08 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW tại Quảng Ninh: Thay đổi rõ nét “bức tranh an sinh”
21/02/2021 07:43 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Năm 2020, BHXH tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra với tổng số 17.800 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 100,6% so với kế hoạch BHXH Việt Nam giao; tổng số người tham gia BHYT toàn tỉnh đạt trên 1,2 triệu người, tăng 21.800 người so với năm 2019, diện bao phủ BHYT đạt 93,7% dân số. Đồng thời, BHXH tỉnh đã hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu thu với 5.910 tỷ đồng, đạt 100,6% kế hoạch được giao; thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp giảm thiểu nợ đọng BHXH, BHYT, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, cải cách TTHC, đảm bảo phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp…
Ảnh minh hoạ
Để có được những thành tựu đáng khích lệ như hiện nay, ngoài sự nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành cùng sự đồng lòng và quyết tâm của cán bộ công chức, viên chức, phải kể đến vai trò vô cùng quan trọng, thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình, tầm nhìn chiến lược của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT, đảm bảo an sinh xã hội. Điều đó càng được thể hiện rõ nét bằng những kết quả tích cực trong việc tổng kết phong trào thi đua thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020, góp phần thay đổi rõ nét “bức tranh an sinh” trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Qua 25 năm đổi mới và phát triển chính sách BHXH, BHYT, Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020 là sự tổng kết thực tiễn, từng bước hoàn thiện chính sách an sinh xã hội ở nước ta thời kỳ hội nhập, phát triển. Quan điểm của Đảng nhấn mạnh trách nhiệm thực hiện tốt các chế độ chính sách BHXH, BHYT không chỉ riêng ngành BHXH Việt Nam mà còn của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và của mỗi người dân.
Sau 8 năm thực hiện Nghị quyết số 21, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự điều hành và tổ chức thực hiện của ngành BHXH, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành chức năng, công tác BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, trong giai đoạn 2012-2020, BHXH tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành 78 văn bản chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Hằng năm, công tác thu BHXH, BHYT của BHXH tỉnh luôn hoàn thành chỉ tiêu được BHXH Việt Nam giao. Nếu như năm 2012, số thu BHXH, BHYT đạt 2.779 tỷ đồng thì năm 2019 đã đạt 5.430 tỷ đồng, tăng 2.651 tỷ đồng (95,4%) so với năm 2012. Kết quả thực hiện chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN cũng tăng rõ rệt. Nếu như năm 2012, tỉnh Quảng Ninh có 220.400 người tham gia BHXH, đạt 36,9% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động; 921.892 người tham gia BHYT (tỷ lệ bao phủ đạt 76,93%) thì đến năm 2020, toàn tỉnh có 255.113 người tham gia BHXH, đạt 39,9% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động; hơn 1,2 triệu người tham gia BHYT (tỷ lệ bao phủ đạt 93,7% dân số).
Việc thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền đã làm chuyển biến nhận thức cả trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của BHXH, BHYT, BHTN. Đồng thời, công tác cải cách hành chính được triển khai theo đúng mục tiêu, kế hoạch đề ra, tác phong, thái độ ứng xử đối với doanh nghiệp, người tham gia BHXH, BHYT, BHTN được cải thiện và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm và được quán triệt sâu sắc trong cán bộ ngành.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng CNTT vào quản lý được đặc biệt quan tâm, từng bước hiện đại hóa; hệ thống thông tin giám định, thanh toán chi phí KCB BHYT được vận hành theo đúng quy định; dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT được đồng bộ, góp phần hình thành cơ sở dữ liệu tập trung về BHXH, BHYT theo chỉ đạo của BHXH Việt Nam. Các chính sách, chế độ BHXH, BHYT, BHTN được triển khai đầy đủ, kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho người dân. Việc mở rộng, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN luôn vượt chỉ tiêu giao, đặc biệt về lĩnh vực BHYT. Quỹ BHXH ngày càng tăng; quỹ KCB BHYT được quản lý chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia.
Công tác kiểm tra, giám sát luôn được xem trọng. Hàng năm, đều tiến hành kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương và Tỉnh ủy về công tác BHXH, BHYT, BHTN; qua đó, xác định giải pháp phù hợp để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ KCB BHYT, bảo đảm quyền lợi và đáp ứng nhu cầu KCB của người tham gia BHYT; công tác giải quyết các chế độ BHXH, BHYT, BHTN được thực hiện đúng quy định.
Ngoài ra, phong trào thi đua thực hiện Nghị quyết đã được các phòng nghiệp vụ, BHXH các huyện triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời gắn với các giải pháp, nội dung phù hợp, sát thực tế. Đã có nhiều tập thể, cá nhân có cách làm hay, hiệu quả trong triển khai thực hiện phong trào, làm tiền đề vững chắc để thực hiện thành công lộ trình BHXH cho mọi người và BHYT toàn dân.
Báo cáo tổng kết phong trào thi đua thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của BHXH tỉnh Quảng Ninh cũng đã chỉ rõ những bài học kinh nghiệm được đúc kết, từ đó khắc phục những nguyên nhân còn tồn tại, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Theo đó, các cấp ủy, chính quyền cần quan tâm thường xuyên, lãnh đạo, chỉ đạo định hướng việc triển khai và thực hiện các chính sách, chế độ về BHXH, BHYT, BHTN theo Nghị quyết số 21, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN. Tập trung đổi mới nội dung tuyên truyền, cần ngắn gọn, dễ hiểu, chú trọng giải thích, làm rõ những điểm mới của Luật BHXH, Luật BHYT, Luật ATVSLĐ, Luật Việc làm, các chế độ, chính sách, quyền lợi và nghĩa vụ của người dân, chủ sử dụng lao động trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Đẩy mạnh tuyên truyền bằng hình thức đối thoại trực tiếp tại các xã, phường, thị trấn, trường học, doanh nghiệp,…đây chính là các địa bàn trực tiếp tổ chức vận động đối tượng và giám sát thực hiện các chế độ BHXH, BHYT, BHTN.
Tiếp tục phát triển hệ thống BHXH, BHYT đồng bộ với phát triển các dịch vụ xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành Nghị quyết số 21, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN; kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm, nhất là tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN và các hành vi tiêu cực, gian lận để hưởng chế độ, trục lợi BHXH, BHYT, BHTN. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, CCVC; đổi mới tác phong, lề lối làm việc và phong cách phục vụ đối tượng; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thực hiện có hiệu quả cải cách hành chính, tập trung vào việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, xây dựng hệ thống BHXH, BHYT hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả cao nhằm tạo thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN. Đặc biệt, cần tăng cường sự phối hợp hoạt động của các tổ đoàn thể trong đơn vị là yếu tố quan trọng cho phong trảo thi đua, kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với những tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua của Ngành.
Uyên Mai