Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tổ chức Hội nghị Thông tin chuyên đề quý II/2022
23/06/2022 10:03 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 22/6, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương đã tổ chức Hội nghị Thông tin chuyên đề quý II/2022.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Việt Đức/TTXVN
Tham dự Hội nghị có các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, Ủy ban Kiểm tra, lãnh đạo các ban, đơn vị của Đảng ủy Khối cùng đại diện thường trực, Ban Tuyên giáo các Đảng ủy trực thuộc; đội ngũ báo cáo viên, dư luận viên Đảng ủy Khối và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức công tác tại cơ quan Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe hai chuyên đề: "Ngoại giao Việt Nam tiên phong, toàn diện, hiện đại, chủ động thích ứng" do đồng chí Lê Thị Thu Hằng, Trợ lý Bộ trưởng, Người Phát ngôn, Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí Bộ Ngoại giao trình bày; "Văn hóa chính trị của người lãnh đạo quản lý và vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên trong tình hình mới" do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trình bày.
Tại chuyên đề: "Ngoại giao Việt Nam tiên phong, toàn diện, hiện đại, chủ động thích ứng", đồng chí Lê Thị Thu Hằng đã cung cấp những thông tin mới về tình hình thế giới và những tác động tới Việt Nam.
Làm rõ nội hàm của "Ngoại giao Việt Nam tiên phong, toàn diện, hiện đại, chủ động thích ứng", đồng chí Lê Thị Thu Hằng cho biết, quán triệt đường lối đối ngoại mà Đại hội Đảng lần XIII đã xác định, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 nhấn mạnh xây dựng nền ngoại giao Việt Nam tiên phong, toàn diện, hiện đại, chủ động thích ứng.
Theo đồng chí Lê Thị Thu Hằng, ngoại giao tiên phong là đối ngoại giữ vai trò đi trước, mở đường khai thông. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp như hiện nay, vai trò tiên phong của ngoại giao có vai trò rất quan trọng, thể hiện ở việc đánh giá, dự báo tình hình, nhận diện cũng như kiến tạo thời cơ và chỉ ra thách thức để bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa, nhanh nhạy phát hiện các vấn đề mới, tham mưu chiến lược, thúc đẩy đổi mới tư duy, tìm hướng đi thuận lợi cho phát triển đất nước.
Đồng chí Lê Thị Thu Hằng trình bày chuyên đề: “Ngoại giao Việt Nam tiên phong, toàn diện, hiện đại, chủ động thích ứng”. Ảnh: Việt Đức/TTXVN
Ngoại giao tiên phong còn là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Đây là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó có đối ngoại. Do đó, cần có sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành, đặc biệt là tính đến vai trò của các doanh nghiệp; huy động sức mạnh tổng hợp của đối ngoại, nhất là trong vấn đề bảo vệ những lợi ích căn bản của Việt Nam. Phát huy vai trò tiên phong, ngoại giao giúp nâng cao vị thế và uy tín đất nước, có vị trí nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải, đảm nhận tốt các trọng trách quốc tế, đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào quan tâm chung của thế giới. Về tính toàn diện của ngoại giao Việt Nam, đồng chí Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, đó là việc phát huy đối ngoại trên tất cả các kênh: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, và đối ngoại nhân dân, thể hiện ở chủ thể thực hiện đối ngoại bao gồm cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và nhân dân; trên tất cả các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội; liên kết và làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác với tất cả đối tác, địa bàn, khu vực. Với ngoại giao hiện đại, bên cạnh kết hợp ngoại giao theo tư tưởng Hồ Chí Minh với tiếp thu các giá trị của nhân loại, ngành Ngoại giao cần tập trung vào đào tạo đội ngũ cán bộ đối ngoại, không chỉ với Bộ Ngoại giao mà của tất cả các lĩnh vực, các bộ, ngành và địa phương, để có thể triển khai đồng bộ các nhiệm vụ ngoại giao hiện nay. Đi cùng với yếu tố con người, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác đối ngoại cũng phải đồng bộ và hiện đại hơn. Tất cả những yếu tố này nhằm vận hành nền ngoại giao Việt Nam ngày càng hoàn thiện, gắn kết chặt chẽ, nhuần nhuyễn giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân; tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả với phương thức hoạt động khoa học, chuẩn hóa và số hóa, có năng lực đổi mới, sáng tạo và chủ động thích ứng với chuyển biến mau lẹ của tình hình. Vận dụng chiến lược ngoại giao trên, thời gian qua, theo đồng chí Lê Thị Thu Hằng, Ngoại giao Việt Nam đã chủ động thích ứng, tiên phong, toàn diện trong ngoại giao vaccine, đưa vaccine phòng COVID-19 về Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam từ một nước có tỷ lệ tiêm vaccine rất thấp, vượt lên là 1 trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine cao nhất trên thế giới. Bên cạnh đó, Ngoại giao Việt Nam còn chủ động tạo môi trường đối ngoại hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng trình bày chuyên đề “Văn hóa chính trị của người lãnh đạo quản lý và vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên trong tình hình mới”. Ảnh: Việt Đức/TTXVN
Trong chuyên đề "Văn hóa chính trị của người lãnh đạo quản lý và vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên trong tình hình mới", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng nhấn mạnh đến bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021. Trong bài phát biểu, Tổng Bí thư nêu rõ: "Văn hóa là những gì tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ (một con người có văn hóa, một gia đình có văn hóa, một dân tộc có văn hóa; lối sống văn hóa, nếp sống văn hóa, cách ứng xử có văn hóa,...). Còn những gì xấu xa, việc làm ti tiện, đớn hèn, những hành động phi pháp, bỉ ổi... là vô văn hóa, phi văn hóa, phản văn hóa. Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng". Với ý nghĩa đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng cho rằng, một trong những điều cốt yếu trong văn hóa chính trị của cán bộ, đảng viên, lãnh đạo quản lý là phải làm thế nào tập hợp, tác động quần chúng nhằm phát huy tính tích cực, tự giác, tự nguyện tham gia vào quá trình chính trị - xã hội. Muốn vậy, cán bộ, đảng viên, lãnh đạo quản lý phải gương mẫu cho quần chúng. Không nêu gương, chính bản thân cán bộ, đảng viên, lãnh đạo quản lý đã tự mình không còn chân chính, cách mạng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng đã nêu ra một số giải pháp tiếp tục thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, lãnh đạo quản lý trong tình hình mới như: cụ thể hóa nội dung nêu gương của từng chức danh, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, lãnh đạo quản lý, gắn với đánh giá, khen thưởng, kỷ luật; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị xã hội và nhân dân tham gia giám sát việc thực hiện trách nhiệm nêu gương…
Theo TTXVN