Hoàn thiện pháp luật để đầu tư quỹ BHXH hiệu quả, đảm bảo an sinh xã hội bền vững
20/07/2022 11:11 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Vừa qua, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội thảo “Đầu tư hưu trí: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị dành cho Việt Nam”. Tham dự Hội thảo có Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu; đại diện các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, BHXH Việt Nam, WB và một số chuyên gia quốc tế.
Tăng cường hơn nữa hiệu quả đầu tư quỹ
Tính đến cuối năm 2021, tổng kết dư quỹ BHXH tăng gần 2 lần so với năm 2016 (năm bắt đầu thực hiện Luật BHXH 2014) với tỷ lệ tăng về quy mô quỹ khoảng 18%/năm. Lãi đầu tư bình quân trong cả giai đoạn đều tăng trưởng dương và cao hơn tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Quỹ BHXH đã trở thành quỹ tài chính công có quy mô đứng đầu đất nước, góp phần tích cực vào việc phát triển thị trường vốn tại Việt Nam, đảm bảo ổn định lãi suất và thanh khoản tại thị trường trái phiếu chính phủ…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động đầu tư quỹ BHXH còn có hạn chế. “Do đặc thù của quỹ an sinh xã hội, nên các hình thức đầu tư được quy định chặt chẽ, danh mục đầu tư quỹ chưa đa dạng, tập trung chủ yếu vào mua trái phiếu Chính phủ (85%) và gửi tiền, mua trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi tại các ngân hàng thương mại (15%). Với danh mục và cơ cấu đầu tư như vậy, hoạt động đầu tư quỹ BHXH tuy được đánh giá là an toàn, nhưng hiệu quả đầu tư chưa cao”- Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu nêu rõ.
Đại biểu thảo luận tại Hội thảo
Cũng theo Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu, trong bối cảnh đất nước hội nhập khu vực và quốc tế sâu rộng như hiện nay, để hướng tới mục tiêu góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tiến bộ và công bằng xã hội, bên cạnh nỗ lực thực hiện tốt chế độ, chính sách BHXH, BHYT, hướng tới sự hài lòng của người dân và DN, BHXH Việt Nam đang tích cực nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo an toàn tài chính cho quỹ, hướng tới mục tiêu cân đối quỹ trong dài hạn.
Do đó, Hội thảo sẽ là dịp để BHXH Việt Nam được lắng nghe, trao đổi và học tập kinh nghiệm quý báu trong lĩnh vực đầu tư quỹ, góp phần vào việc đề xuất các cơ quan có thẩm quyền của Quốc hội và Chính phủ hoàn thiện chính sách, pháp luật về đầu tư quỹ BHXH để hoạt động đầu tư quỹ phù hợp với yêu cầu, điều kiện phát triển của Việt Nam trong giai đoạn tới, cũng như góp phần đảm bảo hệ thống an sinh xã hội bền vững trong dài hạn.
Cần trao quyền cho tổ chức đầu tư quỹ
Tại Hội thảo, chuyên gia của WB đã trình bày một số tham luận như: Báo cáo của Quỹ Dự phòng Châu Á; Quỹ dự phòng cho NLĐ Malaysia (EPF)- đây là phần chính của hệ thống tài chính được đánh giá giống như BHXH tại Việt Nam; sửa đổi Luật BHXH- các phương án và nhiệm vụ; xây dựng năng lực của BHXH- quản trị, quản lý rủi ro, giám sát người quản lý bên ngoài và giám sát đơn vị lưu ký, hạch toán theo giá thị trường…
Ông William Joseph Price- Tư vấn cấp cao về hưu trí (WB) trình bày tham luận
Nhấn mạnh khoảng thời gian này là phù hợp để Việt Nam tiến tới sửa Luật BHXH, trong đó có nội dung về đầu tư quỹ BHXH, ông William Joseph Price- Tư vấn cấp cao về hưu trí (WB) cho rằng, Nghị quyết 28-NQ/TW đã thể hiện mong muốn về một BHXH Việt Nam tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả, hiện đại và đa dạng hóa đầu tư để nâng cao hiệu quả, đảm bảo an sinh xã hội bền vững. "Đây là một tham vọng tốt, gắn với Quy hoạch tổng thể cải cách BHXH đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt"- ông William Joseph Price nói.
