấn đề việc làm phi chính thức, bởi thực tế tỷ trọng lao động trong khu vực phi chính thức vẫn ở mức cao, phần đông NLĐ Việt Nam vẫn phải đang chấp nhận làm các công việc dễ tổn thương…
“Những thách thức đó buộc người làm chính sách, điều hành phải thay đổi tư duy để phản ứng nhanh và chính xác để phù hợp với xu thế của thời đại. Ngành LĐ-TB&XH cần phải chủ động đổi mới tư duy, đổi mới phương thức làm việc, chủ động trong công tác dự báo, linh hoạt ứng phó với những biến động có thể xảy ra. Còn về lâu dài, cần tiếp tục rà soát và hoàn thiện toàn bộ khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách để xây dựng và hình thành từng bước thị trường lao động linh hoạt, đồng bộ, thúc đẩy tăng năng suất lao động từ nền tảng lực lượng nhân lực khoa học công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia”- ông Dung nhấn mạnh.
PV