Phát triển mới khoảng 750.000 người tham gia BHXH tự nguyện trong 2 năm 2019- 2020
28/01/2021 02:45 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết tại Đại hội Đại biểu lần thứ XIII của Đảng diễn ra vào chiều ngày 27/1.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, việc thực hiện quản lý phát triển xã hội đã có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và huy động được sự tham gia tích cực, sâu rộng của mọi tầng lớp nhân dân. Đồng thời, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Nhà nước đã dành 21% ngân sách cho phúc lợi xã hội, là mức cao nhất trong số các nước ASEAN, nhờ đó đã thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra.
Đặc biệt, chính sách người có công với cách mạng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm đặc biệt, đời sống người có công không ngừng được nâng lên, đến nay 99,7% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của Nhân dân nơi cư trú.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tham luận tại Đại hội (nguồn: Internet)
Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo. Giai đoạn 2016- 2020, Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên của Châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều. Nghèo đa chiều không chỉ tiếp cận từ thu nhập mà còn từ các chiều cạnh khác. Từ 70% dân số nghèo đói năm 1990 xuống còn 2,75% năm 2020. Đặc biệt, thay đổi sâu sắc nhận thức của các cấp, các ngành và ngay cả người nghèo tự vươn lên thoát nghèo.
Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong 5 năm qua, Việt Nam đã tạo được khoảng 8 triệu việc làm mới với mức thu nhập tốt hơn; là một trong 10 quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trên thế giới; cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, tỷ lệ lao động khu vực nông, lâm, ngư nghiệp giảm từ 45% năm 2015 xuống còn 32% năm 2020.
Nhận thức về học nghề, phát triển giáo dục nghề nghiệp trong toàn xã hội và người dân đã có chuyển biến mạnh mẽ; vị thế, vai trò của hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong hệ thống giáo dục quốc dân được nâng cao. Kết quả giáo dục nghề nghiệp đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. “Chính sách BHXH, BHYT trở thành trụ cột chính trong hệ thống ASXH, đặc biệt việc phát triển BHXH tự nguyện theo tinh thần Nghị quyết 28. Chỉ trong 2 năm 2019- 2020 đã phát triển mới khoảng 750.000 người, gấp 3 lần 10 năm trước đây. Đến nay, trên 90% dân số đã tham gia BHYT, tăng gấp 12,7 lần so với năm 1995”- Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh.
Cùng với đó, chính sách trợ giúp xã hội đã bao phủ hầu hết các nhóm đối tượng ở mọi lứa tuổi, 3% dân số và 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên hằng tháng. Trẻ em được bảo vệ và chăm sóc, xây dựng môi trường sống an toàn để thực hiện đầy đủ quyền trẻ em; chăm sóc và phát huy tốt hơn vai trò người cao tuổi; người khuyết tật được trợ giúp phục hồi chức năng, đào tạo nghề và tạo việc làm nên đời sống được ổn định và có phần cải thiện. Đã thu hẹp khoảng cách giới trên tất cả các mặt. Chỉ số phát triển giới của Việt Nam nằm trong các quốc gia thuộc nhóm cao nhất trong 5 nhóm trên thế giới. Vai trò, địa vị của phụ nữ được củng cố và nâng cao cả trong gia đình và ngoài xã hội.
Với mục tiêu trở thành quốc gia đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường khu vực và thế giới, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư… Trong khi đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ còn thấp và cơ cấu chưa hợp lý; chất lượng việc làm thấp, tạo việc làm chưa thực sự bền vững, thu nhập chưa cao; tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên còn lớn, cao gấp 3 lần tỷ lệ thất nghiệp chung; tỷ lệ bao phủ BHXH còn thấp, nhất là nông dân và lao động khu vực phi chính thức. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, chênh lệch giàu- nghèo về mức sống, hưởng thụ văn hóa, tinh thần giữa các vùng, miền, các nhóm đối tượng còn lớn và có xu hướng gia tăng…
Để vượt qua thách thức và khắc phục những hạn chế, bất cập đòi hỏi thời gian tới chúng ta phải tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý phát triển xã hội trên cơ sở quán triệt, cụ thể hóa quan điểm, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ do Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra. Trong đó, con người là mục tiêu, động lực của phát triển và là trung tâm của chính sách xã hội; xác định rõ chính sách xã hội chăm lo cho người dân là nhiệm vụ chiến lược, là trách nhiệm thường xuyên của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội. Đồng thời, tập trung xây dựng hệ thống các chính sách xã hội, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII và cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, và các chuẩn mực quốc tế bảo đảm ứng phó với các thách thức trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.
Các đại biểu tham dự Đại hội (nguồn: Internet)
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề xuất, xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt, hiện đại, chia sẻ và hội nhập; tăng hỗ trợ của Nhà nước để mở rộng độ bao phủ BHXH tự nguyện, phấn đấu đạt tỷ lệ độ bao phủ 60% năm 2030, hướng tới BHXH toàn dân. Mở rộng và duy trì BHYT toàn dân, nâng cao chất lượng y tế cơ sở và y tế dự phòng, đặt y tế cơ sở là nền tảng để chăm sóc sức khỏe người dân. Đồng thời, phát triển trợ giúp xã hội toàn diện, đa dạng, bao trùm, hiệu quả, phù hợp với vòng đời con người, có sự chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân; phấn đấu nâng tỷ lệ đối tượng được trợ giúp xã hội lên 3,5% dân số vào năm 2025 và 4% vào năm 2030; phát triển và đa dạng hóa các dịch vụ trợ giúp xã hội chuyên nghiệp, nghề công tác xã hội đảm bảo nguyên tắc không để ai bị bỏ lại phía sau…
PV