BHXH tỉnh Đồng Tháp: nỗ lực đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn
19/08/2022 09:54 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 17 và 18/8, Đoàn giám sát của Ủy ban Xã hội của Quốc hội do ông Đặng Thuần Phong- Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND TP.Cao Lãnh và BHXH tỉnh Đồng Tháp về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT giai đoạn 2016-2021. Tham dự buổi làm việc có Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu; cùng đại diện một số đơn vị thuộc BHXH Việt Nam cùng các sở, ban ngành, địa phương ở Đồng Tháp.
Nỗ lực đảm bảo an sinh xã hội
Báo cáo với Đoàn giám sát, bà Lê Thị Mai Trinh- Phó Chủ tịch UBND TP.Cao Lãnh cho biết, thời gian qua, các cấp, các ngành trên địa bàn TP.Cao Lãnh đã có nhiều nỗ lực triển khai thực hiện hiệu quả chính sách BHXH, BHYT và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Điểm nhấn đáng chú ý đó là, đến hết năm 2021, trên địa bàn TP.Cao Lãnh có 32.820 người tham gia BHXH, tăng 26.059 người so với năm 2016, trong đó BHXH bắt buộc tăng 24.567 người và BHXH tự nguyện tăng 1.492 người, vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28/NQ-TW.
Cùng với tăng số người tham gia BHXH, BHYT, thì số tiền chi trả các chế độ cũng tăng lên. Đơn cử, với chính sách BH thất nghiệp, nếu năm 2016 chi trả cho 7.241 người với số tiền 56 tỷ đồng, thì đến năm 2021 chi trả cho 43.435 người với số tiền 151 tỷ đồng. Tại TP.Cao Lãnh, chính sách BHXH, BHYT thể hiện rõ vai trò, khi trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cơ quan BHXH đã thực hiện giảm đóng BH thất nghiệp cho 390 đơn vị, DN với 25.344 NLĐ và số tiền 12,89 tỷ đồng; chi hỗ trợ từ quỹ BH thất nghiệp cho 29.463 NLĐ với số tiền 74,58 tỷ đồng...
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn những khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch được giao. Đơn cử: Phần lớn DN trên địa bàn TP.Cao Lãnh hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, dệt may, da giày, trong đó có tới 199/280 DN có quy mô vừa và nhỏ (sử dụng dưới 10 NLĐ), nên khi dịch COVID-19 bùng phát, những DN này gặp khó khăn trong việc sản xuất kinh doanh. Tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT vẫn còn; trong khi việc xử lý nợ BHXH kéo dài đối với DN phá sản, giải thể, có chủ bỏ trốn gặp khó khăn do chưa có văn bản hướng dẫn (tại TP.Cao Lãnh có 33 DN đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc có chủ bỏ trốn với số nợ 3,29 tỷ đồng)…
Cũng theo bà Lê Thị Mai Trinh, để thực hiện chính sách BHXH, BHYT được tốt hơn, tới đây, UBND TP.Cao Lãnh sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan BHXH đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phân loại đối tượng để áp dụng các giải pháp cho phù hợp; qua đó đưa chính sách đến gần người dân hơn.
Toàn cảnh buổi làm việc
Tiếp tục phát huy kết quả đạt được
Đánh giá cao công tác thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn, song các thành viên Đoàn giám sát cũng chỉ rõ những vấn đề còn tồn tại ở địa phương; đồng thời trao đổi, kiến nghị thêm về các bất cập, giải pháp để giúp địa phương tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới.
Đơn cử, theo báo cáo của UBDN TP.Cao Lãnh, các DN FDI trên địa bàn đang đóng BHXH theo mức rất thấp (thấp hơn so với DN ngoài quốc doanh tới 500.000 đồng/người). Các đại biểu cho rằng, đây là điều khá bất thường, bởi thực tế nhiều năm qua, khối DN FDI trên cả nước cơ bản đóng BHXH cao hơn so với DN ngoài quốc doanh. Do đó, các đại biểu lưu ý các cấp, các ngành trên địa bàn TP.Cao Lãnh cũng như tỉnh Đồng Tháp phải lưu ý làm rõ việc này.
Liên quan chính sách BHYT, theo các đại biểu, đây là chính sách của Nhà nước, nên cơ bản cần phải thiết kế làm sao để mức đóng, mức hưởng và công tác quản lý quỹ phải hài hòa. Bởi, thông thường một người cảm thấy bệnh nặng mới tham gia, nhưng khi hưởng bằng cả hàng trăm người đóng. Do đó, đại biểu đề xuất làm sao để BHXH tự nguyện, BHYT cũng cần gia tăng độ phủ sóng để người dân dễ tiếp cận.
Cho ý kiến tại buổi giám sát, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu đề nghị BHXH tỉnh Đồng Tháp và UBND TP.Cao Lãnh nói rõ hơn về các kế hoạch tuyên truyền, vận động đã được triển khai. “Địa phương đã có kế hoạch, chương trình nào, có bao nhiêu cuộc truyền thông đã được triển khai theo yêu cầu của BHXH Việt Nam? Có bao nhiêu cuộc truyền thông theo nhóm nhỏ trực tiếp, trên mạng xã hội?... Từ đó, đánh giá tính hiệu quả của các giải pháp đã thực hiện tại địa phương”- Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu nêu vấn đề. Đồng thời, đề nghị BHXH tỉnh đánh giá việc sáp nhập BHXH TP.Cao Lãnh vào BHXH tỉnh có gặp khó khăn, vướng mắc hay không?...
Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Tháp phát biểu tại buổi làm việc
Giải trình về những vấn đề Đoàn giám sát nêu, bà Huỳnh Nguyễn Phương Oanh- Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Tháp cho biết, thời gian qua, công tác tuyên truyền, phát triển BHXH, BHYT tại Đồng Tháp đã phát huy hiệu ứng tốt. Ngoài các đợt ra quân theo yêu cầu của BHXH Việt Nam, tỉnh Đồng Tháp còn căn cứ tình hình thực tiễn để triển khai các cuộc tuyên truyền, vận động theo nhóm nhỏ, theo đối tượng. Kết quả, 6 tháng đầu năm nay, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức được 191 hội nghị truyền thông với 8.025 người tham dự, 355 cuộc tuyên truyền nhóm nhỏ cho 9.867 người, 49 cuộc ra quân. Trong đó, phối hợp với Bưu điện tổ chức 147 hội nghị khách hàng với 5.878 người tham dự và phát triển mới 1.716 người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Ngoài ra, có 355 cuộc truyền thông nhóm nhỏ theo mô hình “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền đến 9.867 người thuộc diện lao động tự do trên địa bàn tỉnh.
Thay mặt Đoàn giám sát, ông Đặng Thuần Phong- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đánh giá cao việc BHXH tỉnh Đồng Tháp đã áp dụng và đa dạng hóa các hình thức truyền thông, mang lại những kết quả tốt trong đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, ông Phong cũng cho rằng, công tác triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT còn gặp những khó khăn như: Số NLĐ rút BHXH một lần tăng; còn xảy ra tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT; cơ quan BHXH không còn thẩm quyền khởi kiện DN nợ BHXH để bảo vệ quyền lợi NLĐ, trong khi tổ chức Công đoàn chưa kết nối được với Tòa án, mới chỉ khởi kiện được vài vụ nợ BHXH…
“BHXH tỉnh đã thông qua các cơ quan như: Thuế, KH-ĐT, LĐ-TB&XH và Hiệp hội DN… để đánh giá, xác định số NLĐ và số DN thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc, để làm cơ sở khai thác, phát triển đối tượng. BHXH tỉnh cũng đã kết hợp dữ liệu từ nhiều kênh thông tin; từ đó có giải pháp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp phát triển người tham gia BHXH bắt buộc. Đây là những giải pháp tốt cần phát huy…”- ông Đặng Thuần Phong nhấn mạnh.
Quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT luôn được đảm bảo
Tiếp nối chương trình làm việc, tại buổi giám sát đối với UBND tỉnh Đồng Tháp, ông Đoàn Tấn Bửu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, lãnh đạo tỉnh luôn xác định BHXH, BHYT là hai chính sách giữ vai trò trụ cột trong hệ thống anh sinh xã hội, UBND tỉnh luôn có chỉ đạo sát sao các sở ban ngành, các cấp chính quyền cơ sở triển khai có hiệu quả chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn. Cụ thể là rất nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành thực hiện chính sách BHXH, BHYT đã được ban hành thời gian qua…
Đánh giá cao công tác thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại Đồng Tháp, tuy nhiên các thành viên Đoàn giám sát của Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng chỉ ra những vấn đề còn tồn tại ở tỉnh, đồng thời trao đổi thêm về các bất cập cần xử lý để có hướng tháo gỡ cho địa phương trong thời gian tới. Trong đó, nhấn mạnh việc đề nghị tỉnh Đồng Tháp xem xét hỗ trợ mức tham gia BHXH tự nguyện cho người dân, trong bối cảnh mức đóng tăng so với thời điểm trước…
Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi giám sát, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu chỉ rõ những hạn chế, khó khăn, thách thức mà tỉnh phải đối mặt liên quan việc thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT trên địa bàn. Cụ thể, BHXH tỉnh và UBND tỉnh cần làm rõ về các kế hoạch đã triển khai trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng trao đổi, phân tích về những khó khăn, thách thức của ngành BHXH Việt Nam nói chung và BHXH tỉnh Đồng Tháp nói riêng trong việc phát triển đối tượng… Đồng thời, mong UBND tỉnh hỗ trợ, phối hợp trong lĩnh vực BHXH, BHYT. Đề xuất Ủy ban Xã hội kiến nghị Quốc hội có cơ chế, chính sách phù hợp, giúp ngành BHXH Việt Nam thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao.
Thay mặt Đoàn giám sát, ông Đặng Thuần Phong đánh giá cao nỗ lực của UBND tỉnh Đồng Tháp và cơ quan BHXH trong việc thực hiện chính sách trên địa bàn trong thời gian qua. Đặc biệt là công tác truyền thông của ngành BHXH Đồng Tháp đã triển khai trong thời gian qua. Đó chính là việc áp dụng đa dạng hóa các hình thức, các mô hình tổ chức, việc ứng dụng CNTT… Từ đó mang lại những kết quả tốt trong đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Những kiến nghị, đề xuất trong đợt làm việc tại Đồng Tháp sẽ được Đoàn giám sát ghi nhận, nghiên cứu, tổng hợp làm căn cứ để Ủy ban Xã hội để báo cáo Quốc hội trong kỳ họp tới.
PV