Cũng theo ông William Joseph Price, hiện nay, tỷ suất sinh lợi giảm trên trái phiếu Chính phủ và tác động của lạm phát đối với lợi nhuận thực tế đã đặt ra yêu cầu cần đảm bảo kết quả tốt nhất cho Việt Nam, để phù hợp với mức độ bao phủ ngày càng tăng và nguyện vọng về thu nhập hưu trí một cách hiệu quả nhất. “Điều này phù hợp với tham vọng cải cách đối với quỹ an sinh xã hội và quỹ hưu trí trong khu vực và trên toàn cầu tương tự như BHXH Việt Nam. Những cân nhắc chính là cần có những thay đổi nào đối với Luật BHXH để BHXH Việt Nam có thể cung cấp những gì mà các quỹ khác có thể cung cấp cho các quốc gia của họ”- ông William Joseph Price nhấn mạnh.
Phân tích rõ hơn về tác hại của việc chậm “khơi thông” đầu tư quỹ hưu trí ở Việt Nam, ông William Joseph Price chỉ rõ, BHXH Việt Nam đang phải đối mặt với một vấn đề dài hạn là lợi suất trái phiếu Chính phủ giảm, chỉ cao hơn lạm phát một chút trong 10 năm qua và thấp hơn lạm phát trong một số năm gần đây. Vì vậy, nếu việc thay đổi các nội dung quan trọng trong Luật BHXH không được thực hiện đúng với kỳ vọng, thì cuối cùng sẽ dẫn đến những vấn đề lớn hơn và thách thức hơn về mặt chính trị.
Để giải quyết được vấn đề này, đại diện WB cho rằng, cần trao quyền tự do hơn với sự giám sát chặt chẽ trong việc đầu tư quỹ hưu trí cho tổ chức có nhiệm vụ này là BHXH Việt Nam. Cùng với đó, cần tăng cường giám sát và hỗ trợ chặt chẽ hơn từ các chuyên gia, nhằm nâng cao năng lực đầu tư và khả năng sử dụng các nhà quản lý bên ngoài; cải thiện quản lý rủi ro; nâng cao năng lực quản lý cho BHXH Việt Nam.
Một số biện pháp bảo vệ bổ sung trước khi trao quyền tự do trong đầu tư quỹ hưu trí cho BHXH Việt Nam được ông William Joseph Price chia sẻ gồm: Nếu BHXH Việt Nam có cơ hội đầu tư vào nhiều loại tài sản hơn, điều này luôn cần được HĐQL BHXH Việt Nam đồng ý như một phần trong chiến lược và kế hoạch hằng năm của họ; quỹ hưu trí theo thông lệ tốt nhất phải xuất bản một báo cáo chi tiết giải thích các kế hoạch của họ trong 3 năm tới và chỉ ra cách họ sẽ thực hiện chúng một cách an toàn.
Ngoài ra, đầu tư vào các loại tài sản mới ban đầu có thể được thực hiện bằng cách sử dụng các nhà quản lý quỹ bên ngoài và sử dụng “quỹ chỉ số”- nơi bạn sở hữu một phần nhỏ của một trăm hoặc một nghìn công ty hoặc trái phiếu khác nhau và có thể đầu tư rất rẻ. Qua thời gian, khi HĐQL BHXH Việt Nam, các bộ và các Ủy ban của Quốc hội có liên quan hài lòng với chuyên môn ngày càng tăng của BHXH Việt Nam, thì các loại tài sản mới hơn có thể được BHXH Việt Nam đầu tư nội bộ…
PV