Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 2
01/02/2021 10:05 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Lập hồ sơ giả mạo để chi ngân sách bị phạt nặng, bãi bỏ nhiều quy định liên quan đến cán bộ công chức… là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 2.
Hành vi lập hồ sơ, chứng từ giả mạo để chi ngân sách Nhà nước, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự bị xử phạt 12,5 đến 40 triệu đồng. Ảnh: Internet.
Thông tư 87 do Bộ Tài chính mới ban hành hướng dẫn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kho bạc Nhà nước có hiệu lực từ 1/2.
Thông tư quy định với hành vi vi phạm quy định khoản chi ngân sách Nhà nước phải có trong dự toán ngân sách Nhà nước được cấp có thẩm quyền giao, mức xử phạt từ 1,5 đến 4,5 triệu đồng.
Hành vi lập hồ sơ, chứng từ sai chế độ quy định và hành vi lập hồ sơ, chứng từ sai so với hồ sơ, chứng từ gốc tại đơn vị, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, mức xử phạt từ 1,5 đến 4,5 triệu đồng.
Đặc biệt, hành vi lập hồ sơ, chứng từ giả mạo để chi ngân sách Nhà nước, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, mức xử phạt từ 12,5 đến 40 triệu đồng.
Hành vi lập hồ sơ, giấy tờ giả mạo để làm thủ tục đăng ký và sử dụng tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, mức xử phạt 12,5 triệu đồng.
Bãi bỏ nhiều quy định liên quan đến cán bộ, công chức
Cũng có hiệu lực từ 1/2, Thông tư 15 của Bộ Nội vụ bãi bỏ một số Thông tư liên tịch liên quan đến cán bộ, công chức, gồm:
- Thông tư liên tịch số 54 năm 1999 hướng dẫn điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu, mức trợ cấp và mức sinh hoạt phí với người hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp và sinh hoạt phí từ nguồn kinh phí thuộc ngân sách Nhà nước;
- Thông tư liên tịch số 72 năm 2000 hướng dẫn điều chỉnh mức lương tối thiểu, mức trợ cấp và sinh hoạt phí với người hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp và sinh hoạt phí từ nguồn kinh phí thuộc ngân sách Nhà nước.
- Thông tư liên tịch số 125 năm 1995 hướng dẫn bàn giao nhiệm vụ, tổ chức và nhân sự bảo hiểm xã hội của hệ thống lao động, thương binh và xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sang Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Quy định mới về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sẽ được áp dụng từ 20/2. Ảnh: Zing
Áp dụng quy định mới về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
Nghị định 06 của Chính phủ ban hành ngày 3/1/2020 về sửa đổi Nghị định 47/2014/NĐ-CP quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất có hiệu lực thi hành từ 20/2.
Theo đó, đối với việc thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung nội dung "Dự kiến tiến độ thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư" vào Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Trường hợp thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư mà phải xây dựng khu tái định cư tập trung thì trong Khung chính sách phải bao gồm cả khu vực thu hồi đất để xây dựng khu tái định cư tập trung đó.
Đối với dự án đầu tư đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho toàn bộ dự án trước ngày 20/2 tiếp tục thực hiện theo quy định tại Điều 17 của Nghị định 47.
8 nội dung phải công khai trong thi hành tạm giam
Thông tư số 81 của Bộ Công an về thực hiện dân chủ trong thi hành tạm giữ, tạm giam của lực lượng Công an nhân dân có hiệu lực từ ngày 12/2.
Theo đó, Thông tư quy định những nội dung phải công khai, gồm:
1. Quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; nội quy cơ sở giam giữ; danh mục đồ vật cấm đưa vào buồng tạm giữ, buồng tạm giam.
2. Tình hình chấp hành nội quy cơ sở giam giữ, sức khỏe của người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật.
3. Chế độ, tiêu chuẩn ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; chế độ sinh hoạt tinh thần đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em dưới 36 tháng tuổi ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ.
4. Quy định về việc gặp thân nhân của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; các trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam không được gặp thân nhân, tiếp xúc lãnh sự.
5. Quy định về việc giải quyết cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam nhận quà; việc hủy bỏ đồ vật thuộc danh mục cấm mang vào buồng tạm giữ, buồng tạm giam; việc gửi, nhận thư, sách, báo, tài liệu của người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật.
6. Hình thức xử lý kỷ luật người bị tạm giữ, người bị tạm giam có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm nội quy cơ sở giam giữ; khen thưởng người bị tạm giữ, người bị tạm giam có thành tích, lập công.
7. Cấp có thẩm quyền và nơi giải quyết khiếu nại, tố cáo, đề nghị hợp pháp về quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết các khiếu nại, tố cáo và đề nghị của người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật.
8. Địa điểm và lịch tiếp công dân, thân nhân người bị tạm giữ, người bị tạm giam; nội quy nơi tiếp công dân, thân nhân người bị tạm giữ, người bị tạm giam; hòm thư góp ý; số điện thoại đường dây nóng.
Công khai tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng tốt nghiệp
Nghị định 99 của Chính phủ hướng dẫn Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) yêu cầu các cơ sở giáo dục phải thực hiện công khai đầy đủ trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học về các nội dung như: Các quy chế, quy định nội bộ; Danh sách giảng viên theo ngành, trình độ, chức danh và các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo khác.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục này còn phải công khai Đề án tuyển sinh và kế hoạch tuyển sinh, danh sách nhập học và tốt nghiệp hàng năm theo ngành, trình độ đào tạo, quy mô đào tạo và tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng tốt nghiệp; Chỉ tiêu tuyển sinh, quyết định mở ngành, quyết định liên kết đào tạo cùng với hồ sơ chứng minh đủ điều kiện theo quy định.
Ngoài ra, các mẫu văn bằng, chứng chỉ, danh sách cấp văn bằng, chứng chỉ cho người học hàng năm; Chế độ, chính sách miễn, giảm học phí, học bổng cũng phải được thông báo công khai để sinh viên được biết.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ 15/2./.
PV